Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 31 tháng 10 năm 2024,
Quảng Bình: Thông hầm số 2 dự án cải tạo đường sắt Khe Nét
Ngọc Tân - 30/10/2024 11:33
 
Ngày 30/10, tại xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình, hầm số 2 dài 355 m thuộc gói thầu XL01, dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét đã chính thức được Liên danh Ilsung - Đèo Cả đào thông, vượt tiến độ 2 tháng.

Theo báo cáo từ Liên danh nhà thầu, đến nay, liên danh đã huy động 230 kỹ sư, công nhân, lái máy cùng với hơn 35 máy móc thiết bị chuyên dụng, tổ chức đồng loạt 4 mũi thi công trên 2 hầm. Khối lượng thi công hầm 1 đạt 130 md/580 md và hầm 2 hoàn thành 355 md/355 md. Sản lượng thi công đạt 120 tỷ đồng, vượt 9% tiến độ đề ra.

Đại diện Ban điều hành gói thầu cho biết, hai hầm đường sắt Khe Nét có tính đặc thù chạy men theo sườn núi, tầng phủ mỏng, địa chất hầm phức tạp, thay đổi liên tục, không theo thiết kế kỹ thuật ban đầu. Để khắc phục, Liên danh nhà thầu đã phối hợp với chủ đầu tư, tư vấn giám sát bám sát công trường và đưa ra các phương án gia cố phù hợp, đảm bảo an toàn, chất lượng theo địa chất thực tế.

Hầm số 2 của gói thầu được đào thông trước tiến độ
Hầm số 2 của gói thầu được đào thông trước tiến độ

Ngoài ra, Ban điều hành đã gặp phải một số khó khăn đến từ việc bàn giao mặt bằng chậm hơn so với kế hoạch ban đầu, cùng với những trở ngại trong việc thuê đất để làm đường công vụ và tìm kiếm vị trí bãi đổ thải phù hợp. Cụ thể, một số khu vực bãi đổ thải đã được quy hoạch nằm trên đất nông nghiệp, gây khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng do chưa nhận được đền bù từ phía chủ đầu tư.

Để đảm bảo tiến độ đề ra, Liên danh nhà thầu đã nỗ lực, chủ động đưa ra các giải pháp thi công, đẩy mạnh công tác đào tạo nội bộ để nâng cao năng suất lao động cho cán bộ kỹ sư, công nhân, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp”. Bên cạnh đó, liên danh thường xuyên giám sát địa chất để kịp thời điều chỉnh các biện pháp gia cố, đảm bảo an toàn và chất lượng công trình. Hiện các khó khăn đã cơ bản được xử lý. Mục tiêu đào thông hầm 1 trước tháng 4/2025, thi công đổ bê tông vỏ và hoàn thiện hầm 1 trước 11/2025 và hầm 2 trước tháng 9/2025.

Ông Nguyễn Duy Sông, Giám đốc Ban điều hành gói thầu XL1 cho biết, lễ thông hầm hôm nay là dấu mốc quan trọng, thuận tiện hơn cho việc vận chuyển nhiên liệu, hàng hoá, nhân lực thi công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Ông Sông cho biết thêm, Hầm đường sắt Khe Nét được áp dụng công nghệ NATM trong thi công. Công nghệ này đã được Đèo Cả làm chủ và cải tiến, áp dụng tại nhiều dự án hầm đường bộ mà Đèo Cả đã và đang thực hiện.

Được biết, gói thầu XL01 thuộc Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, thi công xây dựng 2 hầm đường sắt với tổng chiều dài 935 m, thời gian thực hiện 23 tháng do liên danh Công ty Ilsung - Tập đoàn Đèo Cả thực hiện. Trong đó, hầm 1 dài 580 m, hầm 2 dài 355m. Đây là gói thầu quan trọng của dự án, được thực hiện bằng nguồn vốn ODA, nằm trên địa phận xã Hương Hoá và Kim Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình.

Khi hoàn thành, dự án không chỉ góp phần giảm tải giao thông, nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa và hành khách mà còn tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, giúp tăng cường sự kết nối giữa các vùng miền, đóng góp tích cực vào mạng lưới giao thông quốc gia.

Công nghệ NATM là công nghệ khoan hầm của Áo với phương pháp khoan hầm theo quy trình khoan, nạp, nổ mìn, bốc xúc. Trong đó, căn cứ vào địa chất mà có thể áp dụng phương pháp thi công đào toàn gương hoặc đào từng phần. Đào toàn gương được sử dụng cho khu vực có địa chất ổn định, còn đào từng phần thì sử dụng cho các khu vực có địa chất không ổn định.

Đối với công nghệ NATM, cốt lõi của công nghệ này đó là “đào đến đâu, gia công đến đấy” để tự tạo sự cân bằng, sự ổn định kết cấu hầm. Trong đó gia công hầm bằng vòm thép sau đó phun bê tông đông kết để tạo sự ổn định địa chất cho hầm ngay sau khi khoan. Đồng thời, các kỹ sư sẽ tiến hành kiểm tra, quan trắc sự biến dạng và hội tụ của địa chất hầm để kiểm chứng cho sự hợp lý nhằm đưa ra giải pháp khoan.

Công nghệ này hướng đến sự đảm bảo môi trường an toàn cho công tác thi công của người lao động, đồng thời tạo thuận lợi trong công tác vận hành hầm sau này. Để vận hành công nghệ này, công trường đòi hỏi phải có đầy đủ các máy khoan, máy phun bê tông và hệ thống máy xúc, máy đào, ô tô vận chuyển vật liệu.
Đầu tư 2.010 tỷ đồng cải tạo đường sắt Bắc – Nam đoạn qua đèo Khe Nét
Tuyến đường sắt Hà Nội - Tp.HCM, đoạn qua khu vực đèo Khe Nét sẽ được đầu tư, nâng cấp bằng nguồn vốn ODA từ Quỹ EDCF của Chính phủ Hàn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư