Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Khẩn trương thu xếp nguồn vốn đầu tư nâng cấp kênh Chợ Gạo
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, đây là tuyến kênh có vai trò đặc biệt quan trọng đối với giao thông thuỷ nội địa, nhưng hiện đang bị ùn tắc, xuống cấp nghiêm trọng. Việc đầu tư nâng cấp kênh Chợ gạo là rất cấp bách, được người dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khảo sát trên tuyến kênh Chợ Gạo Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khảo sát trên tuyến kênh Chợ Gạo Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khi dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ đi khảo sát, kiểm tra tuyến kênh Chợ Gạo và làm việc với các bộ, ngành, địa phương tại tỉnh Tiền Giang ngày 15/3.

Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận thông, Văn phòng Chính phủ, đại diện Bộ Quốc phòng.

Đoàn công tác đã đi khảo sát trên tuyến kênh Chợ Gạo gồm các đoạn rạch Kỳ Hôn, kênh Chợ Gạo và rạch Lá và có cuộc làm việc tại tỉnh Tiền Giang.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng việc giải quyết các “nút thắt” kết nối giao thông vùng giữa Đồng bằng sông Cửu Long, TPHCM và khu vực động lực kinh tế Nam Bộ là nhiệm vụ cấp bách.

“Như chúng ta vừa khảo sát, tuyến kênh Chợ Gạo là tuyến đường thủy huyết mạch, có vai trò rất quan trọng kết nối các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với cảng biển khu vực TPHCM nói riêng và khu vực các tỉnh Đông Nam Bộ nói chung”, Phó Thủ tướng nói.

Kênh Chợ Gạo có tổng chiều dài toàn tuyến 28,6 km qua địa phận huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang và một phần qua tỉnh Long An. Hiện nay, do mật độ tàu, thuyền tăng cao, tuyến đường thủy này đến nay đã quá tải và xảy ra ùn tắc trong thời gian cao điểm, đồng thời gây hiện tượng xói lở bờ, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân hai bên bờ kênh.

Theo thống kê thì trung bình có 1.400 lượt phương tiện/ngày với trọng tải từ 200-1.000 DWT qua tuyến kênh (ngày cao điểm lên đến 1.800 lượt) dẫn đến tuyến kênh thường xuyên tắc nghẽn. Nhiều sự cố va chạm, lật tàu thuyền đã xảy ra, kèm theo đó là hiện tượng sạt lở bờ, gây tổn thất đáng kể về người và tài sản.

Chỉ với việc cải tạo, nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo, sẽ có thể khắc phục một bước tình trạng quá tải, nâng cao năng lực vận tải thủy kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TPHCM, các tỉnh Đông Nam Bộ và hỗ trợ cho Khu bến cảng Cái Mép-Thị Vải tại Bà Rịa-Vũng Tàu.

“Qua thực tế kiểm tra, khảo sát và báo cáo của Bộ Giao thông vận tải các địa phương, tiếp thu ý kiến cử tri các tỉnh Tiền Giang, Long An, tôi yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương nghiên cứu, xác định nguồn vốn, triển khai đầu tư dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, tháo gỡ điểm nghẽn lớn nhất đối với giao thông đường thuỷ nội địa vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Yêu cầu đặt ra là đầu tư nâng cấp, ổn định tuyến kênh Chợ Gạo, khắc phục triệt để vấn đề sạt lở bờ kênh và trình trạng quá tải, ùn tắc. Tăng năng lực vận hành, kịp thời đáp ứng nhu cầu vận tải thủy trên tuyến hiện tại và lâu dài, bảo đảm ổn định an sinh xã hội của nhân dân bên bờ kênh Chợ Gạo.

Theo tính toán, tổng vốn đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng.

Về nguồn lực, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, sớm báo cáo phương án sử dụng vốn hỗ trợ cho dự án rất cấp bách, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ Giao thông vận tải rà soát lại dự án, bảo đảm khi có vốn sẽ có thể bắt tay triển khai ngay. Các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ, quản lý an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội; quản lý đầu tư; triển khai tốt công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, bảo đảm triển khai dự án một cách thuận lợi, hiệu quả.

“Đây là dự án được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt quan tâm, mang tính cấp bách, có vai trò đặc biệt quan trọng, do đó yêu cầu phải ưu tiên bố trí nguồn lực để có thể triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất”, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành, địa phương liên quan.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với các địa phương rà soát, tính toán kỹ lưỡng về năng lực vận tải đường thủy nội địa của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trên cơ sở đó khẩn trương hoàn thiện điều chỉnh Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Cùng với đó, Bộ Giao thông vận tải tổ chức nghiên cứu, xây dựng phương án xử lý, trong đó tính toán hiệu quả của phương án tháo gỡ các nút thắt, gây cản trở đến hoạt động giao thông vận tải trên đường thủy nội địa của các khu vực miền Bắc, miền Nam; đề xuất phương án đầu tư, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nguồn vốn thực hiện; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Giao thông vận tải cũng được giao chủ trì nghiên cứu cơ chế phù hợp, hiệu quả để thu hút đầu tư xã hội vào các dự án giao thông đường thuỷ nội địa.

Nhiều sông, nhưng chưa mạnh về giao thông đường thuỷ

Việt Nam là quốc gia có lợi thế về giao thông đường thuỷ, có tới 2.360 con sông, kênh lớn nhỏ với tổng chiều dài khoảng 41.900 km, mật độ bình quân 0,27 kmd/1 km2, có trên 100 cửa sông, là một nước có mật độ sông kênh vào loại lớn trên thế giới. Tổng chiều dài đường thủy nội địa toàn quốc đang quản lý khai thác là 17.026 km.

Trong khi đó, vận tải thuỷ có rất nhiều ưu việt. Suất đầu tư không lớn, cước phí vận tải thấp, chở được hàng siêu trường, siêu trọng, ít ảnh hưởng đến môi trường, tính xã hội hóa cao.

Tuy nhiên, vai trò của vận tải thuỷ chưa được phát huy đúng mức. Hằng năm, vận tải  thủy nội địa đảm nhiệm vận chuyển khoảng 18-22% về tấn vận chuyển hàng hóa, 5-6,8% về hành khách trong tổng lượng vận tải của toàn ngành.

Vận tải thuỷ nội địa tập trung chủ yếu ở khu vực phía bắc và phía nam, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi vận tải thuỷ có vai trò mang tính quyết định trong cơ cấu vận tải của vùng. Tổng chiều dài đường thủy khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lên tới 14.826,4 km, 57 cảng thuỷ nội địa và 3.988 bến thuỷ nội địa.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, ưu tiên nguồn lực đầu tư, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội Đồng bằng sông Cửu Long. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ, bảo đảm phục vụ tốt hơn cho các hoạt động kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, cùng với tình hình chung của cả nước, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều bất cập cần được khắc phục triệt để. Đây là vấn đề được cử tri tập trung phản ánh với Đảng, Nhà nước, Quốc hội.

Mạng lưới giao thông đường bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 6 tuyến trục dọc và 9 tuyến trục ngang. Do nguồn lực hạn hẹp nên các tuyến trục dọc, trục ngang và một số tuyến quốc lộ huyết mạch trong vùng chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch. Giao thông nội vùng cơ bản thuận lợi, nhưng giao thông kết nối với TPHCM và vùng trọng điểm kinh tế Nam Bộ; kết nối với quốc tế… còn rất hạn chế. Tuy có hàng nghìn cảng, bến thuỷ nội địa nhưng rất phân tán, manh mún, công suất nhỏ.

Theo một thống kê của Bộ Giao thông vận tải cho thấy, 70% lượng hàng hóa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn phải chuyển tải về các cảng biển TPHCM và Cái Mép bằng đường bộ, khiến doanh nghiệp phải gánh chịu chi phí vận tải cao hơn 10 đến 60%.

Dừng Dự án Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo - giai đoạn 2 theo hình thức BOT
Ngoài việc không đảm bảo tính khả thi tài chính, nếu triển khai nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo – giai đoạn 2 theo hình thức BOT còn không thể đảm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư