Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Phát triển bền vững hệ sinh thái khởi nghiệp ĐBSCL
Huy Tự - 29/03/2023 17:20
 
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang là chủ đề nóng trong giới trẻ vùng ĐBSCL, khi các start-up chấp nhận thử thách để lập thân, lập nghiệp, mong muốn đóng góp các giá trị nguồn lực cho xã hội.

ĐBSCL hiện có 59.452 doanh nghiệp đang hoạt động. Trung bình hàng năm có khoảng 400 đến 500 dự án khởi nghiệp, trong đó có từ 20% đến 30% số này là các dự án khởi nghiệp có yếu tố sáng tạo và có tiềm năng phát triển.

Bên cạnh đó, mạng lưới các nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm cũng đã được hình thành từ nguồn vốn của các cá nhân và doanh nghiệp. Với lợi thế là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước. Những nét truyền thống, văn hóa cùng với điều kiện tự nhiên thuận lợi đã tạo nên nhiều sản phẩm độc đáo mang nét đặc trưng riêng của vùng ĐBSCL.

Các Start-up tập trung phát triển mạnh công nghệ trong phát triển ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Lan tỏa mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong giới trẻ ĐBSCL

Ông Trần Việt Tuấn, Phó Bí thư Thành đoàn Cần Thơ cho biết: Khẩu hiệu hành động của nhiệm kỳ 2022 – 2027 là “Tuổi trẻ Cần Thơ đoàn kết, tiên phong, bản lĩnh, sáng tạo”. Trong đó, “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” là nhiệm vụ trọng tâm, được triển khai tới các cấp đoàn cơ sở với nội dung cụ thể như đa dạng hình thức kết nối ý tưởng khởi nghiệp với nhà đầu tư; tăng cường phối hợp hỗ trợ hiện thực hóa, thương mại hóa ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp.

Thành đoàn Cần Thơ cũng triển khai “Đề án thành lập Quỹ hỗ trợ thanh niên TP. Cần Thơ sáng tạo, khởi nghiệp và nghiên cứu khoa học”. Các cấp đoàn phấn đấu xây dựng thành công 15 dự án khởi nghiệp trọng điểm cho thanh niên và ít nhất 50% mô hình kinh tế, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hỗ trợ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Thành phố Cần Thơ đã hỗ trợ phát triển nhiều ý tưởng và mô hình khởi nghiệp sáng tạo, tiêu biểu như mô hình "Tranh gạo Tấn Bửu", "Sữa bí đỏ Vạn Tín Organics", “Dưa lưới và đất sạch Nata” và các dự án “Dịch vụ vẽ tranh trên tường”, “Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cảnh báo môi trường thông minh”, “Chuỗi dịch vụ cung cấp trạm năng lượng Hydrogen cho xe ô tô”... Ðồng thời, ra mắt cửa hàng trưng bày sản phẩm khởi nghiệp thanh niên Mekong Plus.

Trong khi đó, Bí thư Tỉnh đoàn Đồng Tháp Huỳnh Minh Thức cho biết: năm 2023, với chủ đề “Tuổi trẻ Đồng Tháp tiên phong chuyển đổi số”, là sự khẳng định trách nhiệm, quyết tâm của tuổi trẻ Đồng Tháp trong việc tham gia chuyển đổi số gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Qua hơn 2 tuần triển khai các hoạt động cao điểm trong Tháng Thanh niên năm 2023, các cấp bộ Đoàn đã tổ chức hơn 182 lượt ra quân với các hoạt động trọng tâm: hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; cài đặt và sử dụng các nền tảng số như e-Đồng Tháp, Y tế Đồng Tháp; ứng dụng định danh điện tử VneID; phối hợp với các công ty viễn thông, ngân hàng triển khai các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt... Các hoạt động đã thu hút sự tham gia của hơn 2.000 lượt đoàn viên, thanh niên, góp phần hỗ trợ nâng cao năng lực số cho gần 16.000 lượt người dân. Đó là tín hiệu tốt cho thấy sự đón nhận của thế hệ trẻ đất Sen hồng đang góp sức vươn mình tạo nên một làn sóng chuyển đổi số nhanh và bền vững.

Trước đó, nhằm tạo sân chơi bổ ích cho giới trẻ ĐBSCL trong khởi nghiệp sáng tạo, UBND thành phố Cần Thơ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 (Techfest Mekong 2022) với chủ đề “Khát vọng vùng đất Chín Rồng”. Techfest Mekong 2022 là sự kiện quy mô vùng, thuộc khuôn khổ Techfest Việt Nam - sự kiện thường niên lớn nhất dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội. 

Chia sẻ với các start-up tại sự kiện trên, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng trong thời kỳ mới. Để tạo lập những doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ cần bắt đầu nuôi dưỡng từ những mô hình nhỏ nhất. Do đó, việc đẩy mạnh hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo, văn hóa khởi nghiệp và tinh thần doanh nhân, phát triển thế hệ trẻ có khả năng thích ứng, tương tác và chủ động trong bối cảnh toàn cầu là điều hết sức cốt yếu.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục lan tỏa, góp phần tạo động lực khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân trong tầng lớp nhân dân thành phố, tạo lập văn hóa khởi nghiệp và khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa, đẩy mạnh liên kết khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở, kết nối các chủ thể, mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các tỉnh khu vực ĐBSCL, thúc đẩy ứng dụng giải pháp công nghệ, thực hiện thành công đề án chương trình chuyển đổi số quốc gia. 

Mặc dù phong trào khởi nghiệp của tuổi trẻ ĐBSCL thời gian qua đã gặt hái được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhưng qua ghi nhận, phong trào vẫn còn không ít những hạn chế và thách thức không nhỏ. Hiện vẫn còn nhiều thanh niên chưa mạnh dạn khởi nghiệp; việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ vào trong các mô hình sản xuất, kinh doanh để tạo ra những sự khác biệt về sản phẩm chưa nhiều; các mô hình khởi nghiệp, mô hình kinh tế tập thể trong thanh niên tuy có tăng về số lượng nhưng chất lượng có nơi còn hạn chế, quy mô nhỏ, tính liên kết trong sản xuất, kinh doanh chưa thật sự bền vững; nguồn vốn để hỗ trợ cho thanh thiếu niên lập nghiệp, khởi nghiệp, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Theo Bí thư Tỉnh đoàn Đồng Tháp Huỳnh Minh Thức, để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của giới trẻ trong thời gian tới cần có giải pháp căn cơ hơn, đó là tiếp tục nâng cao kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là thái độ tích cực trong đội ngũ cán bộ Đoàn - Hội các cấp phải tham gia vào cộng đồng khởi nghiệp. Hoàn thiện các mô hình sản xuất, kinh doanh, các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã trong thanh niên; động viên thanh niên sau khi hoàn thành chương trình hợp tác lao động về nước tham gia phát triển kinh tế, trên cơ sở nền tảng kiến thức, kỹ năng và nguồn vốn tích lũy được. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh; tham mưu, phối hợp tổ chức các hoạt động nhằm tìm kiếm ý tưởng dự án khởi nghiệp khả thi. Đồng thời kết nối các nguồn lực, các Chương trình mục tiêu Quốc gia, các nguồn quỹ trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ cho các bạn thanh niên khởi nghiệp; thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên dương, tôn vinh những gương thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu.

Cần giúp người trẻ hiểu hơn và đồng hành với những thách thức của khu vực

Tại Diễn dàn Mekong start-up 2022 - Đồng Tháp, với mục tiêu xây dựng Đồng Tháp thành “Trung tâm giải pháp giảm phát thải của khu vực từ năm 2023”. Theo đó, từ năm 2023, tỉnh phối hợp đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức cho cơ quan quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và khuyến khích hình thành các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo gắn với các nhiệm vụ, mục tiêu, xu hướng giải pháp liên quan tới “nông nghiệp phát thải thấp” theo Quyết định 942/QĐ-TTg ngày 05/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Diễn đàn Mekong start-up thu hút đông đảo các bạn trẻ vùng ĐBSCL tham gia

Cũng trong năm 2023, Đồng Tháp sẽ phối hợp vận động các nguồn lực trong nước, quốc tế để khởi động thí điểm ít nhất một mô hình giải pháp sáng tạo về “giảm phát thải/tạo phát thải thấp” trên một lĩnh vực nông nghiệp trọng điểm của tỉnh (trái cây, lúa gạo, thủy sản) và đánh giá thí điểm vào năm 2024 để có căn cứ nhân rộng các mô hình. Giai đoạn 2023 - 2025, xây dựng và vận hành thành công Liên minh sáng kiến giảm phát thải tỉnh Đồng Tháp.

Thạc sĩ Huỳnh Thúy Vi - Giảng viên trẻ Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ:  ĐBSCL đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức về môi trường như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún, triều cường, suy giảm nguồn nước... Bên cạnh những nguyên nhân từ tự nhiên, có một phần không nhỏ là những vấn đề nội tại, phát triển thiếu bền vững từ chính con người như xây dựng đập thủy điện thượng nguồn sông Mê Kông, khai thác nước ngầm quá mức, giữ gìn bảo vệ cảnh quan môi trường, cây xanh đất và nước tại ĐBSCL... Mặc dù đây là những vấn đề lớn, nhưng tôi thấy rằng người trẻ ĐBSCL rất cần được trang bị kiến thức, hiểu biết về những vấn đề, thách thức của khu vực.

Hơn bao giờ hết, người trẻ ĐBSCL đang cần có thêm sự đồng hành, chia sẻ cụ thể hơn nữa để có thêm động lực, phát huy tinh thần sáng tạo, tiên phong của mình... Những đề xuất, kiến nghị của thanh niên ĐBSCL cũng chính là những vấn đề thực tế của khu vực. Đó là chính sách về hỗ trợ vốn cho thanh niên lập thân, khởi nghiệp; về vai trò, trách nhiệm và cơ hội của thanh niên trong kỷ nguyên 4.0. Cùng với đó là những kiến nghị đề xuất cho giáo dục nông thôn, cho y tế, nông nghiệp địa phương và cả những vấn đề, thách thức lớn của cả khu vực.

Mới đây, tại buổi gặp mặt với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp dịp 92 năm ngày thành lập Đoàn, trên tinh thần cởi mở, dân chủ, trách nhiệm, nhiều ý kiến của các bạn trẻ Đồng Tháp chia sẻ tâm huyết về khát vọng và hành trình nỗ lực để hiện thực hóa khát vọng của mình, mong muốn được cống hiến cho cộng đồng; tham gia đề xuất, kiến nghị hiến kế nhiều vấn đề, xoay quanh các nội dung về việc thúc đẩy chuyển đổi số trên các lĩnh vực như du lịch, nông nghiệp, cải cách hành chính…; phát triển kỹ năng số, nâng cao năng lực tiếng anh, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển nông nghiệp hữu cơ, hệ sinh thái về sen, phát huy tài nguyên bản địa,... đề xuất thí điểm xây dựng mô hình Vườn ươm tài năng đất sen hồng, vườn ươm sản phẩm OCOOP...

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong khẳng định, thanh niên là lực lượng quan trọng trong sự phát triển của tỉnh, chăm lo cho thanh niên là chăm lo cho sự phát triển của tỉnh Đồng Tháp. Bí thư Lê Quốc Phong nhắn nhủ, mỗi đoàn viên, thanh niên phải nhận thức được đầy đủ về vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trong sự phát triển của tỉnh, để từ đó nỗ lực hơn, quyết tâm hơn trong phấn đấu, rèn luyện và tận dụng hết những cơ hội, cơ chế chính sách, những điều kiện thuận lợi, chủ động, tích cực đóng góp ý tưởng, thực hiện nhiều công trình, phần việc thiết thực hơn, sáng tạo hơn, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Đồng Tháp và của vùng, cùng tham gia giải quyết những vấn đề từ thực tiễn cuộc sống, yêu cầu công việc, khó khăn vướng mắc của người dân, không quan trọng lớn hay nhỏ nhưng điều cốt lỗi là phải mang lại giá trị.

Để hiện thực hóa được khát vọng của bản thân, thanh niên Đồng Tháp cần phải tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh; không ngừng học tập nâng cao tri thức và phát triển kỹ năng mềm cần có trong bối cảnh không gian toàn cầu; tăng cường sự đoàn kết, hợp tác, chia sẻ, cùng hỗ trợ nhau phát triển như “đàn sếu đất Sen hồng” - Bí thư Lê Quốc Phong nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Thanh niên là lực lượng khơi dậy tinh thần khởi nghiệp quốc gia
Thanh niên có sự nhiệt huyết, sáng tạo, sức bật lớn và nếu được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và được hỗ trợ kịp thời thì sẽ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư