Bước vào phiên giao dịch chiều, giao dịch không có gì cải thiện bởi thiếu vắng thông tin hỗ trợ tích cực, ngoại trừ một số mã có câu chuyện riêng biệt. Chỉ số VN-Index giao dịch lình xình đi ngang và tìm cơ hội để tiếp cận mốc 990 điểm.
Sau hơn 1 giờ giằng co, VN-Index đã chính thức chạm được ngưỡng kháng cự này. Tuy nhiên, với nội lực khá yếu, thị trường đã lùi lại và chưa thể vượt qua được thử thách mới.
Đóng cửa, sàn HOSE có 158 mã tăng và 129 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 2,35 điểm (+0,24%) lên 989,26 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 189,28 triệu đơn vị, giá trị hơn 3.885 tỷ đồng, tăng 14,5% về lượng và 17,1% về giá trị so với phiên hôm qua.
Giao dịch thỏa thuận đạt 59,29 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.320 tỷ đồng, trong đó riêng EIB thỏa thuận 47,39 triệu đơn vị, giá trị 870,87 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 5/4 |
Trong khi đó, sàn HNX sau hơn 1 giờ giao dịch lình xình đã bất ngờ bị đẩy lùi về dưới mốc tham chiếu do áp lực bán gia tăng. Tuy nhiên, lực cầu đã hỗ trợ tốt giúp HNX-Index nhanh chóng khởi sắc trở lại.
Kết phiên, HNX-Index tăng 0,45 điểm (+0,42%) lên 107,87 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 27,58 triệu đơn vị, giá trị 355,93 tỷ đồng, giảm 5,45% về lượng và 4,27% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đạt 2,73 triệu đơn vị, giá trị hơn 47 tỷ đồng, trong đó riêng TVC thỏa thuận hơn 1,6 triệu đơn vị, giá trị 20,24 tỷ đồng.
Trong khi hầu hết các mã lớn như VHM, VRE, MSN, VCB… vẫn duy trì đà tăng nhẹ, thì nhóm cổ phiếu dầu khí có phần khởi sắc hơn với GAS tăng 2,5% lên mức cao nhất ngày 103.800 đồng/CP, PLX cũng nới rộng khoảng cách với mức tăng 1% lên 61.400 đồng/CP, PVD tăng 1,6% lên 19.500 đồng/CP, PVS tăng 1,8% lên 22.400 đồng/CP, PVI tăng 1,5% lên 39.600 đồng/CP, PVB tăng 1% lên 20.800 đồng/CP…
Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn giao dịch khá trầm lặng. Cùng với thanh khoản sụt giảm mạnh, các mã thuộc dòng bank hầu hết đều tăng giảm nhẹ quanh mốc tham chiếu.
Nếu trước đây, HPG thường được nhắc đến với danh hiệu cổ phiếu giao dịch sôi động thì trong những phiên giao dịch gần đây, ROS là cái tên được nhắc đến khá nhiều. Trong phiên hôm nay, ROS đã đảo chiều hồi nhẹ sau 3 phiên điều chỉnh trước đó, với mức tăng 0,5% lên 31.650 đồng/CP. Khối lượng khớp lệnh ROS đạt hơn 6,22 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản trên sàn HOSE, sau cổ phiếu FLC khớp gần 7,14 triệu đơn vị và bỏ xa các mã khác trong nhóm VN30.
Trái lại, VNM có thể là một trong những trụ chính níu chân thị trường khi tiếp tục nới rộng biên độ giảm 1,2% xuống mức thấp nhất ngày 136.300 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các mã FLC, ITA, ASM, TTF, HSG, KBC… vẫn khớp một vài triệu đơn vị, đáng kể VHG, KSH, FCN, ATG… tiếp tục duy trì sắc tím.
Ở nhóm cổ phiếu cần quan tâm, cổ phiếu CTD chưa thể hồi phục sau khi đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2019 sụt giảm với doanh thu và lợi nhuận hợp nhất lần lượt 27.000 tỷ đồng và 1.300 tỷ đồng, tương ứng giảm 5,5% và 13,9% so với kết quả năm ngoái. Đóng cửa, CTD giảm 0,1% xuống 140.700 đồng/CP.
Trái lại, PLP với kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2019 lần lượt đạt 650 tỷ đồng và 65 tỷ đồng, tương ứng tăng 25% và 9% so với thực hiện năm ngoái, cổ phiếu PLP đã bật tăng mạnh sau 6 phiên liên tiếp giao dịch thiếu tích cực. Kết phiên, PLP tăng 3,9% lên 11.850 đồng/CP.
Trên sàn HNX, cổ phiếu VCG sau 3 phiên liên tiếp điều chỉnh cũng đã đảo chiều hồi phục mạnh trong phiên hôm nay. Với mức tăng 8,7%, cổ phiếu VCG đóng cửa tại mức cao nhất ngày 27.500 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh gần 1,6 triệu đơn vị.
Trong khi đó, VCS tiếp tục xác lập phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp, với mức tăng 2,6% và đóng cửa tại mức giá 70.800 đồng/CP.
Top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn HNX gồm PVS khớp 4,34 triệu đơn vị, ART khớ hơn 3 triệu đơn vị, các mã MST, VCG và VGC khớp 1-2 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, diễn biến khá giống sàn HNX khi sắc xanh may mắn được lập lại về cuối phiên.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,07 điểm (+0,12%) lên 56,93 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 10,28 triệu đơn vị, giá trị 165,45 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 2,29 triệu đơn vị, giá trị 36,64 tỷ đồng.
Diễn biến không có nhiều biến động khi SVH vẫn giữ mức thanh khoản hơn 2,2 triệu đơn vị và đóng cửa ở mốc tham chiếu 10.000 đồng/CP.
Đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản là GEG và BSR có khối lượng giao dịch hơn 1,14 triệu đơn vị.
Thị trường hạ độ cao, thậm chí rung lắc trong phiên chiều do diễn biến thiếu cực ở một số mã lớn như HVN, GVR, VGT lùi về mốc tham chiếu, VGI đảo chiều giảm 1,19% xuống 25.000 đồng/CP, ACV giảm 1,6% xuống 82.000 đồng/CP…