Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Quảng Ngãi “hỏa tốc” xử lý tình trạng khan hiếm cát làm vật liệu xây dựng
Linh Đan - 18/04/2023 08:31
 
Quảng Ngãi yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giải pháp xử lý vấn đề khan hiếm cát làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Khai thác cát trên sông Trà Khúc, Quảng Ngãi.
Các tàu hút cát hoạt động trên sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: P.V

Ngày 17/4, ông Trần Phước Hiền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ký văn bản “hỏa tốc” truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giải pháp xử lý vấn đề khan hiếm cát làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, nhằm giải quyết nhu cầu cát xây dựng của các chủ đầu tư và hộ gia đình, cá nhân, kịp thời đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư; đồng thời tham mưu UBND tỉnh các nội dung về vấn đề này theo thẩm quyền. Thời gian hoàn thành trước ngày 21/4/2023.  

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các chủ đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị liên quan khẩn trương tham chiếu các quy định của pháp luật để hướng dẫn cụ thể việc sử dụng đá bụi cho công tác xử lý nền móng các công trình xây dựng và các vấn đề liên quan khác nhằm kịp thời giải quyết tình trạng khan hiếm cát làm vật liệu xây dựng hiện nay. Kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25/4/2023.

Trước đó, ngày 14/4/2023, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi đã báo cáo UBND tỉnh về vấn đề khan hiếm và nhu cầu làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh này. Theo đó, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, theo báo cáo của 9 đơn vị, thì nhu cầu cát từ nay đến 30/6/2023 là khoảng 1.209.516 m3.

Từ nay đến 30/6/2023 là thời điểm thuận lợi về thời tiết, các chủ đầu tư và nhà thầu đang gấp rút thi công để đẩy nhanh tiến độ, kịp thời giải ngân vốn đầu tư công.

Tuy nhiên, theo báo cáo của một số địa phương, ngoài nhu cầu cát phục vụ vốn đầu tư công thì nhu cầu cát phục vụ xây dựng nhà ở của người dân cũng khá lớn, nhưng hiện nay không có nguồn cát hợp pháp để mua phục vụ thi công các dự án và nhà ở của người dân, làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai thực hiện các dự án và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công chung cho toàn tỉnh; đồng thời đề nghị phải đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ, thủ tục cấp phép khai thác các mỏ cát đã trúng đấu giá trong thời gian qua, đưa mỏ vào hoạt động khai thác để kịp thời đáp ứng nhu cầu cho xây dựng.

Theo báo cáo về tình hình khan hiếm và nhu cầu cát làm vật liệu xây dựng đến 30/6/2023 của 3 Ban quản lý (Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi) và các địa phương, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi nhận thấy khó có thể đáp ứng đủ nhu cầu về khối lượng cát nêu trên để phục vụ cho xây dựng các công trình sử dụng vốn đầu tư công, trong khi các đơn vị trúng đấu giá mỏ cát vẫn chậm lập các thủ tục để cấp phép khai thác.

“Qua rà soát thì tại các mỏ đá đang hoạt động tồn tại một lượng lớn đá bụi chưa được giải phóng, có thể ảnh hưởng đến môi trường, lượng đá bụi này có khả năng thay thế cát sông để xử lý nền móng các công trình”, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi báo cáo.

Do vậy, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư phối hợp với đơn vị tư vấn và nhà thầu thi công nghiên cứu, sử dụng nguồn đá bụi tại các mỏ đá để xử lý nền móng công trình (nếu đảm bảo kỹ thuật), để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cát sông đang khan hiếm như hiện nay, giảm ảnh hưởng đến môi trường tại các bãi chứa đá bụi ở mỏ đá, hạn chế tình trạng ép giá ở một số mỏ cát; phải ưu tiên sử dụng cát sông đạt tiêu chuẩn để phục vụ công tác bê tông, xây, trác.

Lâm Đồng: 4 doanh nghiệp được yêu cầu tạm dừng khai thác cát xây dựng
Công ty Khánh Luân Gia, Sơn Phú Hưng Lâm Đồng, Nam Hoàng Thịnh và Tuấn Vượng 68 phải tạm dừng khai thác cát để thanh tra, kiểm tra.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư