Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Petrolimex ước tính được hoàn nhập 90% khoản trích lập do tồn kho
An An - 26/06/2020 17:37
 
Lợi nhuận quý II theo ước tính đạt 350 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2020 của Petrolimex chỉ bằng 28% kết quả năm trước nhưng vẫn là nhiệm vụ đầy thách thức nếu nhìn vào kết quả nửa đầu năm

Lợi nhuận quý II ước đạt 350 tỷ đồng

Kinh doanh ra sao dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19 là một trong các nội dung được quan tâm hàng đầu trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tổ chức dưới hình thức trực tuyến sáng 26/6.

Báo cáo tại Đại hội, ông Phạm Đức Thắng, Tổng giám đốc kiêm thành viên HĐQT Petrolimex chỉ ra ba yếu tố tác động đến hoạt động kinh doanh năm 2020, bao gồm sự lan rộng của dịch Covid – 19 kéo nhu cầu tiêu thụ sụt giảm mạnh, nguồn cung dầu mỏ dư thừa và yếu tố chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc từ năm trước đã và đang khiến thương mại toàn cầu bị suy giảm. Kết quả kinh doanh của tập đoàn này thực tế cũng đã “ngấm đòn” ngay quý đầu tiên thua lỗ hơn 1.800 tỷ đồng vừa do phải trích lập dự phòng hàng tồn kho vừa giảm sản lượng tiêu thụ.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về con số lợi nhuận ước tính quý II, Phó tổng giám đốc Trần Ngọc Năm dự báo tập đoàn có thể lãi 350 tỷ đồng. Cũng theo vị phó tổng, tính toán này mới dựa trên nhưng ước tính, con số cuối cùng sẽ phải chờ trên báo cáo tài chính. Lợi nhuận dương trở lại là nhờ giá xăng dầu có tín hiệu đảo chiều dù tốc độ tăng vẫn chưa hồi phục lại như trước dịch và lợi thế kho của Petrolimex   cùng việc thực hiện đúng quy định dự trữ xăng dầu.

Ông Năm cũng cho biết tốc độ giảm giá của xăng dầu nhanh hơn nhiều mức tăng của quý II. Do 2 pha lệch nhau, việc trích lập dự phòng vốn được thực hiện dựa trên chênh lệch giữa giá nhập và giá dự kiến bán ra nên giá trị hoàn nhập dự phòng quý II không phủ hết được toàn bộ giá trị đã trích lập. Dựa trên số liệu phân tích, ở khoảng 90% phần trích lập sẽ được hoàn lại.

Trong nửa đầu năm, Tập đoàn vẫn lỗ vì hoạt động kinh doanh xăng dầu. Trong các đơn vị thành viên, công ty Nhiên liệu bay Petrolimex chịu ảnh hưởng nhiều nhất, dự kiến không có lợi nhuận trong 6 tháng, lỗ tập trung trong quý II này. Trước đây, công ty từng lên kế hoạch ban đầu trên 800 tỷ đồng nhưng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi các chuyến bay dừng hoạt động hay mới mở lại chặng nội địa do tồn kho và không bán được xăng dầu trong khi vẫn phải trích lập dự phòng nửa đầu năm. Trong khi đó, nhờ lợi nhuận đột biến từ bán tầu (57 tỷ đồng), lợi nhuận của PGT ước đạt 111,5 tỷ đồng bằng 64% kế hoạch và tăng 28% so với cùng kỳ năm 2019. PLC lợi nhuận ước đạt 77 tỷ đồng, cũng đã đạt 56% kế hoạch.

Đang tìm kiếm phương án khai thác giá trị gia tăng của các cửa hàng

Kế hoạch kinh doanh năm 2020
Kế hoạch kinh doanh năm 2020


Mục tiêu kinh doanh được cổ đông thông qua là 122.000 tỷ đồng doanh thu, giảm 1/3 so với năm trước và 1.570 tỷ đồng lợi nhuận, giảm 72% cùng kỳ. Lãnh đạo Petrolimex cũng khẳng định đây là mục tiêu tối thiểu của tập đoàn,dù vậy vẫn sẽ chịu ảnh hưởng từ thực tế giá dầu.

“Chúng tôi xây dựng kịch bản dịch tại Việt Nam kết thúc vào tháng 6/2020 và tác động giá dầu được đánh giá bởi 40 nhà đầu tư (mua thông tin qua Reuters). Tuy nhiên, thực tế, diễn biến giá dầu 6 tháng còn lại vẫn chưa thể chắc chắn được. Lĩnh vực kinh doanh xăng dầu cũng là 1 trong 15 lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch”, tổng giám đốc Phạm Đức Thắng cũng nêu.

Ông Thắng cũng nhấn mạnh sẽ sử dụng hệ sinh thái Petrolimex để hoàn thành mục tiêu đặt ra. Ông Hồ Sỹ Hùng, đại diện Ủy ban quản lý vốn Nhà nước – đơn vị đang nắm giữ phần vốn Nhà nước tại Petrolimex, cũng yêu cầu tập đoàn tận dụng các khâu, dây chuyền để liên kết với nhau trên cơ sở nền tảng đang có, khai thác tốt logistics với chi phí cạnh tranh nhất.

Chia sẻ về việc khai thác giá trị gia tăng tại các cửa hàng xăng dầu Petrolimex, lãnh đạo Petrolimex cũng nhấn mạnh về lợi thế mạng lưới cửa hàng mà ít hệ thống nào có được. Công ty hiện đang kết hợp với cổ đông chiến lược JXTG để phân tích , đánh giá, xây dựng phương án thích hợp nhất.

JXTG đang xem xét tham gia đợt giao dịch cổ phiếu quỹ

Một trong các nội dung được các cổ đông đặt ra còn là phương án thoái vốn tại các công ty con và chính Tập đoàn.

Theo ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT, lộ trình thoái vốn nhà nước xuống 51% đang được Chính phủ xem xét quyết định, sau khi có phương án từ Chính phủ và Uỷ ban quản lý vốn nhà nước thì tập đoàn mới xây lộ trình. Petrolimex hiện chuẩn bị bán 15 triệu cổ phiếu quỹ nhằm bổ sung nguồn vốn kinh doanh và tăng tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng.

“Nhiều nhà đầu tư đang quan tâm và đặt vấn đề về việc tham gia mua số cổ phiếu quỹ này của PLX, trong đó có đối tác chiến lược JXTG. Tập đoàn đã thư cho JXTG về việc có tiếp tục đầu tư. Cổ đông chiến lược đang xem xét để có thể nâng tối đa tỷ lệ sở hữu tại PLX theo quy định của pháp luật và cam kết của nhà đầu tư chiến lược”, lãnh đạo công ty cũng nêu chi tiết thêm.

Việc thoái vốn tại PIJICO, tập đoàn đã nhận được ý kiến của Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước yêu cầu xây dựng phương án đối với công ty thành viên này, dựa trên mục tiêu Petrolimex góp phần vào tính ổn định của tập đoàn và sẽ gửi báo cáo tới Ủy ban thời gian tới.

Với thương vụ sáp nhập giữa HDBank và PGBank kéo dài suốt 2 năm qua, Petrolimex với vai trò là cổ đông PGBank sẽ phải sớm thực hiện để thoái vốn đầu tư ngoài lĩnh vực xăng dầu như đã đề ra.  Cũng theo lãnh đạo công ty, sở dĩ việc sáp nhập đến này vẫn gặp nhiều khó khăn do sự quyết định của NHNN.

Petrolimex lỗ ròng hơn 1.800 tỷ đồng, dòng tiền kinh doanh thâm hụt lớn
Chỉ riêng trong ba tháng đầu năm, dòng tiền hoạt động kinh doanh chi ra vượt số thu vào 1.970 tỷ đồng. Các khoản phải trả cần tất toán, trong khi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư