Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Phiên 19/3: YEG giảm sàn phiên thứ 12 liên tiếp, nhà đầu tư mất kiên nhẫn
Trần Lê - 19/03/2019 16:01
 
Áp lực bán gia tăng tại nhiều mã bluechip trong phiên chiều nay (19/3) khiến VN-Index đảo chiều đi xuống và đóng cửa trong sắc đỏ.
Diễn biến VN-Index phiên ngày 19/3
Diễn biến VN-Index phiên ngày 19/3

Trong phiên sáng, dù gặp rung lắc và dao động chủ yếu trong sắc đỏ, nhưng VN-Index đã kịp thời trở lại trên tham chiếu trong ít phút cuối phiên nhờ lực đỡ của một số mã lớn như VIC, VHM, MSN…

Bước vào phiên giao dịch chiều, tưởng chừng VN-Index sẽ lấy được đà để đi lên, nhất là khi dòng tiền hoạt động khá tích cực. Tuy nhiên, sắc xanh chỉ tồn tại khoảng 20 phút đầu phiên chiều trước khi VN-Index bị đẩy xuống dưới tham chiếu và nới rộng dần đà giảm do áp lực bán gia tăng tại nhiều mã bluechip.

Chốt phiên, VN-Index giảm 5,27 điểm (-0,52%) xuống 1.006,59 điểm với 128 mã tăng, trong khi có tới 184 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 236,59 triệu đơn vị, giá trị 5.783,14 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,6% về khối lượng 8% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 37,6 triệu đơn vị, giá trị 1.562,5 tỷ đồng.

Trong các mã cổ phiếu lớn, VIC, VHM cũng quay đầu giảm giống như các mã khác, chỉ còn SAB và MSN hỗ trợ VN-Index không bị giảm sâu xuống dưới 1.005 điểm.

Cụ thể, chốt phiên, VIC giảm 0,25% xuống 121.000 đồng, VHM giảm 0,32% xuống 94.000 đồng, VCB giảm 1,18% xuống 66.800 đồng, VNM giảm 0,8% xuống 136.900 đồng, GAS giảm 0,48% xuống 103.500 đồng, BID giảm 1,88% xuống 36.600 đồng, TCB giảm 1,11% xuống 26.750 đồng và VRE giảm 0,79% xuống 37.700 đồng. Trong khi SAB tăng 1,18% lên 248.000 đồng và MSN tăng 0,23% lên 87.000 đồng.

Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, phiên hôm nay chỉ còn HDB và EIB duy trì sắc xanh với mức tăng 0,31% lên 31.900 đồng và 1,15% lên 17.600 đồng, cùng TPB đứng mức tham chiếu, còn lại cũng giống VCB, BID, TCB đều giảm giá. Thậm chí, CTG dù vẫn được khối ngoại mua vào khá mạnh, nhưng vẫn đóng cửa giảm 1,28% xuống 23.100 đồng, VPB giảm mạnh 2,67% xuống 21.900 đồng, MBB giảm 0,44% xuống 22.650 đồng và STB cũng mất 1,17% xuống 12.700 đồng.

Sắc đỏ còn xuất hiện tại nhiều mã bluechip  khác như PLX, NVL, POW, FPT, PNJ, DHG, SSI… Trong khi sắc xanh chỉ le lói tại HPG, BVH, BHN…

Trong nhóm cổ phiếu lớn, CTG là mã có thanh khoản tốt nhất với 7,5 triệu đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại mua ròng hơn 3 triệu đơn vị. HPG cũng được khớp mạnh với gần 7,4 triệu đơn vị và khối ngoại cũng mua ròng gần 2 triệu đơn vị.

Trong nhóm cổ phiếu nhỏ, sự phân hóa diễn ra khác mạnh, trong khi sắc đỏ bao trùm FLC, ITA, DLG, SCR, AMD, ASM, QCG, FIT, HAI, thì sắc xanh lại xuất hiện tại HAG, OGC, IDI, HAR, KBC, HHS, thậm chí TTF, AGR, ATG, DIC, VHG lại đóng cửa với sắc tím.

Trong nhóm này, FLC là mã có thanh khoản tốt nhất và cũng tốt nhất sàn HOSE với 10,6 triệu đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại bán ròng khá mạnh mã này với lượng bán ròng hơn 2,5 triệu đơn vị.

TTF cũng có thanh khoản tốt với gần 5 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần, trong khi GTN không còn duy trì được sắc tím khi đóng cửa ở mức 20.050 đồng, tăng 2,82% dù có thời điểm đã lên mức trần 20.850 đồng.

Trong khi đó, YEG tiếp tục có phiên giảm sàn 12 liên tiếp xuống 102.800 đồng với 62.560 đơn vị được khớp. Nhiều nhà đầu tư đặt bán giá sàn mất kiên nhẫn đã hủy lệnh để chuyển sang bán lệnh ATC, nhưng rất ít người may mắn thoát được hàng.

Trên sàn HNX diễn biến cũng tương tự HOSE khi HNX-Index lao mạnh trong phiên chiều do áp lực bán diễn ra tại các mã bluechip. Tuy nhiên, chỉ số này đã nảy nhẹ trở lại sau khi xuống dưới ngưỡng 110 điểm.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,83 điểm (-0,74%), xuống 110,06 điểm với 85 mã tăng và 92 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 63,3 triệu đơn vị, giá trị 772 tỷ đồng, tăng 31% về khối lượng và tăng 11,7% về giá trị so với phiên trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 9,35 triệu đơn vị, giá trị 135,3 tỷ đồng.

Các mã buechip trên sàn này lại có sự phân hóa, nhưng với việc 2 mã lớn nhất sàn là ACB và VCG giảm 1,88% xuống 31.300 đồng và 1,03% xuống 28.700 đồng khiến HNX-Index giảm mạnh hơn VN-Index.

Ngoài ACB và VCG, SHB cũng giảm 1,25% xuống 7.900 đồng, PVI giảm 0,21% xuống 36.300 đồng, PHP giảm tới 4,42% xuống 10.800 đồng.

Trong khi đó, PVS lại tăng 1,84% lên 22.100 đồng, VGC tăng 0,47% lên 21.500 đồng, DGC tăng 0,71% lên 42.400 đồng.

Trong đó, SHB là mã có thanh khoản tốt nhất với 9 triệu đơn vị được khớp, khối ngoại bán ròng hơn 1 triệu đơn vị. Tiếp đến là PVS với 6,24 triệu đơn vị được khớp. Các mã khác có giao dịch sôi đông như VGC khớp 3,74 triệu đơn vị và ACB khớp 2,83 triệu đơn vị.

Trong khi đó, trong nhóm cổ phiếu nhỏ, PVX tăng trần lên 1.600 đồng với 4,55 triệu đơn vị, SPI cũng tăng trần lên 1.300 đồng với 1,64 triệu đơn vị. ART tăng 4% lên 2.600 đồng với 4,47 triệu đơn vị.

UPCoM cũng có diễn biến tương tự 2 sàn niêm yết khi lao khá mạnh trong phiên chiều. Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,32 điểm (-0,56%), xuống 57,1 điểm với 102 mã tăng và 87 mã giảm khi đóng cửa phiên. Tổng khối lượng giao dịch đạt 22 triệu đơn vị, giá trị 452 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,59 triệu đơn vị, giá trị 69,78 tỷ đồng.

BSR, PFL, VGT, VGI và HVN là 5 mã có tổng khớp trên 1 triệu đơn vị phiên hôm nay. Trong đó đứng đầu là BSR với 2,54 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 1,44% xuống 13.700 đồng. VGI, HVN cũng đóng cửa giảm 5,93% và 2,09% xuống 25.400 đồng và 42.200 đồng. Trong khi đó, mã tí hon PFL đóng cửa ở mức trần 1.200 đồng với 1,76 triệu đơn vị được khớp, đứng sau BSR. VGT cũng đóng cửa tăng nhẹ 0,76% lên 13.300 đồng với hơn 1,7 triệu đơn vị được khớp.

Thị trường chứng khoán: 1.000 điểm - mức hỗ trợ mới của VN-Index
Cuối tuần qua, chỉ số VN-Index đóng cửa trên ngưỡng 1.000 điểm, với khối lượng giao dịch duy trì ở mức cao.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư