Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Ôsin bệnh viện: Thu nhập cao nhưng lệ ướt tràn mi
Bảo Chi - 24/12/2013 17:37
 
Thu nhập cao, dễ tìm việc, nhưng không phải ai cũng trụ được với nghề ôsin bệnh viện, bởi công việc đòi hỏi sức khỏe dẻo dai, sự khéo léo, nhẫn nại, đôi khi là cam chịu và lòng nhân ái. >>  
TIN LIÊN QUAN

Tranh thủ lúc bác sỹ thăm khám bệnh, đội ngũ ôsin bệnh viện thăm hỏi nhau
Tranh thủ lúc bác sỹ thăm khám bệnh, đội ngũ ôsin bệnh viện thăm hỏi nhau


Đói ngủ triền miên


Chị Nguyễn Thị Phượng (quê ở Vĩnh Phúc) hiện đang trông một cụ bà tại khoa Hồi sức tích cực, trong tình trạng nằm bất động, phải thở bằng máy. Vì bệnh nhân bất động, nên chị Phượng phải luôn tỉnh táo gần như cả ngày. “Suốt cả đêm ngồi bên giường người bệnh, cứ chợp mắt chỉ dăm phút là phải choàng tỉnh để nhìn trạng thái bệnh nhân, theo dõi máy móc... Bất cứ cử động gì của bệnh nhân, mình cũng phải biết. Rồi phải vệ sinh cá nhân, cho ăn, cho uống thuốc... đúng giờ. Đã nhận trông bệnh nhân thì phải khỏe, có sức chịu đựng, không nề hà bẩn thỉu, bệnh tật, cái gì cũng phải tranh thủ từ ăn, ngủ đến vệ sinh cá nhân”, chị Phượng cho hay.

"Dù công việc rất vất vả, không phải ai cũng làm được nhưng với mức thù lao 120.000 – 150.000 đồng/ngày (người mới vào nghề) và 200.000 – 300.000 đồng/ngày (người có kinh nghiệm) thì quả là khoản thu nhập cao với người nông thôn. Vì vậy, những ai đã gắn bó với công việc này rất ít khi bỏ việc...”.

Chị Nguyễn Thị Phượng
quê Vĩnh Phúc,

hiện đang làm ô sin Bệnh viện Hữu Nghị

Được biết, mỗi ngày chị Phượng được nghỉ ngơi khoảng hơn 3 tiếng từ 8h30 - 11h, khi bác sỹ yêu cầu ra ngoài để thăm khám bệnh nhân và khoảng 30 phút đến 1 tiếng, khi người nhà vào thăm bệnh nhân. “Thế nên ôsin trông bệnh nhân, mắt ai cũng hõm sâu vào”, chị Phương nói.

Còn hơn tháng nữa là Tết, nhiều ôsin bệnh viện đã tính chỉ làm độ 20 ngày nữa thì về quê, nhưng chị Phượng vẫn ở lại viện để kiếm thêm, bởi từ 28 âm đến mùng 6 tháng Giêng, thù lao mỗi ngày trông bệnh gấp 3 lần ngày thường, khoảng 700.000 – 800.000 đồng/ngày, chưa kể nhiều gia chủ hậu hĩnh còn “mừng tuổi” thêm. Chị Phượng tâm sự: “Xác định tư tưởng là ở lại kiếm tiền vì chồng con rồi, nhưng Giao thừa nào tôi cũng bật khóc vì nhớ nhà, nhớ các con. Thế nhưng mấy ngày Tết kiếm được cả chục triệu, thằng lớn nhà tôi đang năm cuối cấp phải học thêm, tốn kém quá”.

Những nỗi niềm


Đã xác định làm ôsin bệnh viện rất vất vả, nhưng nhiều người vẫn không lường trước được những tình huống oái oăm mà nghề này mang lại. Theo chị Nguyễn Thị Thúy đang chăm bệnh nhân ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nhiều bệnh nhân ốm đau, bệnh tật nên khó tính, thường xuyên mắng mỏ, thậm chí chửi tục, khinh miệt... người chăm sóc. “Hai tháng trước, tôi trông người bệnh khác, nhưng gia đình họ bị thất lạc mấy cái phong bì khách tới thăm, cứ bóng gió tôi ăn cắp, tôi càng thanh minh họ càng làm già, tôi đành rút lui bỏ lại 4 ngày công chưa kịp lấy”, chị Thúy kể.


Chị Trần Thị Lý, quê Thái Bình, đang trông bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai cho hay, khổ nhất là chăm những người có bệnh lý về thần kinh. Nào là phải dỗ dành, trò chuyện đủ kiểu, nhiều khi bị bệnh nhân cấu, véo, hắt nước vào mặt hay đôi khi còn đổ oan nữa mà phải chịu. “Cách đây độ một tháng, tôi chăm một cụ bà tại Khoa thần kinh trẻ nhỏ và người già (Bệnh viện Tâm thần và Sức khỏe T.Ư). Bà cụ ngoài 80 tuổi lúc tỉnh, lúc lẫn, có lúc ăn xong chưa đầy nửa giờ nhưng con gái vào thăm, cụ bà cứ nằng nặc kêu đói, khiến con gái bệnh nhân phê bình tôi, tôi lại phải nhờ những người cùng phòng bệnh làm chứng giúp”, chị Lý nói.


Thế nhưng, gắn bó với nghề lâu, nhiều ôsin bệnh viện nảy sinh tình thương, trở nên thân thiết với người bệnh và gia chủ. Chị Phượng nhớ lần trông bà cụ tên Mai gần 70 tuổi bị tiểu đường, cao huyết áp, tai biến phải nằm viện cả tháng. Nhà bà Mai neo người, có độc anh con trai lớn tuổi chưa lập gia đình. Mấy ngày đầu còn có họ hàng ra vào thăm nom, sau thì chẳng còn ai, anh con trai thì công tác liên miên, nên khoán trắng việc chăm sóc mẹ cho chị. “Bà cụ tủi thân hay khóc, thế là ngoài chăm sóc, mình còn bầu bạn, tỉ tê câu chuyện cho cụ đỡ buồn. Sau khi khỏi bệnh, ngoài tiền công, mẹ con bà Mai còn tặng tôi thêm đôi triệu nữa để cảm ơn, thỉnh thoảng tôi vẫn điện thoại hỏi thăm bà cụ”, chị Phương kể.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư