Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Phan Thanh Sang, chủ thương hiệu YSA Orchid: Hành trình từ "sa mạc" tới Trường Sa
Đào Phương - 14/02/2019 09:36
 
Hoa đào, hoa mai, hoa lan… mang hương sắc của mùa xuân, tượng trưng cho may mắn, hạnh phúc, sự yên ấm và thường xuất hiện trong các gia đình người Việt mỗi độ Tết đến, xuân về. Nhưng ở ngoài đảo, nhất là tại Trường Sa, để có được cành hoa đẹp trưng trong dịp Tết không phải đơn giản. Phan Thanh Sang, chủ thương hiệu YSA Orchid, đang viết câu chuyện về hành trình của những nhành lan và hạt mầm rau xanh từ vùng đất “sa mạc” khô cằn, đến với vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Phan Thanh Sang tặng hoa cho các chiến sĩ tại Trường Sa.
Phan Thanh Sang tặng hoa cho các chiến sĩ tại Trường Sa.

Hướng về biển đảo

Trong cái lạnh cuối đông, Đà Lạt dường như càng mơ mộng hơn. Sau gần chục cuộc gọi, tôi cũng gặp được Sang “còi” - “nick name” của Phan Thanh Sang.

Bên ly cà phê ấm với hương thơm quyến rũ, Sang “còi” hào hứng kể, anh vừa tham gia chuyến tiễn đoàn đi Trường Sa tại Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 4. Năm nay, Sang gửi hơn 800 chậu hoa lan để tặng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Đây là lần thứ 6, hoa lan từ YSA Orchid đến với Trường Sa.

“Tôi vinh dự được ra Trường Sa vài lần, bên cạnh đó, còn nhiều lần được tiễn đoàn ra thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đây. Những chậu hoa lan và các loại giống rau là món quà, là tình cảm chân thành tôi muốn gửi đến mảnh đất quê hương nơi đầu sóng”, Sang tâm sự.

Là chủ thương hiệu hoa lan YSA Orchid nổi tiếng Đà Lạt, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, Phó chủ tịch Hội Thanh niên tỉnh Lâm Đồng, Phan Thanh Sang cũng là một trong những thanh niên trẻ trong Top 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2015 do Trung ương Đoàn thanh niên bình chọn. 

Năm 2017, khi Trung ương Đoàn phát động Chương trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương và chọn 10 thanh niên tiêu biểu trong cả nước đi thăm Trường Sa, Sang mạnh dạn lập Đề án Trồng rau an toàn tiết kiệm nước để mang rau ra Trường Sa.

“Tìm hiểu các vườn rau trên đảo qua Internet, tôi thấy, điều kiện khí hậu trên đảo rất khắc nghiệt, kỹ thuật trồng rau nhiều hạn chế. Đặc biệt, trong môi trường nước ngọt khan hiếm, lượng rau trồng được không đủ đáp ứng nhu cầu bữa ăn của các chiến sỹ. Tôi trăn trở và muốn tìm ra giải pháp giúp quân, dân trên đảo có phương pháp trồng rau mới, phù hợp hơn”, Sang nói.

Vận dụng kinh nghiệm trồng hoa lan, Sang sử dụng rêu rừng có khả năng giữ nước tốt, ngâm rêu trong nước rồi trộn cùng đất, giúp tăng độ ẩm. Ngoài ra, anh còn sử dụng mảng phủ đen và lưới xám che mát, cung cấp lượng ánh sáng vừa đủ để giúp rau tránh nắng, hạn chế thoát hơi nước. Việc áp dụng mô hình này giúp tiết kiệm tới 50 - 70% lượng nước ngọt tưới rau. Với dự án này, Sang được chọn là một trong những thanh niên tiêu biểu đồng hành với Chương trình.

Tháng 4/2017, lần đầu tiên, Sang ra thăm Trường Sa. Trong chuyến đi này, anh mang theo những giỏ phong lan cùng nhiều hạt giống rau phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở các đảo, rồi tận tình hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ và người dân cách chăm sóc hoa, quy trình canh tác rau.

Hành trình từ “sa mạc” đến Trường Sa

Sau chuyến đi đó, Sang vẫn tiếp tục đồng hành với Chương trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương, nhiều lần tham gia tiễn đoàn, gửi hoa ra Trường Sa. 800 chậu hoa Sang gửi ra đảo dịp Tết Kỷ Hợi này đã được trồng 9 tháng tại Ninh Thuận, sau đó mang về Đà Lạt chăm sóc tiếp để hoa dễ thích nghi với khí hậu vùng biển đảo.

Ninh Thuận được ví như “sa mạc của Đông Nam Á”, quanh năm chỉ có nắng và gió, nhiều vùng đất khô cằn, thiếu nước. Với điều kiện đó, làm nông nghiệp hẳn sẽ rất khó khăn.

Sau khi phát triển ổn định và chiếm lĩnh thị trường trong nước, YSA Orchid sẽ đẩy mạnh xuất khẩu, trước tiên là tại khu vực Đông Nam Á.

Vậy mà, Sang đã làm được. Anh còn trồng và chăm sóc được nhiều giống lan, những giống hoa được coi là khó tính tại đây.

“Sau khi nghiên cứu điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, tôi lựa chọn giống lan và công nghệ phù hợp để sản xuất. Dựa vào đặc điểm sinh học của lan hồ điệp là phải được trồng ở nơi có khí hậu ấm, ban ngày khoảng 28 - 35 độ C, ban đêm khoảng 23 - 27 độ C, YSA Orchid đã đưa giống hoa này trồng ở Ninh Thuận, bởi nơi đây có số giờ chiếu nắng cao trong năm, còn các yếu tố khác, tôi sẽ khắc phục bằng công nghệ”, Sang cho hay.

Trang trại YSA Orchid tại Ninh Thuận rộng gần 5 ha, vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng/ha, sử dụng hệ thống nhà kính, nhà lưới, bồn chứa nước lớn phun sương… Hệ thống nhà kính được đầu tư theo đúng quy chuẩn,  đảm bảo môi trường thông thoáng và có hệ thống làm mát tự động cảm biến về độ ẩm để tự động bật/tắt quạt gió và nước tưới.

Mô hình của YSA Orchid nhận được sự đánh giá cao của người dân và lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, bởi đã mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp công nghệ cao, khắc phục được nhược điểm, tận dụng ưu điểm về khí hậu của vùng đất này, đồng thời tạo việc làm cho bà con nông dân. Sau 3 năm hoạt động, trang trại YSA Orchid tại Ninh Thuận đã tạo công việc ổn định cho hơn 30 lao động với mức lương từ 4,5 - 6 triệu đồng/tháng.

“Khi xây dựng trang trại, doanh nghiệp mua lại đất với giá cao để bà con có thể mua đất nơi khác, đồng thời, tạo việc làm cho chính những người nông dân đã bán đất và cho con, cháu của họ ngay tại trang trại. Mặt khác, chúng tôi cố gắng tạo môi trường làm việc tốt, quan tâm đến đời sống để nông dân yên tâm gắn bó với doanh nghiệp”, Sang chia sẻ.

Cùng với trang trại ở Ninh Thuận, ông chủ YSA Orchid cũng đẩy mạnh hoàn thiện quy trình sản xuất, trồng lan hồ điệp ở hai trang trại khác tại TP. Đà Lạt và xã Đại Ròn (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng). Bên cạnh đó, Sang còn tiếp tục tự nghiên cứu các giống lan mới cho giá trị cao hơn, phù hợp với khí hậu Đà Lạt và các vùng khác. Hiện sản phẩm hoa lan của YSA Orchid được phân phối thông qua các đại lý trên cả nước, tập trung sản lượng chủ yếu vào những dịp lễ, Tết, đồng thời xuất khẩu sang Campuchia. Ngoài ra, hàng ngày, YSA Orchid còn dành một lượng nhất định để phục vụ các cơ sở kinh doanh dịch vụ khách sạn, phục vụ hội nghị, đám cưới, lễ tổng kết, sinh nhật...

“Năm 2018, tốc độ tăng trưởng của YSA Orchid cao hơn 30% so với năm ngoái, sản lượng ước tính khoảng 500.000 chậu lan, doanh thu dự kiến đạt 60 tỷ đồng”, Sang nói.

Tuy nhiên, anh cho rằng, những con số trên vẫn còn nhỏ. Bởi hiện nay, nhu cầu tiêu thụ hoa của thị trường trong nước rất lớn, ước tính trong một tháng Tết, riêng thị trường miền Bắc đã nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 3 triệu cây lan, tương đương 500 - 600 tỷ đồng. “Khoảng trống” này là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hoa Việt Nam đẩy mạnh phát triển.

Đây chính là lý do Sang muốn tập trung đầu tư để chiếm lĩnh thị trường trong nước trước. Vì vậy, trong thời gian qua, trang trại YSA Orchid mới chỉ xuất khẩu hoa sang Campuchia.

Sang cho biết, anh dự định sẽ mở các showroom YSA Orchid. Khác biệt so với các mô hình thông thường, showroom YSA Orchid sẽ được xây dựng bằng nhà kính, để khách hàng có thể tìm hiểu quy trình chăm sóc hoa, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các loài lan và chọn cho mình những giỏ hoa ưng ý nhất.

“Ngoài việc mở cửa hàng, năm 2019, chúng sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, xây dựng phòng thí nghiệm bài bản chuyên lai tạo, nghiên cứu và bảo tồn các giống hoa lan quý. Sau khi phát triển ổn định và chiếm lĩnh thị trường trong nước, YSA Orchid sẽ đẩy mạnh xuất khẩu, trước tiên là tại khu vực Đông Nam Á”, Sang chia sẻ về những dự định sắp tới.

Trước khi chia tay, Sang vẫn không quên nhắc lại với tôi: “Chắc chắn, Sang sẽ tiếp tục hành trình mang hoa và hạt giống đến với Trường Sa và nhiều vùng biển đảo thân yêu của Tổ quốc”…

Tôi là người Đà Lạt

Tại sao anh lại có nick name là “Sang còi”?

Lúc nhỏ tôi hơi nhỏ so với các bạn, nên gia đình và bạn bè hay gọi là “Sang còi”. Cái tên này theo tôi từ đó (cười).

Một cách ngắn gọn nhất, anh tự giới thiệu về bản thân thế nào?

Tôi là người Đà Lạt, nên tính cách cũng giống đa số người dân nơi đây: tâm hồn phóng khoáng, mộng mơ, yêu cái đẹp và gần gũi với thiên nhiên.

Tôi thích các hoạt động vì cộng đồng, hoạt động đoàn, hội. Tôi nghĩ, mình làm bất cứ việc gì cũng phải gắn với cộng đồng xã hội. Khi đó, mình có thể học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước và chia sẻ cho những người đi sau.

Ngoài hoa lan, anh có dự định phát triển các loại hoa hay giống cây trồng khác bằng công nghệ cao không?

Tôi đam mê vẻ đẹp của hoa lan và công việc lai tạo các giống lan. Đến nay, tôi đã lai tạo được hơn 300 giống lan. Tôi nghĩ, càng phát triển càng phải chuyên môn hóa, nên sẽ tiếp tục tập trung vào hoa lan. Bên cạnh đó, tôi cũng sẽ tích cực vận động mọi người để cùng phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, tạo môi trường sống trong sạch, bền vững...

Hà Nội tổ chức Diễn đàn kinh doanh nông sản, rau an toàn năm 2018
Diễn đàn kinh doanh nông sản, rau an toàn trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2018 sẽ diễn ra vào sáng 12/9 tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Số 20 - Thụy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư