Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Quảng Ninh đảm bảo an ninh nguồn nước cho phát triển bền vững
Hạ An - 29/10/2023 17:26
 
Nguồn nước đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong phát triển bền vững của một địa phương, một quốc gia, nên Quảng Ninh đã chủ động ứng phó trước những nguy cơ gây mất an ninh nguồn nước.

Quawaco thi công lắp đặt đường ống trục chính để đưa nước về các khu vực chưa có nước sạch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Quawaco thi công lắp đặt đường ống trục chính để đưa nước về các khu vực chưa có nước sạch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Khai thác, sử dụng hiệu quả  nguồn nước

Theo Liên hợp quốc, năm 2020, có hơn 2 tỷ người trên thế giới sinh sống trong điều kiện không đủ nước uống trong nhà; 771 triệu người phải di chuyển quãng đường ít nhất 30 phút xa nhà để có nguồn nước sạch; hơn 100 triệu người đang sử dụng nguồn nước uống trực tiếp chưa qua xử lý, chất lượng không bảo đảm.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) nhận định, mọi hoạt động của con người đều sử dụng đến nước. Trung bình một ngày mỗi người cần uống 2-4 lít nước; để làm ra số lương thực cần dùng cho mỗi con người trong một ngày phải mất 2.000-5.000 lít nước. Cũng vì lý do đó, chủ đề của Ngày Lương thực thế giới (16/10) năm nay là về vai trò của nước trong cuộc sống.

Trên thực tế, nhiều nơi trên thế giới đang đối mặt tình trạng khô hạn ở mức nghiêm trọng, đe dọa làm xáo trộn các hoạt động kinh tế và ảnh hưởng cuộc sống mưu sinh của người dân. Báo cáo của Viện Tài nguyên thế giới (WRI) cho thấy, hiện khoảng 50% dân số toàn cầu đối mặt tình trạng thiếu nước và tình hình này sẽ ngày càng trầm trọng do biến đổi khí hậu.

Vấn đề an ninh nguồn nước không chỉ là thách thức của riêng Việt Nam, mà là câu chuyện thế giới đã, đang và sẽ phải đối mặt. Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 36-KL/TW ngày 23/6/2022, khẳng định mối quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước.

Riêng tại Quảng Ninh, ngày 6/4/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 888/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án). Nhiều giải pháp trọng tâm khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được tỉnh hoạch định triển khai trong từng giai đoạn.

Mục tiêu trọng tâm Đề án đặt ra là bảo đảm số lượng, chất lượng nước cấp cho sinh hoạt trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất và các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đảm bảo lợi ích quốc gia, quốc phòng - an ninh.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 30 sông, suối dài hơn 10 km. Trong đó có 4 con sông lớn là Đá Bạc (đoạn hạ lưu của hệ thống sông Thái Bình), Ka Long, Tiên Yên và sông Ba Chẽ. Mặc dù tổng lượng nước mặt của Quảng Ninh trung bình vào khoảng 8.146 triệu m3/năm, nhưng do đặc điểm địa hình chia cắt làm mất cân đối nguồn nước theo mùa và khu vực, gây khó khăn trong việc đáp ứng nước cho các mục tiêu phát triển.

“Không những vậy, tình trạng khai thác nước ngầm quá mức có thể dẫn đến nguy cơ cạn kiệt; thảm phủ rừng - nhân tố giữ vai trò quan trọng trong việc tạo nguồn sinh thủy tự nhiên đang đối mặt với tình trạng suy giảm, dẫn đến mất tầng trữ nước bề mặt, xói mòn đất làm tăng nguy cơ lũ lụt...”, ông Trần Mạnh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nước sạch Quảng Ninh (Quawaco) chia sẻ.

Quảng Ninh hiện có 176 đập, hồ chứa thủy lợi đang hoạt động, tổng dung tích thiết kế 359 triệu m3, năng lực thiết kế tưới 33.102 ha, cấp nước sinh hoạt, công nghiệp 36,3 triệu m3, cấp nước cho nuôi trồng thủy sản khoảng 2.000 ha. Trong bối cảnh áp lực từ gia tăng dân số, phát triển kinh tế, dẫn đến tăng nhu cầu sử dụng nước, nguồn nước bị ô nhiễm sẽ đe dọa nghiêm trọng an ninh nguồn nước của Quảng Ninh.

“Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, với tốc độ tăng trưởng như những năm qua, dự kiến vào năm 2025, Quảng Ninh sẽ thiếu trên 1 triệu m3 nước; đến năm 2030 thiếu trên 2,6 triệu m3 nước”, ông Mạnh cho biết.

Quawaco thi công lắp đặt đường ống trục chính để đưa nước về các khu vực chưa có nước sạch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Quawaco thi công lắp đặt đường ống trục chính để đưa nước về các khu vực chưa có nước sạch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Ngành nước chủ động

Từ mục tiêu đảm bảo an ninh nguồn nước, với Đề án mới được phê duyệt, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch huy động mọi nguồn lực, tạo dòng vốn khoảng 4.353 tỷ đồng để thực hiện các chương trình, công trình đảm bảo an ninh nguồn nước của tỉnh. Trong đó, đến năm 2025 sẽ sửa chữa, nâng cấp 39 hồ chứa, 36 đập dâng, 6 trạm bơm, cải tạo hệ thống kênh mương, đường ống dẫn nước đảm bảo đồng bộ, phù hợp với kết cấu hạ tầng kỹ thuật trên khu vực. Giai đoạn 2026-2030 sửa chữa, nâng cấp 25 hồ chứa, 20 đập dâng, 47 trạm bơm.

“Các công trình này được triển khai sớm ngày nào sẽ tránh thất thoát lượng nước mặt ngày ấy. Đây là nơi sẽ trữ, chứa phần lớn nguồn nước mặt, thay vì lượng nước vào mùa mưa đổ về các sông suối và ra cửa biển, hòa lẫn với nguồn nước mặn, không thể sử dụng để phục vụ sản xuất hoặc sinh hoạt”, ông Mạnh cho biết.

Để thực hiện Đề án này, ngành nước của Quảng Ninh, mà ở đây là Quawaco đã có kế hoạch triển khai cụ thể. Hiện Quawaco được UBND tỉnh giao nhiệm vụ cấp nước cho 11/13 đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh (trừ huyện Bình Liêu, Cô Tô). Cung cấp nước sạch cho khoảng 1 triệu dân và gần 2.400 tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp. Tỷ lệ độ phủ mạng lưới cấp nước tại khu vực đô thị của Công ty hiện là 96,21%, tại khu vực nông thôn là 54,74%. Để đảm bảo việc cấp nước, Công ty đã thực hiện và đánh giá các nguy cơ rủi ro cho toàn bộ 43 nhà máy, khu xử lý, khai thác nước của toàn công ty với tổng công suất thiết kế là 238.000 m3/ngày đêm, đạt tỷ lệ 100%.

Năng lực cấp nước hiện là 238.000 m3/ngày đêm, trong đó có 25 nhà máy xử lý nước mặt (214.250 m3/ngày đêm) và 18 giếng ngầm (23.750 m3/ngày đêm). Về mạng lưới cấp nước, hiện nay công ty quản lý trên 3.337 km đường ống các loại từ ống cấp 1 đến cấp 3 (D40-D900).

Sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng của Quảng Ninh tỷ lệ thuận với sự gia tăng nhu cầu sử dụng nước phục vụ sinh hoạt, du lịch, công nghiệp, dịch vụ… Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do chịu tác động của biến đổi khí hậu, các hoạt động kinh tế diễn ra nhanh (khai thác khoáng sản, sản xuất công nghiệp…), ý thức bảo vệ nguồn nước của người dân chưa cao đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước mặt. Công tác khai thác nguồn nước thô để phục vụ sản xuất tại các nhà máy của Quawaco cũng trở nên khó khăn hơn.

Do đó, Quawaco rất chú trọng công tác kiểm soát, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng nguồn nước. Công ty định kỳ kiểm tra, rà soát từ khu vực thu nước đến thượng nguồn, xác định các nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước; kiểm tra chất lượng nước tại các hồ chứa, sông, suối chảy vào hồ chứa. Thực hiện kiểm tra các nhà máy, khu công nghiệp có nguồn nước thải có nguy cơ gây ô nhiễm cao; phối hợp với các cơ quan có liên quan để bảo vệ, xử lý kịp thời các trường hợp gây ô nhiễm, đảm bảo chất lượng nguồn nước cung cấp theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt và nước ngầm.

Đồng thời, Công ty cũng đang nghiên cứu một số hồ chứa nước làm nguồn nước bổ sung, nguồn nước dự phòng cho các nhà máy, khu xử lý nước sử dụng trong giai đoạn khô hạn trong tương lai. Điều này là nhằm ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu ngày càng có những diễn biến xấu, cực đoan, tránh tình trạng khô hạn tại các hồ đập như năm 2020 đã từng xảy ra tại Quảng Ninh.

“Để đảm bảo được chất lượng nguồn nước thô chất lượng cho hoạt động sản xuất, chúng tôi phải phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý hồ, đập trong công tác vận hành, khai thác các nguồn nước, công tác kiểm soát chất lượng nước và bảo vệ nguồn nước các hồ đập”, ông Mạnh cho biết.

Hơn nữa, để góp phần nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch theo lộ trình mà Đề án đã đặt ra, Quawaco đang triển khai đầu tư mở rộng, phát triển mạng lưới, nâng cao độ phủ cấp nước. Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch đạt 95-98%, đến năm 2030 tiệm cận 100%, nhằm tạo cơ hội cho người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn về nguồn nước có cơ hội sử dụng nước sạch. Từ đó sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe để nhân dân yên tâm bám biển, góp phần xây dựng chiến lược quốc phòng an ninh.

Công ty vẫn đang thực hiện thay thế theo lộ trình hàng năm các tuyến ống đã xuống cấp, đặc biệt là các tuyến ống kẽm, ống thép tráng kẽm, ống gang cũ nhằm đảm bảo chất lượng nước cấp đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Việc cập nhật các công nghệ xử lý nước hiện đại, tiết kiệm hóa chất với chất lượng đầu ra tốt hơn; tăng cường nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ứng dụng trong cấp nước sinh hoạt… Mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng nguồn nước và giảm tỷ lệ thất thoát nước xuống mức tối đa (đến năm 2025, tỷ lệ này của toàn công ty là 10,5%).

Xét xử vụ “thông thầu” tại Sở Y tế Quảng Ninh liên quan Công ty AIC
Có 16 bị cáo bị đưa ra xét xử sơ thẩm, trước cáo buộc gây thất thoát hơn 50 tỷ đồng; trong đó Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 3 bị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư