Không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục đóng vai trò là trụ đỡ giúp thị trường nhanh chóng hồi phục trong phiên sáng đầu tuần 18/3. Tuy nhiên, lực đỡ chưa đủ mạnh để giúp VN-Index chinh phục thành công ngưỡng kháng cự mới 1.010 điểm.

Sau biến động giằng co quanh mốc 1.010 điểm trong gần suốt cả phiên sáng, thị trường đã từng bước đi lên trong phiên giao dịch chiều nhờ lực cầu gia tăng. Mặc dù đà tăng có phần hãm nhẹ về cuối phiên nhưng thị trường cũng đã có một phiên giao dịch khá thành công khi chỉ số VN-Index đã chính thức vượt mốc 1.010 điểm.

Đóng cửa, sàn HOSE có 174 mã tăng và 134 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 7,74 điểm (+0,77%) lên 1.011,86 điểm. Tổng khối lượng giao dich 230,55 triệu đơn vị, giá trị 5.355,77 tỷ đồng, giảm 7,88% về lượng và 17,56% về giá trị so với phiên cuối tuần trước.

Diễn biến VN-Index phiên 18/3
Diễn biến VN-Index phiên 18/3

Giao dich thỏa thuận 42,19 triệu đơn vị, giá trị 1.131,65 tỷ đồng, trong đó MSN thỏa thuận 3,78 triệu đơn vị, giá trị hơn 327 tỷ đồng; TCB thỏa thuận 7,73 triệu đơn vị, giá trị 204,76 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục nới rộng đà tăng như VCB tăng 2,4% lên 67.600 đồng/CP, TCB tăng 0,7% lên 27.050 đồng/CP, VPB tăng 3,2% lên 22.500 đồng/CP, CTG tăng 3,1% lên 23.400 đồng/CP, BID đảo chiều hồi nhẹ với mức tăng 0,3% lên 37.300 đồng/CP, MBB tăng 1,1% lên 22.750 đồng/CP.

Nhóm cổ phiếu dầu khí diễn biến khởi sắc hơn như GAS tăng 2,4% lên 104.000 đồng/CP, PLX hồi phục với mức tăng nhẹ 0,2% lên 62.500 đồng/CP, PVD tăng 1,1% lên 18.850 đồng/CP.

Cổ phiếu nhà Vin cũng giao dịch tích cực như VIC tăng 2,2% lên mức cao nhất ngày 121.300 đồng/CP, VRE tăng 1,3% lên 38.000 đồng/CP, VHM tăng 1,1% lên 94.300 đồng/CP. Ngoài ra, các trụ cột khác vẫn duy trì đà tăng hoặc đảo chiều hồi phục như VNM, MSN, VJC…

Trái lại, trong nhóm cổ phiếu lớn, SAB là mã giao dịch thiếu tích cực nhất do chịu áp lực bán ra mạnh. Kết phiên, SAB giảm 3,4% xuống mức giá thấp nhất ngày 245.100 đồng/CP.

Cổ phiếu HPG những tưởng sẽ hồi phục mạnh sau phiên lao dốc cuối tuần trước, tuy nhiên, áp lực bán gia tăng trong phiên chiều khiến cổ phiếu này bị đẩy về dưới mốc tham chiếu. Ghi nhận phiên giảm điểm thứ 3 liên tiếp với mức giảm nhẹ 0,2%, cổ phiếu HPG đóng cửa tại mức giá 31.850 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh vẫn lớn nhất sàn HOSE đạt 10,58 triệu đơn vị.

Trong khi đó, trên sàn HNX, diễn biến có phần kém hưng phấn hơn. Chỉ số HNX-Index chủ yếu biến động lình xình quanh mốc 110 điểm.

Đóng cửa, HNX-Index tăng 0,44 điểm (+0,4%) lên 110,88 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 44,38 triệu đơn vị, giá trị 569,28 tỷ đồng, giảm 3,4% về lượng nhưng tăng 7,93% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đạt gần 3,9 triệu đơn vị, giá trị 122,7 tỷ đồng, trong đó riêng ACB thỏa thuận hơn 3 triệu đơn vị, giá trị hơn 96 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang là điểm sáng khi hầu hết đều giao dịch khá tốt, cụ thể, PVS hồi phục sắc xanh với mức tăng 0,5% lên 21.700 đồng/CP, PGS tăng 2,9% lên 35.500 đồng/CP, PLC tăng 1,9% lên 16.300 đồng/CP, PVB tăng 6,1% lên mức 20.800 đồng/CP…

Trong khi đó, cặp đôi lớn ngân hàng gồm SHB vẫn đứng giá tham chiếu, còn ACB duy trì đà tăng nhẹ 0,6% lên 31.900 đồng/CP. Tuy nhiên, đây vẫn là cặp đôi dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với SHB khớp lệnh 4,36 triệu đơn vị và ACB khớp 3,74 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các mã PVX, SPI, ACM, KSQ… tiếp tục tăng trần.

Trên UPCoM, giao dịch cũng không có nhiều biến động trong phiên chiều.

Kết phiên, UPCoM-Index tăng 0,16 điểm (+0,28%) lên 57,42 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 16,43 triệu đơn vị, giá trị 374,14 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 5 triệu đơn vị, giá trị 69,53 tỷ đồng.

Cặp đôi lớn ngành hàng không vẫn hỗ trợ tốt cho đà tăng thị trường khi ACV nới rộng biên độ với mức tăng 1% lên 87.600 đồng/CP, còn HVN tăng 3,3% lên 43.300 đồng/CP và khối lượng giao dịch đạt 2,22 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản trên thị trường.

Cổ phiếu VGT vẫn là cổ phiếu giao dịch sôi động nhất với khối lượng đạt 2,68 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 6,3% lên 13.400 đồng/CP.

Trái lại, BSR đảo chiều sau 2 phiên khởi sắc với mức giảm 1,4% xuống 13.800 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt hơn 2 triệu đơn vị.