Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Phương án nào cho giá bán lẻ điện bình quân năm 2023?
Thanh Hương - 09/02/2023 08:15
 
Với thực tế lỗ sản xuất, kinh doanh điện năm 2022 hơn 28.000 tỷ đồng và tiếp tục lỗ 64.941 tỷ đồng trong năm 2023, thì dù là kịch bản nào thì cũng khó có giá điện rẻ.

Khẩn trương tính toán

Theo nguồn tin của Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang tiến hành triển khai tính toán giá bán lẻ điện bình quân năm 2023, sau khi Bộ Công thương yêu cầu đơn vị này khẩn trương hoàn thành xây dựng phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023.

Theo đó, Bộ Công thương yêu cầu EVN tập trung nguồn lực, hoàn thành quyết toán chi phí sản xuất, kinh doanh điện 2022, báo cáo tài chính của công ty mẹ tập đoàn và các đơn vị thành viên. Mặt khác, phải làm việc với các đơn vị kiểm toán độc lập có uy tín kiểm toán báo cáo theo đúng quy định.

Trên cơ sở quyết toán chi phí sản xuất, kinh doanh điện, báo cáo tài chính năm 2022 của công ty mẹ và các đơn vị thành viên, bước tiếp theo, Bộ Công Thương sẽ công bố công khai kết quả kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2022.

Đây cũng là căn cứ để Bộ Công Thương hoàn thành tính toán phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023, báo cáo các cấp có thẩm quyền theo quy định.

Trước đó, vào ngày 3/2/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành khung giá bán lẻ điện bình quân với mức tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh và mức tối đa là 2.444,09 đồng/kWh.

Theo ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), việc ban hành khung giá bán lẻ điện bình quân mới là bởi khung giá bán lẻ điện bình quân hiện tại không còn phù hợp với bối cảnh và chưa phản ánh sự biến động của các thông số đầu vào tới chi phí sản xuất, kinh doanh điện, đặc biệt là biến động của giá nhiên liệu.

Đơn cử, giá than nhập khẩu cung cấp cho các nhà máy điện đã bắt đầu tăng từ cuối năm 2021 và sản lượng điện từ nhiệt điện than chiếm tỷ trọng khoảng 40% sản lượng điện của Việt Nam, dẫn tới chi phí sản xuất, kinh doanh điện của EVN tăng cao.

Tính đến hết quý III/2022, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc nhiều lần điều chỉnh tăng giá than trộn với tổng mức tăng từ 802.000 đồng/tấn đến 986.000 đồng/tấn tùy loại than, tương ứng với mức tăng chung so với đầu năm 2022 khoảng 52%.

Cũng theo lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực, các khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện trong hợp đồng mua bán điện của các năm 2019 - 2020 cũng như giai đoạn năm 2021 - 2024 ước khoảng hơn 21.000 tỷ đồng cần được phân bổ, tính toán vào chi phí sản xuất điện hàng năm để tính toán khung giá.

"Các bối cảnh nêu trên đã tạo nên biến động lớn về các thông số liên quan đến chi phí mua điện, chiếm trên 80% tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện hàng năm của EVN", Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực nhìn nhận.

Do đó, khung giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu được điều chỉnh tăng 13,7%, lên 1.826,22 đồng/kWh; mức tối đa tăng 28,2%, lên 2.444,09 đồng/kWh.

Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đang là quốc gia có mức giá điện bình quân thấp so với hầu hết các quốc gia trong khu vực. Thậm chí, giá bán lẻ điện của Việt Nam hiện nay chỉ bằng 51% so với Philippines - quốc gia có giá điện cao nhất khu vực (0,172 USD/kW).

Nhìn sang Indonesia, năm 2022 đã thu hút được hơn 45,6 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng 44,2% so với năm 2021. Giá điện tại Indonesia quy đổi theo tỷ giá hiện là 2.310 đồng/kWh, cho thấy, sức hấp dẫn với các nhà đầu tư không phải đến từ giá điện thấp.

Giá điện hợp lý, tiết kiệm đầu tư xã hội

Thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho thấy, vào tháng 3/2010, giá bán lẻ điện bình quân đã được tăng tới 11,54% so với mức trước đó. Tiếp đó, vào tháng 3/2011, giá bán lẻ điện bình quân tiếp tục được tăng 17,39% so với mức hiện hành.

Báo cáo Huy động tối đa nguồn tài chính để phát triển ngành năng lượng Việt Nam được WB xuất bản vào năm 2018 chỉ ra rằng, dù mức giá bình quân danh nghĩa đã tăng 53% từ năm 2010 đến năm 2015. Tuy nhiên, lạm phát tích lũy trong cùng kỳ cũng đã là 56%.

Với thực tế thu nhập chính của EVN là từ giá điện tính cho người dùng cuối, nên dù Chính phủ đã tăng giá lên 7,6 UScent/kWh vào tháng 11/2017, nhưng mức giá hiện tại không đủ để EVN trang trải chi phí bảo dưỡng, sửa chữa và trả nợ cũng như đầu tư trong tương lai.

Trong khi đó, báo cáo của WB hay gần đây là GIZ cũng chỉ ra thực tế, Việt Nam có mức tiêu thụ điện trên một đơn vị GDP cao bất thường, do đó, có tiềm năng lớn để tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp.

Và con đường được nhắc tới chính là giá điện hợp lý, khiến cho các hộ tiêu dùng điện sử dụng điện tiết kiệm, tránh được các khoản đầu tư mới cho ngành điện một cách tràn lan.

“Để EVN có thể thu hồi toàn bộ chi phí, mức giá bán điện bình quân cần tăng lên 12 UScent/kWh vào năm 2020”, đã được WB khuyến nghị vào năm 2018.

Thời điểm điều chỉnh giá điện

Giá bán lẻ điện bình quân (đồng/kWh)

Tỷ lệ điều chỉnh

Tháng 3/2009

948,5

8,92%

Tháng 3/2010

1.058

11,54%

Tháng 3/2011

1.242

17,39%

Tháng 12/2011

1.304

5%

Tháng 7/2012

1.369

5%

Tháng 12/2012

1.437

5%

Tháng 8/2013

1.509

5%

Tháng 3/2015

1.622

7,5%

Tháng 11/2017

1.721

6,08%

Tháng 3/2019

1.864

8,36%

Hiện mức giá bán lẻ điện bình quân cơ sở vẫn là 1.864 đồng/kwh được điều chỉnh vào tháng 3/2019, tương đương với mức 0,8 UScent/kWh (theo tỷ giá ngày 5/3/2019).

Hệ quả đã nhìn thấy rõ khi năm 2022, công ty mẹ EVN, các tổng công ty điện lực và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia có số lỗ sản xuất, kinh doanh điện khoảng 28.876 tỷ đồng.

Và năm 2023, nếu giá bán lẻ điện giữ nguyên theo giá điện hiện hành, thì số lỗ dự kiến lên đến 64.941 tỷ đồng, trong đó 6 tháng đầu năm sẽ lỗ 44.099 tỷ đồng và 6 tháng cuối năm lỗ 20.842 tỷ đồng.

Như vậy, tổng lỗ sản xuất, kinh doanh của EVN luỹ kế 2 năm 2022 và 2023 là 93.817 tỷ đồng.

Thậm chí, nếu không giải quyết mức giá bán lẻ điện bình quân cơ sở thay thế cho mức giá đang áp dụng từ tháng 3/2019, thì hết tháng 5/2023, Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ không còn tiền trong tài khoản.

Nếu điều này diễn ra, thì việc EVN mua điện, nhưng phải nợ tiền sẽ không tránh khỏi. Lúc đó, các doanh nghiệp bán điện cho EVN sẽ phải đau đầu với bài toán, không bán điện thì một mình EVN không lo được đủ điện cho nền kinh tế hoạt động bình thường. Nhưng nếu bán điện mà EVN không có tiền trả thì lấy đâu tiền để trả lương người lao động và mua nhiên liệu để vận hành nhà máy, nhất là khi tình hình kinh tế chung có nhiều khó khăn, vay ngân hàng không dễ và lãi suất không thấp như hiện nay.

Về phía người tiêu dùng điện, nếu không có điện do EVN cung cấp thì có thể dùng máy nổ để phát điện nếu không chủ động được nguồn điện từ năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, phương án này cũng có những hệ lụy không nhỏ chứ không phải đơn giản ra mua xăng/dầu chạy máy phát điện. 

Theo tính toán công khai của các trang mua bán thiết bị, máy phát điện loại 2 kW mỗi giờ chạy đầy tải hết 1 lít xăng. Ở phía bên dùng điện, nếu dùng điều hòa 12.000 BTU sẽ hết 1,3 kW điện mỗi giờ.

Như vậy, mỗi giờ 1 điều hòa công suất 12.000 BTU cần khoảng 0,65 lít xăng. Nếu rơi vào thời điểm mùa nắng nóng phải hoạt động liên tục 24 giờ thì cần tới hơn 10 lít xăng.

Với giá xăng RON 95 hiện tại là hơn 23.000 đồng/lít, thì để chạy 1 điều hòa 12.000 BTU một ngày sẽ mất hơn 233.000 đồng tiền mua xăng, chưa kể đầu tư máy phát điện ban đầu và cũng chưa tính tới chỗ chứa xăng lẫn công sức tiếp xăng để máy phát điện hoạt động đều đặn.

Viễn cảnh có thể nhìn thấy nếu như mất điện vào những ngày nắng nóng là cửa hàng xăng sẽ có đông người xách can đến mua xăng để chạy máy phát điện.

Về tổng thể, chi phí xã hội sẽ tốn kém, bị đội lên rất nhiều khi ai cũng có quyền làm ra điện. Chưa kể khi các máy phát điện hoạt động thì sẽ phát thải ra lượng khí CO2 không hề nhỏ.

Thời điểm điều chỉnh

Giá bán lẻ điện bình quân (đồng/kWh)

Tỷ lệ điều chỉnh

Tháng 3/2009

948,5

8,92%

Tháng 3/2010

1.058

11,54%

Tháng 3/2011

1.242

17,39%

Tháng 12/2011

1.304

5%

Tháng 7/2012

1.369

5%

Tháng 12/2012

1.437

5%

Tháng 8/2013

1.509

5%

Tháng 3/2015

1.622

7,5%

Tháng 11/2017

1.721

6,08%

Tháng 3/2019

1.864

8,36%

Linh hoạt giá điện
"Chúng ta đang yêu cầu, điều hành ngành điện không theo nguyên tắc thị trường. Khi đầu vào là kinh tế thị trường, nhưng đầu ra, giá bán lại do...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư