Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
PAN tham vọng “ôm gọn” Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương
Chí Tín - 26/11/2015 13:29
 
Mặc dù đã sở hữu trên 62% cổ phần tại NSC và có kế hoạch mua thêm 12,14% để tăng số lượng cổ phần lên 75%, nhưng kỳ vọng của PAN chưa dừng lại ở đây.

Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (mã PAN, sàn HOSE) đang thực hiện việc chào mua công khai 12,14% cổ phần đang lưu hành của Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương (mã NSC, sàn HOSE). Số cổ phần NSC dự kiến chào mua đợt này là 1,857 triệu cổ phần. Theo đó, số lượng cổ phần NSC mà PAN dự kiến sở hữu sau đợt chào mua sẽ lên tới 11,471 triệu cổ phần và tỷ lệ sở hữu sẽ tăng lên tới 75% tổng số lượng cổ phần đang lưu hành của NSC.

Thực tế, việc PAN tiếp tục tỏ ra “chăm sóc đặc biệt” đối với NSC cũng không có gì đáng ngạc nhiên, bởi đây là doanh nghiệp nằm trong mục tiêu hàng đầu của công ty này trong chiến lược tiến sâu vào lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm.

PAN vẫn trung thành với kế hoạch đầu tư sâu vào các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả trong nông nghiệp. Ảnh: Đức Thanh
PAN vẫn trung thành với kế hoạch đầu tư sâu vào các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả trong nông nghiệp

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư mới đây, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT PAN cho biết, định hướng đầu tư của Công ty là vẫn trung thành với kế hoạch đã được hoạch định từ trước. Đó là đầu tư sâu vào các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả trong mảnh nông nghiệp, thực phẩm. Do đó, mong muốn của PAN không chỉ dừng ở tỷ lệ 75% cổ phần tại NSC, mà sẵn sàng mua hết 100% vốn công ty này nếu có thể.

Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo PAN cũng tỏ ra không quá ôm đồm, khi cho biết, sẽ không có ý định mua thêm doanh nghiệp nào nữa, mà chỉ tập trung vun vén cho những doanh nghiệp hiện tại mà PAN đang sở hữu.

Được biết, những doanh nghiệp mà PAN đang đầu tư đều thuộc hàng đại gia “có máu mặt” trong lĩnh vực nông nghiệp như Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương (mã NSC), Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam (mã SSC), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (mã ABT), Công ty cổ phần Chế biến hàng Xuất khẩu Long An (mã LAF)…

Theo kế hoạch tái cấu trúc các công ty mục tiêu được PAN đề ra, dự kiến muộn nhất trong năm 2016, việc điều chỉnh và tái cấu trúc các công ty sau mua bán và sáp nhập (M&A) sẽ hoàn tất. Trong một giấc mộng xa hơn, PAN không chỉ dừng lại với mong muốn trở thành đại gia hàng đầu ngành nông nghiệp, mà sẽ tăng tốc phát triển thêm hệ thống phân phối.

PAN hiện có vốn điều lệ 830 tỷ đồng. Đây là một công ty đầu tư có sự hậu thuẫn khá bài bản của đại gia thuộc hàng cộm cán của ngành tài chính – chứng khoán là Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), với tỷ lệ sở hữu của SSI là 11,38% và 5,04% được nắm giữ bởi Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI.

Ngoài SSI, đằng sau PAN còn có khá nhiều tổ chức tài chính có đầy đủ sức mạnh cả về chuyên môn và tài chính. Đầu năm 2015, công ty này đã hoàn thành đợt huy động vốn với sự tham gia mua cổ phần Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), The Government of Singapore Investment Corporation (GIC), The Asian Entrepreneur Legacy (TAEL) Partners và Mutual Fund Elite (PYN).

Bước vào giai đoạn kinh tế đang đà phục hồi trở lại hiện nay, giới quan sát cho rằng, đây chính là thời điểm khá thuận lợi cho PAN trong việc hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng chuỗi cung ứng nông nghiệp. Trong đó, tình hình kinh doanh quý III của PAN đang có xu hướng lạc quan cũng là những tín hiệu khá tốt cho đại gia này.

PAN muốn sở hữu 75% cổ phần tại NSC
Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (mã PAN, sàn HOSE) vừa chào mua công khai 12,14% cổ phần đang lưu hành của Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương (mã...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư