Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Quảng Nam từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông
Hoàn Nhân - 03/03/2024 11:39
 
Quảng Nam là tỉnh có đầy đủ các loại hình giao thông và đang từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại, tạo ra sự kết nối đồng bộ với các địa phương lân cận và khu vực.
Tỉnh Quảng Nam đã và đang chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông.

Theo quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh phát triển hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại phù hợp với định hướng quy hoạch quốc gia; bảo đảm kết nối nội vùng và liên vùng theo các trục hành lang kinh tế ven biển, hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối đồng bộ với cả nước và liên thông quốc tế. Lấy các đầu mối giao thông cảng hàng không Chu Lai, cảng biển Quảng Nam, cửa khẩu quốc tế Nam Giang làm trọng điểm; sớm khắc phục yếu kém của các trục quốc lộ kết nối Đông – Tây như 14D, 14B, 14E, 40B, 14G và hoàn thiện các trục kết nối Bắc – Nam.

Tỉnh Quảng Nam sẽ hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ bao gồm 3 tuyến cao tốc. Cụ thể, tuyến Cao tốc Bắc - Nam; tuyến cao tốc Đà Nẵng – Cửa khẩu Bờ Y; cao tốc Quảng Nam – Quảng Ngãi. Đầu tư, nâng cấp 10 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài qua địa bàn tỉnh khoảng 968,329 km, tăng 92 km, gồm có quốc lộ 1, quốc lộ 14B, quốc lộ 14D, quốc lộ 14E, quốc lộ 14G, quốc lộ 14H, quốc lộ 24C, quốc lộ 40B, đường Đông Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh (QL.14).

Trong đó, Quảng Nam ưu tiên đầu tư nâng cấp, mở rộng và phát triển thêm các trục giao thông theo các hướng vận tải hàng hóa có khối lượng lớn trên trục hành lang kết nối Đông – Tây, gắn với với các trục đường Bắc - Nam để hình thành mạng lưới giao thông trọng yếu liên kết vùng từ đồng bằng đến miền núi, kết nối thông suốt giữa Khu kinh tế mở Chu lai với Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Nam Giang và khu vực Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, sẽ nạo vét tuyến luồng mới Cửa Lở kết nối vào các khu bến Tam Hiệp, Tam Hòa, Kỳ Hà,... đảm bảo tiếp nhận tàu có tải trọng đến 50.000 tấn, trở thành cảng biển loại I, gắn với Khu phi thuế quan, cảng hàng không; hình thành trung tâm logistics. Xây dựng cảng biển Quảng Nam trở thành trung tâm cảng biển - dịch vụ logistic container của miền Trung - Tây nguyên, là đầu mối hàng hoá quan trọng của hành lang Đông - Tây 2.

Phát triển 3 cụm cảng hàng hóa 2 cụm trên tuyến sông Thu Bồn, Vu Gia và sông Trường Giang, công suất mỗi cụm 500.000 tấn/năm tiếp nhận tàu đến 400 tấn. Nâng cấp 05 cảng hàng khách phục vụ khách du lịch tại Hội An, Cù Lao Chàm công suất 150.000 hành khách/năm/cảng, tại An Hòa công suất 50.000 hành khách/năm; Lựa chọn vị trí phù hợp xây dựng tối thiểu 2 cảng khách trên sông Thu Bồn, Trường Giang công suất khoảng 150.000 hành khách/năm.

Đồng thời, Quảng Nam sẽ phát triển hệ thống ga đường sắt phù hợp, gắn với 3 tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh theo quy hoạch đường sắt quốc gia, tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu, tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam và tuyến đường sắt Đà Nẵng – Tây Nguyên sau năm 2030.

Đầu tư 2 tuyến đường sắt đô thị: Tuyến từ Cảng hàng không Chu Lai (Núi Thành) - Tam Kỳ - Hội An - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng (Hải Châu); tuyến từ Hội An (Quảng Nam) – Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng).

Về đường hàng không tỉnh Quảng Nam kêu gọi đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Chu Lai đáp ứng tiêu chí cảng hàng không quốc tế của Vùng đạt cấp 4F, là trung tâm Công nghiệp – dịch vụ hàng không quốc tế với các hoạt động vận tải hành khách, hàng hoá; sửa chữa bảo dưỡng các loại máy bay, thiết bị bay; gắn kết với khu phi thuế quan hình thành trung tâm sản xuất, chế tác, gia công các sản phẩm công nghệ cao, giá trị cao xuất nhập khẩu đường hàng không.

Liên quan đến việc đầu tư cảng hàng không quốc tế Chu Lai, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, hiện nay, đề án xã hội hóa đầu tư sân bay Chu Lai đã được tỉnh Quảng Nam trình lên Bộ Giao thông Vận tải. Sau khi có cơ chế về đầu tư phát triển hệ thống sân bay toàn quốc, sân bay Chu Lai sẽ được đầu tư phù hợp.

Chủ tịch tỉnh Quảng Nam: Quyết tâm hiện thực sớm Quy hoạch tỉnh
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - ông Lê Trí Thanh khẳng định, Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư