Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 9 điểm yếu của nền kinh tế
Nguyên Đức - 21/03/2016 10:17
 
Dù đánh giá cao sự phục hồi của nền kinh tế, nhưng thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011 - 2015 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra 9 điểm yếu của nền kinh tế.

Một cách thẳng thắn, ngay tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khóa XIII, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thừa nhận 9 yếu kém của nền kinh tế khi thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011 - 2015 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

Đó là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định nhưng chưa vững chắc; Kinh tế phục hồi còn chậm, tăng trưởng chưa đạt chỉ tiêu đề ra; chất lượng tăng trưởng một số mặt còn thấp; Thực hiện các đột phá chiến lược và tạo nền tảng để đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt mục tiêu đề ra; Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm, chưa đồng bộ…

.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011 - 2015 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Ảnh: Đức Thanh

Trong đó, một trong những điểm yếu được Chính phủ thẳng thắn thừa nhận, đó là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định nhưng chưa vững chắc. Biểu hiện rõ nét là việc kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thật bền vững.

Cụ thể, cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, còn thất thu ngân sách. Tổng thu ngân sách nhà nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu chi thường xuyên và chi trả nợ; toàn bộ chi đầu tư phải dựa vào nguồn vay nợ của Chính phủ.

.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII

“Cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp, tỷ lệ chi đầu tư tiếp tục giảm sút từ 28% giai đoạn trước giảm xuống 23,4% giai đoạn 2011-2015; một số khoản chi chưa được quản lý chặt chẽ, chi thường xuyên tăng nhanh; bội chi ngân sách còn cao, chưa đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận.

Bên cạnh đó, báo cáo do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày cũng cho thấy, tuy vẫn bảo đảm trong giới hạn quy định nhưng nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn; sử dụng vốn vay ở một số dự án kém hiệu quả và còn thất thoát, lãng phí.

Theo báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, tỷ lệ nợ công/GDP vào cuối năm 2015 khoảng 62,2%, nợ Chính phủ/GDP là 50,3%, nợ nước ngoài của quốc gia/GDP 43,1%, từ các mức tương ứng của năm 2011 là 50%, 39,3% và 37,9%.

Chưa kể, chất lượng tín dụng chưa cao, xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn; thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển thiếu bền vững và còn tiềm ẩn rủi ro; xuất khẩu có xu hướng tăng chậm lại và gặp nhiều khó khăn, nhập khẩu đang có xu hướng tăng và nhập siêu có nguy cơ tăng trở lại làm ảnh hưởng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và gây khó khăn cho điều hành chính sách tiền tệ...

Tuy vậy, nhìn tổng quát lại trong 5 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song báo cáo của Chính phủ cho thấy, kinh tế - xã hội Việt Nam đã đạt được những thành quả quan trọng trên các lĩnh vực, hoàn thành nhiều chỉ tiêu kế hoạch đặt ra.

Cụ thể, trong số 26 chỉ tiêu chủ yếu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường được Quốc hội thông qua, có 16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, trong đó có một số chỉ tiêu như: thu nhập thực tế của người dân, tỷ lệ giảm hộ nghèo, tạo việc làm và một số chỉ tiêu về xã hội. Chỉ có 10 chỉ tiêu không đạt kế hoạch.

Trong giai đoạn 5 năm tới, mục tiêu được đặt ra là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Các mục tiêu cụ thể cũng đã được vạch ra, đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5-7%/năm; đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200-3.500 USD; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong GDP khoảng 85%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32-34% GDP; bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 còn khoảng 4% GDP...

Bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội vào tháng 4/2016
Trung ương đã bỏ phiếu giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư