Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Phát triển nguồn nhân lực số có chất lượng cao cho Việt Nam
Kỳ Thành - 25/10/2024 07:17
 
Chất lượng nhân lực số của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, do chưa có khung năng lực số chuẩn hóa giữa các cơ sở đào tạo, nhân lực thiếu một số kỹ năng cần thiết.
Hội thảo khoa học cấp Quốc gia
Hội thảo khoa học “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số cho Việt Nam” do Học viện Chính sách và Phát triển tổ chức ngày 24/10.

Ngày 24/10, Học viện Chính sách và Phát triển phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia với chủ đề “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số cho Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Giang Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, Việt Nam đang chứng kiến một làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ, với việc các doanh nghiệp và tổ chức chính phủ ngày càng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để cải thiện hiệu quả hoạt động và đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tuy nhiên, sự phát triển này cũng đặt ra yêu cầu ngày càng cao về kỹ năng và năng lực của đội ngũ nhân sự, đòi hỏi một chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số hiệu quả và bền vững, TS. Giang Thanh Tùng nhận định.

TS. Giang Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng Học viện Chính sách và Phát triển phát biểu tại hội thảo.
TS. Giang Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng Học viện Chính sách và Phát triển phát biểu tại hội thảo.
Hội thảo đã nhận được rất nhiều bài viết của các nhà khoa học, các chuyên gia là các nhà quản lý khắp cả nước theo một số chủ đề then chốt sau. Sau khi lấy ý kiến phản biện và thẩm định một cách nghiêm túc, Ban tổ chức Hội thảo đã lựa chọn được 35 bài viết tiêu biểu trong số 44 bài viết đã gửi về Ban tổ chức để đăng toàn văn trên Kỷ yếu Hội thảo.

Trong bối cảnh Việt Nam hướng đến mục tiêu kinh tế số sẽ chiếm khoảng 30% GDP và có thể đem lại 74 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030, Chính phủ đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp thực hiện thúc đẩy nền kinh tế số, trong đó con người là một trong những yếu tố trọng tâm.

Cụ thể, theo TS. Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 645/QĐ-TTg Phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 411/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đề ra mục tiêu tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2% vào năm 2025 và 3% vào năm 2030…

TS. Lê Hoàng Oanh cho biết, theo nghiên cứu của TopDev năm 2023, Việt Nam mới có khoảng 530.000 nhân lực trong lĩnh vực số, trong khi nhu cầu đến năm 2025 là 1 triệu người. Tỷ lệ nhân lực số trên tổng số lao động của Việt Nam hiện mới đạt 1,1%, thấp hơn các quốc gia như Hàn Quốc (2,5%), Mỹ (4%), Ấn Độ (1,78%).

Ngoài vấn đề thiếu hụt về số lượng, chất lượng nhân lực số của Việt Nam cũng chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động, do chất lượng đào tạo còn hạn chế, nhân lực thiếu kỹ năng ngoại ngữ, tư duy phản biện, tư duy logic để giải quyết công việc…

TS. Nguyễn Thế Hùng, Phó giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (bên trái) chủ trì hội thảo.
TS. Nguyễn Thế Hùng, Phó giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (bìa trái) chủ trì hội thảo.

Từ góc nhìn của tổ chức đào tạo, TS. Nguyễn Hữu Xuân Trường, đại diện nhóm nghiên cứu của Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, nhóm nghiên cứu đã khảo sát trên 150 doanh nghiệp tại các thành phố lớn và nhận thấy, các vị trí yêu cầu kỹ năng số mà các doanh nghiệp cần hiện nay chủ yếu là marketing, phân tích dữ liệu, quản lý hệ thống mạng.

Điểm tích cực là các doanh nghiệp đã rất quan tâm đến việc đào tạo nâng cao năng lực kỹ năng số cho nhân viên, thông qua các hình thức đào tạo bên ngoài với chuyên gia, khuyến khích nhân viên tham gia các khóa học trực tuyến, tổ chức đào tạo nội bộ…

Trong khi đó, hình thức hợp tác với các trường đại học, cao đẳng trong đào tạo kỹ năng số cho nhân sự còn chiếm tỷ lệ nhỏ. Nguyên nhân, theo ông Trường, là do còn thiếu khung năng lực số chuẩn hóa giữa các cơ sở đào tạo, thiếu kết nối giữa trường đại học và doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng…

Đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số cho Việt Nam, TS. Nguyễn Hữu Xuân Trường cho rằng, về cơ chế chính sách, Chính phủ cần xây dựng chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực số quốc gia, giám sát việc triển khai các chương trình phát triển nhân lực số, đồng thời mở rộng hợp tác với các nước phát triển trong lĩnh vực này.

Đối với các cơ sở giáo dục, ông Trường cho rằng, cần nâng cấp trang thiết bị giảng dạy, nghiên cứu, xây dựng các thư viện trực tuyến, học liệu số để người học dễ dàng tiếp cận. Đối với các doanh nghiệp, cần phát triển chiến lược đào tạo kỹ năng số gắn liền với tầm nhìn của doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các chương trình đào tạo, cho phép nhân viên học tập linh hoạt.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng đồng tình với nhóm nghiên cứu của Học viện Chính sách và Phát triển, đó là cần xây dựng khung năng lực số chuẩn hóa giữa các cơ sở đào tạo.

TS. Đàm Thanh Tú, Phó trưởng khoa kinh tế số, Học viện Chính sách và Phát triển
TS. Đàm Thanh Tú, Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Kinh tế số, Học viện Chính sách và Phát triển phát biểu giải đáp thắc mắc, làm rõ thêm một số vấn đề thuộc nội dung đề tài của nhóm nghiên cứu Học viện Chính sách và Phát triển.

Dẫn chứng thực tiễn triển khai các chương trình phát triển nhân tài số cho Việt Nam thông qua hợp tác giữa Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC)  với các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế thời gian qua, bà Tân Anh, Phụ trách Ban Phát triển nguồn nhân lực của NIC cho biết, NIC là đơn vị tiên phong trong ođỏi mới sáng tạo, đã và đang đóng góp tích cực vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

“Để tạo nên hệ sinh thái phát triển nhân tài số, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 Nhà, gồm Nhà nước, Nhà trường và Nhà doanh nghiệp. Chỉ với sự đồng bộ và hợp tác từ nhiều phía, Việt Nam mới có thể xây dựng lực lượng nhân tài số mạnh mẽ”, bà Tân Anh nói.

Đại học số - lời giải cho bài toán thiếu hụt nhân lực số
Một trong những giải pháp nhằm nhanh chóng giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực số là mô hình giáo dục đại học số.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư