Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
PV Oil gặp khó khi dịch bệnh quay trở lại
Vũ Lâm - 11/06/2021 08:28
 
Covid-19 diễn biến phức tạp đang khiến bức tranh tài chính của những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu như PV Oil trở nên u ám hơn.
Sau khởi đầu tích cực trong quý đầu năm, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp xăng dầu, trong đó có PV Oil, đang khó khăn hơn, đặc biệt là từ tháng 5/2021 đến nay. 

Kế hoạch thận trọng dù quý I/2021 lãi tốt

Kết thúc quý đầu năm 2021, Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PV Oil; mã chứng khoán: OIL - UPCoM) đã ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực, với lợi nhuận sau thuế đạt 190,6 tỷ đồng, đảo chiều so với mức lỗ 537,7 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, mặc dù doanh thu hợp nhất đạt 11.767,8 tỷ đồng, giảm 33,5% so với quý I/2020, nhưng doanh nghiệp hưởng lợi từ xu hướng tăng giá dầu thế giới (giá dầu Brent quý I/2021 tăng bình quân 51% so với cùng kỳ, từ 40,6 USD/thùng lên 61,5 USD/thùng), kéo theo đà tăng giá các sản phầm xăng dầu trong nước.

Diễn biến tích cực này đã giúp biên lợi nhuận gộp của PV Oil tăng từ 0,4% trong quý I/2020 lên 6,6% trong quý đầu năm 2021. Qua đó, giúp lợi nhuận gộp thu về đạt 778,9 tỷ đồng, gấp hơn 11 lần cùng kỳ năm 2020.

Chi phí lãi vay tiết giảm mạnh nhờ mặt bằng lãi suất và dư nợ vay cùng giảm, giúp lợi nhuận từ hoạt động tài chính đạt 56,8 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2020.

Dù lợi nhuận cải thiện, nhưng dòng tiền kinh doanh âm 1.492 tỷ đồng lại là điểm trừ trong bức tranh tài chính của Công ty trong quý đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu là do giá trị hàng tồn kho tăng từ 1.827,5 tỷ đồng lên 2.348,6 tỷ đồng và các khoản phải thu ngắn hạn tăng từ 4.096 tỷ đồng lên 7.071 tỷ đồng.

Nhu cầu vốn lưu động tăng là nguyên nhân chính khiến số dư tiền và tương đương tiền của Công ty giảm mạnh từ 3.533,6 tỷ đồng về 1.362,8 tỷ đồng. Trong khi đó, dư nợ vay ngắn hạn tăng 372 tỷ đồng, đưa dư nợ vay tăng lên 4.465,7 tỷ đồng đến cuối quý I/2021, tăng 9,1% so với đầu năm và hiện chiếm 18,9% cơ cấu nguồn vốn.

Tại đại hội đồng cổ đông thương niên 2021, PV Oil đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 55.750 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện trong năm 2020; lợi nhuận sau thuế 320 tỷ đồng (năm trước lỗ 166 tỷ đồng). Đây được xem là kế hoạch khá thận trọng của Ban lãnh đạo Công ty trên cơ sở dự báo giá dầu thô dao động ở mức 45 USD/thùng. Với kết quả kinh doanh quý I/2021, PV Oil đã hoàn thành 21% mục tiêu về doanh thu, nhưng đã đạt đến 60% mục tiêu về lợi nhuận đề ra.

Tình hình khó khăn hơn bởi dịch bệnh

Bên cạnh diễn biến giá dầu thuận lợi, bức tranh kinh doanh của PV Oil trong quý đầu năm cũng được đánh giá hưởng lợi nhờ nỗ lực thắt chặt kiểm soát việc buôn lậu xăng dầu trong cả nước, đặc biệt là tại khu vực miền Nam.

Tuy vậy, sau khởi đầu tích cực trong quý đầu năm, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp xăng dầu, trong đó có PV Oil, đang khó khăn hơn, đặc biệt là từ tháng 5/2021 đến nay. Lý do là, Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, khiến nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, làm giảm nhu cầu đi lại, giảm hoạt động vận chuyển hành khách và hàng hóa cũng như ảnh hưởng đến nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh khác, qua đó làm giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm xăng dầu.

Sau khởi đầu tích cực trong quý đầu năm, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp xăng dầu đang khó khăn hơn, đặc biệt là từ tháng 5/2021 đến nay.

Bên cạnh dịch bệnh, một rủi ro khác là nguy cơ đảo chiều của giá dầu thế giới. Nếu xu hướng giá dầu đảo chiều giảm kéo theo giảm giá bán sản phẩm xăng dầu trong nước sẽ là rủi ro lớn với hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp phân phối, bán lẻ xăng dầu khi quy định đảm bảo mức dự trữ xăng dầu tối thiểu 30 ngày, tương ứng độ trễ lớn giữa giá nhập và giá bán. Như vậy, kết quả kinh doanh của công ty đang lãi tốt cũng có thể giảm mạnh, thậm chí thua lỗ ngay sau đó, do biến động giảm của giá dầu thế giới.

Cũng cần lưu ý, nhiều ý kiến cho rằng, thị trường xăng dầu trong nước chưa hoàn toàn theo cơ chế thị trường, mà còn chịu ảnh hưởng bởi chính sách điều tiết nhằm thực hiện các mục tiêu vĩ mô của Nhà nước. Cơ chế điều hành giá theo chu kỳ 15 ngày cũng ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp trong giai đoạn giá dầu thế giới biến động mạnh.

Như chia sẻ tại buổi tiếp xúc nhà đầu tư trong quý I/2021, lãnh đạo PV Oil cho biết, trong kỳ điều hành ngày 10/2/2021, cơ quan quản lý không cho tăng giá bán lẻ, dẫn đến có thời điểm giá bán lẻ thấp hơn 1.500 - 1.700 đồng/lít đối với xăng, gần 1.400 đồng/lít đối với dầu, nên ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh của Công ty.

Trong bối cảnh đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu trong năm 2021, với dự kiến có những thay đổi như giảm mức yêu cầu dự trữ lưu thông, rút ngắn chu kỳ điền hành giá bán lẻ, điều chỉnh công thức tính giá cơ sở… nhằm đưa biến động giá xăng dầu trong nước gần hơn với giá thế giới, giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp, nhất là trong những giai đoạn giá dầu giảm.

Cổ phiếu thép, dầu khí dậy sóng, thanh khoản thị trường tiếp tục phá kỷ lục
Hơn 1,33 tỷ đơn vị cổ phiếu được chuyển nhượng trong phiên 4/6 với giá trị xấp xỉ 38.586 tỷ đồng. Thanh khoản trên ba sàn liên tục xô đổ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư