Bước sang phiên giao dịch chiều, lực cầu tiếp tục gia tăng và tập trung vào một số mã lớn giúp các mã này nới rộng đà tăng, là động lực chính kéo VN-Index vượt qua mốc 985 điểm.

Mặc dù VN-Index không phi nước đại nhưng sự dẫn dắt của bộ tứ VNM, GAS, VRE và MSN đã giúp chỉ số này từng bước nhích và kết phiên tại mức cao nhất ngày.

Đóng cửa, sàn HOSE vẫn khá cân bằng với 153 mã tăng và 158 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 7,77 điểm (+0,79%) lên 988,53 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 188,62 triệu đơn vị, giá trị 4.300,89 tỷ đồng, tăng 8,46% về lượng và 11,12% về giá trị so với phiên cuối tuần trước.

Diễn biến VN-Index phiên 1/4
Diễn biến VN-Index phiên 1/4

Giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể đạt 51,36 triệu đơn vị, giá trị 1.422,49 tỷ đồng, trong đó, EIB thỏa thuận 19,37 triệu đơn vị, giá trị hơn 352,2 tỷ đồng; GEX thỏa thuận 9,2 triệu đơn vị, giá trị 204,92 tỷ đồng; PDN thỏa thuận 2,5 triệu đơn vị, giá trị 247,5 tỷ đồng; VND thỏa thuận 5 triệu đơn vị, giá trị 85 tỷ đồng…

Nhóm VN30 diễn biến cũng khá phân hóa với 14 mã tăng và 14 mã giảm, trong đó đáng chú ý hầu hết các mã vốn hóa lớn đều khởi sắc.

Đáng kể, trụ cột VNM tiếp tục nới rộng biên độ sau 5 phiên giảm hoặc đứng giá trước đó, đóng góp chính vào mức tăng của chỉ số thị trường. Kết phiên, VNM tăng 2,8% lên mức cao nhất ngày 138.600 đồng/CP với khối lượng khớp 796.720 đơn vị.

Như đã nói ở trên, ngoài VNM, các mã lớn tăng khá tốt như VRE tăng 4,3% lên 36.100 đồng/CP, GAS tăng 2,5% lên 100.700 đồng/CP, MSN tăng 4,4% lên mức cao nhất ngày 88.000 đồng/CP. Ngoài ra, VCB, VIC, VHM cũng có mức tăng nhẹ dưới 1%.

Trái lại, trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất chỉ còn một vài mã trong nhóm ngân hàng điều chỉnh nhẹ như CTG giảm 0,9% xuống 22.250 đồng/CP, BID giảm 0,8% xuống 35.500 đồng/CP, TCB giảm 0,2% xuống 25.550 đồng/CP.

Trong khi dòng bank diễn biến phân hóa thì nhóm cổ phiếu dầu khí lại giao dịch khởi sắc trong bối cảnh giá dầu đã vượt mốc 60 USD/thùng. Ngoài GAS hỗ trợ dẫn dắt thị trường, các cổ phiếu khác trong họ P cũng diễn biến tích cực như PLX tăng 2,7% lên 61.000 đồng/CP, PVD tăng 2,8% lên 18.400 đồng/CP, PXS tăng 6,9% lên mức giá trần 4.490 đồng/CP…

Cổ phiếu đáng chú ý trong phiên hôm nay là ROS. Mặc dù trong gần hết phiên giao dịch đều đứng dưới mốc tham chiếu nhưng lực cầu tăng mạnh đã hấp thụ toàn bộ lượng cổ phiếu bán giá thấp giúp ROS hồi phục cuối phiên với thanh khoản tăng vọt. Kết phiên, ROS tăng nhẹ 0,5% lên mức cao nhất ngày 32.150 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt 12,78 triệu đơn vị.

Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản vẫn là ITA với khối lượng khớp 5,67 triệu đơn vị và đóng cửa duy trì mức giá 3.300 đồng/CP, tăng 2,2%.

Trong khi đó, sàn HNX diễn biến lình xình quanh mốc 107 điểm trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, HNX-Index tăng 0,29 điểm (+0,27%) lên 107,72 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 26,88 triệu đơn vị, giá trị 306,29 tỷ đồng, giảm 13,29% về lượng và 30,25% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 46 tỷ đồng.

Bên cạnh ACB lùi về mốc tham chiếu, “người anh em” cùng họ SHB lại nới rộng biên độ tăng 2,7% lên 7.700 đồng/CP với khối lượng khớp 1,84 triệu đơn vị và khối ngoại mua ròng 396.615 đơn vị.

Nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn giao dịch khá tích cực như PVI tăng 2,1% lên 38.300 đồng/CP, PVS tăng 1,9% lên 21.000 đồng/CP, PVB tăng 5,4% lên 19.500 đồng/CP, PGS tăng 1,4% lên 35.300 đồng/CP…

Sau phiên giảm sàn bởi quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án, cổ phiếu VCG đã khởi sắc trở lại và tiếp tục tăng tốt trong phiên hôm nay, có thời điểm được kéo lên kịch trần. Đóng cửa, VCG tăng 3,3% lên 27.900 đồng/CP và khớp 1,41 triệu đơn vị.

Top thanh khoản trên sàn HNX với HUT và PVS dẫn đầu đạt khối lượng khớp lệnh trên dưới 2,1 triệu đơn vị; tiếp theo đó các mã SHB, VGC, VCG, ART, ACM khớp trong khoảng 1-2 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, diễn biến không có nhiều biến động và duy trì đà giảm suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,23 điểm (-0,41%) xuống 57,27 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 10,71 triệu đơn vị, giá trị 218,48 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có đóng góp thêm hơn 15 tỷ đồng.

Mặc dù BSR đã lấy lại mốc tham chiếu nhưng các mã lớn khác vẫn giảm khá mạnh như VEA giảm 2,8% xuống 51.300 đồng/CP, GVR giảm 3,3% xuống 11.600 đồng/CP, HVN giảm 0,7% xuống 40.900 đồng/CP…

Trong đó, BSR vẫn dẫn đầu thanh khoản với khối lượng giao dịch đạt 2,22 triệu đơn vị; tiếp theo đó là VEA với 1,14 triệu đơn vị được chuyển nhượng.