Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Ông lớn ngân hàng lãi ngàn tỷ vẫn lo
Hà Tâm - 13/07/2017 07:18
 
Các ngân hàng đang rầm rộ báo lãi tăng vọt so với cùng kỳ năm trước, trong đó, không ít ông lớn thu về hàng ngàn tỷ đồng lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm.

Tín dụng tăng nhanh, ngân hàng lãi lớn

Vừa kết thúc quý II/2017, song nhiều ngân hàng đã hồ hởi báo lãi. Trong khối ngân hàng TMCP quốc doanh, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên báo lãi. Theo đó, 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt tới 5.054 tỷ đồng, tăng 20,5% so cùng kỳ năm 2016. Với kết quả này, Vietcombank đã đạt 53,2% kế hoạch năm và sẽ không ngạc nhiên nếu năm nay, Vietcombank đạt kỷ lục 10.000 tỷ đồng lợi nhuận.

Vietcombank là ngân hàng TMCP quốc doanh đầu tiên báo lãi 6 tháng đầu năm, với hơn 5.000 tỷ đồng. Ảnh: Chí Cường
Vietcombank là ngân hàng TMCP quốc doanh đầu tiên báo lãi 6 tháng đầu năm, với hơn 5.000 tỷ đồng.

Trước đó, nhiều ngân hàng nhỏ và vừa cũng công bố lợi nhuận khả quan. Cụ thể, SHB báo lãi 800 tỷ đồng, OCB và TPBank lãi gấp đôi năm ngoái với gần 500 tỷ đồng. Ngay cả Sacombank cũng đang lấy lại đà tăng trưởng với lợi nhuận trước trích lập dự phòng 6 tháng đạt 490 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 428 tỷ đồng, tăng 70,4% so với cùng kỳ năm 2016…

Sỡ dĩ lợi nhuận ngân hàng khởi sắc là từ đầu năm đến nay, tín dụng của toàn ngành tăng mạnh, đạt 7,54% - mức tăng cao nhất trong vòng 6 năm qua. Thậm chí, nhiều ngân hàng đã sử dụng gần hết hạn mức tăng trưởng tín dụng của cả năm và đang xin Ngân hàng Nhà nước nới room tăng trưởng tín dụng.

Cho dù kết quả lợi nhuận của nhiều ông lớn như BIDV, VietinBank, MB, VPBank, Techcombank… chưa được công bố, song thông tin ban đầu hết sức khả quan. Có khả năng, lợi nhuận của BIDV đạt khoảng 50% kế hoạch đề ra của năm (7.750 tỷ đồng). Trong khi đó, lợi nhuận của VietinBank được tiết lộ là tăng rất mạnh và có thể vượt cả Vietcombank.

Như vậy, không lâu nữa, thị trường sẽ có thêm các ngân hàng báo lãi ngàn tỷ đồng, thậm chí lên tới 4.000 - 5.000 tỷ đồng.

Tất nhiên, đây chỉ là những con số tương đối, chưa thể phản ánh đúng thực chất sức khỏe của các ngân hàng. Đơn cử, VietinBank có thể dẫn đầu lợi nhuận, song lại phải chịu nhiều áp lực để xử lý sạch nợ tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong năm nay, đồng nghĩa với khối lợi nhuận khủng này có thể tiếp tục bị hao hụt ít nhiều trong những tháng cuối năm.

Dù vậy, xét tổng thể, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, năm nay, lợi nhuận của toàn hệ thống sẽ cải thiện hơn năm ngoái, chủ yếu do tín dụng tăng mạnh. Hơn nữa, Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vừa được Quốc hội thông qua cũng sẽ giúp các ngân hàng có điều kiện đẩy mạnh xử lý nợ, giảm chi phí dự phòng rủi ro tăng lợi nhuận.

Kết quả khảo sát mới đây của Vụ Dự báo - Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) cho thấy, có tới 90,6% ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2016 và có 64% số ngân hàng được hỏi cho biết, tình hình kinh doanh trong quý II/2017 có sự cải thiện tốt và rõ nét hơn so với quý I/2017.

Lãi ngàn tỷ đồng vẫn lo

Ngân hàng báo lãi ngàn tỷ đồng không phải là chuyện lạ, song theo các chuyên gia, chưa thể yên tâm về điều này.

Thứ nhất, theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, lãi ngàn tỷ đồng tuy lớn, nhưng nếu so quy mô vốn của ngân hàng lại thua kém nhiều ngành khác, cho thấy hoạt động ngân hàng vẫn khó khăn.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) của hệ thống ngân hàng năm 2016 là dưới 7%, chỉ tương đương với lãi suất gửi tiết kiệm và vẫn thấp hơn so với bình quân khu vực.

Thứ hai, lợi nhuận ngân hàng tuy lớn, song khối lượng nợ xấu cần xử lý vẫn còn rất nhiều, ước khoảng 600.000 tỷ đồng. Việc xử lý khối nợ này sẽ “ngốn” một khoản lợi nhuận không nhỏ của các ngân hàng.

Thứ ba, tín dụng - nguồn thu chính của ngân hàng thời gian gần đây - tuy tăng trưởng tốt, song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro trong tương lai, nhất là khi một nguồn vốn không nhỏ đã được rót vào các lĩnh vực nhạy cảm như giao thông, bất động sản.

Thứ tư, nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng phục hồi chưa bền vững.

Thứ năm, việc chính thức áp dụng tiêu chuẩn theo Hiệp ước Basel II đối với 10 ngân hàng vào cuối năm sau cũng sẽ khiến lợi nhuận ngân hàng bị ảnh hưởng.

Chính vì những lý do trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các ngân hàng không nên vội vàng chạy theo mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận, mà phải tập trung nguồn lực để xử lý nợ xấu, siết chặt quản trị rủi ro.

Hiện tại, hầu hết ngân hàng Việt Nam mới tập trung vào quản trị rủi ro tín dụng, trong khi rủi ro hoạt động chưa được chú trọng đúng mức. Đây cũng chính là lỗ hổng dẫn đến hàng loạt ngân hàng yếu kém thời gian qua. Basel II sẽ trám lỗ hổng này, song cũng sẽ khiến nguồn vốn cho vay của ngân hàng bị co hẹp. Tuy nhiên, sự co hẹp này là cần thiết để các ngân hàng nâng cao công tác quản trị, tạo nền tảng tăng trưởng cho giai đoạn sau.

Lợi nhuận ngành ngân hàng vẫn dựa vào tăng trưởng tín dụng
Nhiều ngân hàng cho rằng, chi phí huy động vốn gia tăng, nhưng lãi suất cho vay khó điều chỉnh tăng theo nên chênh lệch lãi suất trong hoạt động tín...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư