Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
PEGA vất vả dẹp đường cho giấc mơ xe điện made in Việt Nam
Thanh Hương - 01/08/2017 06:33
 
Ra tay với xe đạp điện nhái, bắt tay với Bosch làm scooter, Công ty cổ phần Xe điện PEGA kiên quyết dẹp đường cho xe điện made in Việt Nam. Nhưng, một mình PEGA hẳn sẽ rất khó.

Nhọc nhằn… made in Việt Nam

Công ty cổ phần Xe điện PEGA vừa gửi đơn lên Bộ trưởng Bộ Công thương vì xe điện thương hiệu PEGA của Công ty bị làm nhái.

Ông Lê Hoàng Long, Giám đốc điều hành (CEO) của PEGA đang rất đau đầu về việc này. Dù đã lên kế hoạch chủ động, tiến hành đăng ký bản quyền thiết kế cả ở Trung Quốc và Việt Nam cho 2 mẫu xe đạp điện do Công ty thiết kế là Zinger Color và Cap A và 2 dòng xe máy điện Crazy Bull và Trans, nhưng các ông chủ sáng lập của PEGA vẫn không kiểm soát được hàng nhái.

Các chuyên gia Bosch trong chuyến tham quan Nhà máy của Công ty cổ phần Xe điện PEGA
Các chuyên gia Bosch trong chuyến tham quan Nhà máy của Công ty cổ phần Xe điện PEGA

Lê Hoàng Long cho biết, ngay khi làm thủ tục cấp bằng sáng chế cho dòng Cap A-2 (Cap A thế hệ thứ 2), PEGA đã thông tin rộng rãi về việc này.

“Thủ tục này kéo dài gần 15 tháng và chúng tôi mới được Cục Sở hữu Trí tuệ ký duyệt vào ngày 21/6/2017, nhưng về mặt pháp lý, hiệu lực đã được tính ngay từ thời điểm nộp hồ sơ. Song chính trong thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã nhập xe nhái, giả mạo mẫu Cap A để bán tại thị trường Việt Nam”, CEO Lê Hoàng Long chán nản.

Thậm chí, các loại xe nhái còn sử dụng cả nhãn mác và thiết kế gần như y hệt so với sản phẩm chính hãng với giá bán từ 9-11 triệu đồng, trong khi giá xe PEGA là 13,99 triệu đồng.

“Khi chúng tôi tiếp cận, họ đề nghị cho họ bán hết lô hàng đã nhập. Chúng tôi không thể chấp nhận được, rất cần sự quyết liệt của cơ quan quản lý thị trường”, ông Long nói.

Vấn đề là, hàng nhái với chất lượng kém, nếu không được kiểm soát từ các cơ quan quản lý nhà nước, nếu được thỏa hiệp, sẽ xóa sổ mọi nỗ lực tạo nên những mẫu xe đạp điện “made in Việt Nam” từ thiết kế đến sản xuất, phân phối của các nhà sáng lập PEGA và cả những doanh nghiệp vệ tinh đang cung cấp linh kiện cho PEGA.

Nhìn rộng hơn, sẽ không có những sản phẩm made in Việt Nam khiến thế giới ngưỡng mộ do những doanh nghiệp Việt Nam tạo ra.

Lê Hoàng Long và 3 sáng lập viên của PEGA từng có khát vọng làm được những sản phẩm như thế. Năm 2010, thời điểm bùng nổ của nhiều nhãn điện thoại lạ, họ đã thử nghiệm với sản phẩm điện thoại. Long kể, lúc đầu nhập điện thoại về bán, nhưng nhận ra, muốn đưa được những công nghệ hay vào sản phẩm thì phải chủ động được sản xuất. Long và các cộng sự tìm đến các doanh nghiệp làm công nghệ cao ở Việt Nam để đặt hàng, nhưng không tìm được đối tác.

“Nếu không nắm được sản phẩm trong tay, không quản lý được chất lượng linh kiện, chúng tôi sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề”, Long thừa nhận.

Buông tay với giấc mơ điện thoại công nghệ Việt, nhưng Long và cộng sự vẫn đau đáu với lợi thế “người Việt hiểu người Việt”, lĩnh vực mới được các chàng trai thử sức chính là xe hai bánh, thời điểm bắt đầu là năm 2013.

Lý do, số quốc gia có ngành công nghiệp xe hai bánh còn ít, đó là Việt Nam, Indonesia hay Ấn Độ, nhưng đang ở đoạn tháo trào. Trong khi đó, xe điện công nghệ có thể sẽ thay đổi tư duy người tiêu dùng và các nhà quản lý với tính chất thân thiện với môi trường.

“Chúng tôi muốn tận dụng lợi thế hiện có của Việt Nam khi đang có ngành công nghiệp sản xuất xe hai bánh để hiện thực giấc mơ xe đạp điện của mình, chi phí nhờ vậy thấp hơn rất nhiều”, Long cho biết.

Thay vì kế hoạch mua linh kiện có sẵn từ thị trường Trung Quốc rồi cải tiến, bổ sung công nghệ, mẫu mã, CEO của PEGA quyết định tìm đến các vệ tinh sản xuất, linh phụ kiện cho Honda, Yamaha ở Việt Nam để bàn việc.

“Chúng tôi đã đi gặp nhiều nhà sản xuất để trình bày kế hoạch, nhưng họ không làm, chắc vì chưa tin tưởng. Ngay bản thân chúng tôi nhiều khi cũng thấy mình mơ hồ, bởi việc chế tạo ra được 1 chiếc xe hoàn chỉnh thực sự không phải muốn là được”, CEO Lê Hoàng Long kể.

Thông thường, mỗi mẫu xe từ lúc lên ý tưởng đến lúc ra bản thảo, đắp mẫu, làm khuôn đến chế tạo ra các chi tiết và lắp ráp sẽ mất từ 24 - 36 tháng. Đi kèm với đó là khoản tiền đầu tư không nhỏ và đương nhiên là những nghi hoặc về khả năng thành công.

Nhưng, khát khao doanh nghiệp Việt phải làm được sản phẩm mà người Việt ưa thích, tin dùng đã thắng mọi rào cản.

Long và cộng sự đã có thêm đội ngũ 20 kỹ sư thiết kế đến từ các lĩnh vực cơ khí, điện tử, kiểu dáng công nghiệp cũng là những người trẻ tuổi, khát khao làm được điều gì đó để mang lại giá trị cho cuộc sống chứ không chỉ đơn thuần là kiếm tiền. Hiện giờ, PEGA đã có được các công đoạn lên ý tưởng - thiết kế - lên mô hình xe bằng đất - làm khuôn - sản xuất các linh phụ kiện để tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh.

PEGA cũng đã có 500 điểm bán hàng, 230 cửa hàng trưng bày trên toàn quốc. Với vốn khởi điểm từ 500 triệu đồng, sau 4 năm, đã phát triển tới 200 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2017, 50% sản phẩm xe điện của PEGA sẽ được nội địa hóa và sẽ tăng lên 70-80% vào năm 2018. Doanh nghiệp này hiện đang xây dựng nhà máy lắp ráp rộng 15.000m², công suất 40.000 xe/tháng tại Khu công nghiệp Yên Dũng (Bắc Giang).

Đặc biệt, PEGA đã hút được các dòng vốn từ các nhà đầu tư thiên thần và được định giá khá tốt trên thị trường. Đang có những tên tuổi lớn muốn tham gia vào cuộc chơi made in Việt Nam mà những người trẻ của PEGA đã khởi đầu.

Tuy vậy, mối lo về hàng nhái, hàng giả và các chế tài bảo vệ sở hữu trí tuệ chưa đủ chắp cánh cho những ý tưởng sáng tạo vẫn đang treo lơ lửng.

Viết tiếp giấc mơ công nghệ

Quyết định chọn động cơ Bosch cho sản phẩm trong dòng xe máy điện được cho là một bước đi chiến lược của PEGA trong những năm tới.

Vấn đề ở đây không chỉ là dùng động cơ Bosch, mà việc bắt tay được với ông lớn về công nghệ xe điện của thế giới - mà nhà sản xuất ô tô điện nổi như cồn Tesla cũng tin dùng - thực sự sẽ ghi điểm cho thương hiệu Việt đang bắt đầu vào tuổi lớn. Nhưng, những nhà sáng lập của PEGA còn làm được nhiều hơn.

Lê Hoàng Long kể, khi làm việc với Bosch, họ không tin doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển xe điện, vì nhiều thương hiệu quốc tế có mặt tại Việt Nam từ lâu cũng chưa làm được điều này. Chưa kể, kế hoạch kinh doanh mà CEO Long đưa ra với ông lớn này là đề nghị riêng về sản phẩm, gồm thiết kế riêng cùng yêu cầu động cơ chống nước, tiết kiệm điện, đi được xa...

“Việc bàn bạc mất rất nhiều thời gian. Chúng tôi mời bằng được họ tới tận nơi xem nhà xưởng. Cuối cùng, họ chấp nhận. Hợp đồng độc quyền xe đáp điện PEGA mang động cơ Bosch đã được ký”, CEO Lê Hoàng Long tâm sự.

Bosch đề nghị là 2 bên cùng phát triển sản phẩm này, để cạnh tranh với xe máy của các tên tuổi lớn trên thế giới đang có tại Việt Nam như Honda, Yamaha”, CEO Long hào hứng chia sẻ.

Hiện giờ, PEGA đang cùng Bosch phát triển mẫu xe scooter để có thể ra mắt trong cuối năm 2017.

Tất nhiên, những điều kiện trên có thể sẽ đẩy giá thành củasản phẩm lên, nhưng thay vào đó, chất lượng của dòng xe này sẽ được đảm bảo, nhất là hệ thống phan điện kết hợp phanh đĩa hay chất lượng động cơ… Lợi thế công nghệ cũng được các kỹ sư của PEGA triệt để ứng dụng vào chiếc xe này với thiết kế phần mềm sử dụng sim điện thoại để gửi tới các cảnh báo như người ngoài chạm vào xe, nhiệt độ trong khu vực cao có nguy cơ gây cháy, hỏng động cơ hay lùi xe ngon lành mà không cần dắt… Thậm chí, khi xe gặp tai nạn sẽ tự động có cảnh báo được gửi tới tới số điện thoại của người thân được chỉ định.

“Giá của xe máy điện sẽ rất cạnh tranh so với các xe máy tay ga hiện nay, nhưng quan trọng là phương tiện này tiện ích hơn, thân thiện với môi trường hơn, phù hợp với người tiêu dùng trẻ tuổi của thời công nghệ 4.0 – những người sẵn sàng thay đổi hành vi tiêu dùng để bảo vệ môi trường sống”, CEO Lê Hoàng Long nói. 

Văn phòng chính của Công ty Xe điện PEGA tại Viet Tower - toà nhà được xây trên đất của Công ty xe đạp Thống Nhất - thương hiệu từng nằm lòng của nhiều thế hệ người Việt, ngay phía trên Văn phòng đại diện tại Hà Nội của Công ty Honda Việt Nam. Quá khứ - hiện tại và tương lai trong ngành xe hai bánh của Việt Nam và thế giới luôn ở ngay trước mắt những người Việt trẻ đang muốn làm hơn nữa để giấc mơ xe điện Việt không chỉ cho người Việt…

Chưa biết PEGA muốn… đạp đến đâu, nhưng tỷ lệ nội địa hóa đạt tới 80% và thị phần đạt được 10% sau khoảng 4 năm là những quả ngọt đầu tiên của những người dám mơ và sẵn sàng thực hiện giấc mơ made in Việt Nam…

Xe điện PEGA quyết nội địa hóa 70% vào năm 2018
PEGA tiền thân là HKbike, một trong những ông lớn trong sản xuất xe đạp điện và xe điện của Việt Nam. Nhà máy chính của PEGA được đặt tại khu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư