Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 21 tháng 11 năm 2024,
Oxfam: Những thiên đường thuế tồi tệ đang gây bất lợi cho Việt Nam
Thùy Liên - 13/12/2016 08:06
 
Báo cáo "Cuộc đua thuế: cuộc đua xuống đáy nguy hiểm về thuế thu nhập doanh nghiệp" do Tổ chức phi chính phủ Oxfam vừa công bố đã cảnh báo một cuộc đua xuống đáy nghiêm trọng về thuế thu nhập doanh nghiệp. Tại Việt Nam, tổ chức này cũng cảnh báo, việc thu hút FDI qua ưu đãi thuế ít có tác động tăng đầu tư hoặc tăng phát triển kinh tế.
Vốn FDI từ những thiên đường thuế vào Việt Nam ngày càng nhiều
Vốn FDI từ những thiên đường thuế vào Việt Nam ngày càng nhiều

Các thiên đường trốn thuế đang làm đất nước nghèo mất 100 tỷ USD

Báo cáo “Cuộc đua thuế” của Oxfam cho biết cách thức các thiên đường thuế đang dẫn dắt cuộc đua xuống đáy toàn cầu về thuế thu nhập doanh nghiệp, làm thất thoát của các quốc gia hàng tỷ đô la cần cho công cuộc xóa nghèo đói và bất bình đẳng.

Danh sách đầy đủ 15 thiên đường thuế tồi tệ nhất trên thế giới như sau, xếp theo mức độ nghiêm trọng gồm: Bermuda; Quần đảo Cayman; Hà Lan; Thụy Sỹ; Singapore; Ireland; Luxembourg; Curaçao; Hồng Kông; Cộng hòa Síp; Bahamas; Jersey; Barbados; Mauritius và Quần đảo British Virgin. Vương quốc Anh không xuất hiện trong danh sách, nhưng bốn vùng lãnh thổ thuộc quốc gia này lại có tên trong danh sách: Quần đảo Cayman, Jersey, Bermuda và Quần đảo British Virgin.

Oxfam cho biết đã xây dựng danh sách “Thiên đường thuế tồi tệ nhất trên thế giới” bằng cách đánh giá trên ba tiêu chí: thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 0%, có các ưu đãi thuế không công bằng, thiếu hiệu quả và thiếu hợp tác quốc tế trong việc chống lại hành vi tránh thuế (bao gồm các biện pháp tăng cường minh bạch tài chính).

Nhiều quốc gia trong danh sách “tồi tệ nhất” đã bị nghi vấn có liên quan trong các vụ bê bối về thuế. Ví dụ như, Ailen với thỏa thuận thuế với Apple, cho phép công ty công nghệ toàn cầu khổng lồ chi trả mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 0,005% tại quốc gia này. Quần đảo British Virgin là nơi tọa lạc của hơn một nửa trong số 200,000 công ty ”ma” do Mossack Fonseca thành lập – là một công ty luật có vai trò trọng tâm trong vụ bê bối Hồ sơ Panama.

Esme Berkhout, Cố vấn chính sách thuế của Oxfam nói: “Thiên đường thuế đang giúp các doanh nghiệp lớn chiếm đoạt từ các quốc gia hàng tỷ đô la mỗi năm. Các doanh nghiệp đang tiếp tay cho một hệ thống kinh tế vô cùng bất công, khiến hàng triệu người mất đi hầu hết các cơ hội cải thiện cuộc sống tốt hơn.”

Hành vi trốn thuế của các công ty đa quốc gia khiến các nước nghèo mất đi ít nhất 100 tỷ Đô la Mỹ hàng năm. Số tiền này đủ để tạo cơ hội cho 124 triệu trẻ em thất học được đến trường và cứu sống ít nhất 6 triệu trẻ em mỗi năm.

Tuy nhiên, báo cáo của Oxfam chỉ ra rằng thiên đường thuế chỉ là một phần của vấn đề. Các quốc gia trên khắp thế giới đang cắt giảm thuế cho doanh nghiệp để cạnh tranh thu hút đầu tư. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp trung bình của các nước nhóm G20 là 40% vào 25 năm trước. Hiện nay, con số này xuống dưới 30%. Ưu đãi thuế tốn kém và không hiệu quả đang được sử dụng  rộng rãi, đặc biệt là tại các nước đang phát triển. Ví dụ như, ưu đãi thuế khiến Kenya tốn 1,1 tỷ Đô la Mỹ một năm – gần gấp đôi toàn bộ ngân sách cho y tế của quốc gia này. 

Khi đã cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, các quốc gia cân đối tài chính bằng cách giảm chi tiêu công hoặc tăng thuế, như thuế giá trị gia tăng (GTGT), mà phần lớn do người nghèo chi trả. Ví dụ, song hành với cắt giảm 0,8% thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2007 đến 2014, các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)  đã tăng 1,5% thuế suất thuế GTGT từ năm 2008 đến 2015.

“Không có người thắng cuộc trong cuộc đua xuống đáy về thuế thu nhập doanh nghiệp. Những người dân thường – đặc biệt là những người nghèo nhất – đang phải trả giá cho cuộc đua nguy hiểm này với việc thuế cá nhân bị tăng lên và các dịch vụ  thiết yếu, như chăm sóc sức khỏe và giáo dục bị cắt giảm. Các quốc gia cần hợp tác với nhau để chấm dứt cuộc đua xuống đáy điên rồ về thuế thu nhập doanh nghiệp và để đảm bảo các công ty thực hiện đúng nghĩa vụ thuế của họ một cách bình đẳng,” Berkhout cho biết.

Oxfam kêu gọi các quốc gia hợp tác với nhau để chấm dứt hành vi trốn thuế và cuộc đua xuống đáy về thuế thu nhập doanh nghiệp.  Dừng các ưu đãi thuế không hiệu quả và bất công, hợp tác để xác định mức thuế thu nhập doanh nghiệp công bằng, lũy tiến và đóng góp cho lợi ích chung.

Bên cạnh đó, cần cải thiện minh bạch thuế bằng việc yêu cầu tất cả công ty đa quốc gia công bố báo cáo tài chính tại các quốc gia họ đang có hoạt động kinh doanh, từ đó làm rõ công ty đang nộp những loại thuế nào và tại đâu.

Khuyến nghị xem lại chính sách ưu đãi FDI bằng thuế

 Ở mức độ toàn cầu, các chuyên gia ước tính thiệt hại từ những hoạt động lợi dụng các thiên đường thuế gây thiệt hại ít nhất 100 tỷ Đô-la cho các quốc gia đang phát triển hàng năm, trong đó có Việt Nam.

Riêng tại Việt Nam, Oxfam cho rằng, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đến từ các thiên đường thuế càng ngày càng thường xuyên hơn, tăng 47% chỉ trong vòng một năm.

 Một số vùng lãnh thổ nằm trong danh sách thiên đường thuế tồi tệ nhất của Oxfam đang tăng cường các hoạt động và ngày càng trở thành nguồn đầu tư thường xuyên tại Việt Nam (K, Singapore, BVI, Jersey, Luxembourg, Quần đảo Cayman hoặc Bermuda).

Do đó, Oxfam cảnh báo, không có cơ chế quản lý phù hợp sẽ dẫn đến rủi ro là lợi nhuận của các khoản đầu tư này sẽ không được giữ tại Việt Nam. Nghiên cứu sắp được công bố của Oxfam tại Việt Nam cho thấy mặc dù ưu đãi thuế được sử dụng rộng rãi, có ít bằng chứng cho thấy ưu đãi thuế giúp tăng đầu tư hoặc tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, các ưu đãi thuế lớn nhất, cụ thể là miễn thuế có thời hạn, được dành cho khoản đầu tư lớn trong sản xuất và bất động sản. Các khoản đầu tư này vẫn được thực hiện cho dù không có các ưu đãi này, làm thất thoát một khoản doanh thu đáng kể mà không mang lại lợi ích kinh tế đi kèm. Tính phức tạp của quy định ưu đãi thuế của Việt Nam và thiếu thông tin, số liệu, đã gây khó khăn cho nhà nghiên cứu và nhà đầu tư phân tích chính xác chi phí và lợi ích của ưu đãi thuế.  

Do đó, các chuyên gia của Oxfam khuyến cáo Việt Nam cần hợp tác với các quốc gia khác, đặc biệt là các nước thành viên ASEAN, nhằm đặt một mức thuế thu nhập doanh nghiệp công bằng, cấp tiến, đóng góp cho lợi ích chung, và chấm dứt cuộc đua thuế.

Rà soát các chính sách ưu đãi thuế và thực hiện phân tích chi phí-lợi ích một cách thận trọng và mang tính dài hạn trước khi ban hành và sau khi thực hiện chính sách ưu đãi thuế, cả về khía cạnh xã hội lẫn bình đẳng giới. Trong phân tích chi phí-lợi ích, những lợi ích của chính sách ưu đãi thuế cần được cân nhắc với chi phí cơ hội của chính sách.

Bên cạnh đó, thiết lập cơ chế báo cáo để cơ quan thuế thu thập và công khai thông tin và dữ liệu liên quan đến chính sách ưu đãi thuế như số dự án được hưởng ưu đãi thuế, số giảm thu ngân sách do ưu đãi thuế, đóng góp của dự án được hưởng ưu đãi đối với nền kinh tế về khía cạnh việc làm, kim ngạch xuất khẩu. Ngoài ra, thực hiện thống kê chi tiêu thuế như nhiều quốc gia khác đã thực hiện gần đây như Thái Lan hay Malaysia.

Hiện Việt Nam đang xây dựng Nghị định chống chuyển giá, Oxfam đề xuất Nghị định này cần bổ sung quy định yêu cầu tất cả công ty đa quốc gia công bố báo cáo tài chính tại các quốc gia họ đang có hoạt động kinh doanh, từ đó làm rõ công ty đang nộp những loại thuế nào và tại đâu.

Vụ chuyển nhượng Big C Nam Định: Có dấu hiệu trốn thuế?
Năm 2010, Công ty cổ phần Bất động sản Việt Nhật (Công ty Việt Nhật) thuộc Tập đoàn Casino (Pháp) và là chủ sở hữu hệ thống siêu thị Big C...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư