Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 31 tháng 10 năm 2024,
Quảng Ninh thúc đẩy tăng trưởng xanh vì sự phát triển bền vững
Quỳnh Nguyễn - 30/10/2024 14:22
 
Trong quá trình phát triển, Quảng Ninh thể hiện rõ quyết tâm “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng nóng”, phát triển luôn gắn liền giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường.
Quảng Ninh luôn coi trọng phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Sử dụng  phao nhựa HDPE thân thiện với môi trường để thay thế phao xốp (Ảnh: Thanh Tùng)
Quảng Ninh luôn coi trọng phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Sử dụng phao nhựa HDPE thân thiện với môi trường để thay thế phao xốp (Ảnh: Thanh Tùng)

Từng bước “xanh hóa”

Quảng Ninh được thiên nhiên ưu ái ban tặng nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú. Công nghiệp khai khoáng được coi là lĩnh vực thế mạnh truyền thống của Quảng Ninh trong nhiều thập kỷ. Bên cạnh đó, cảnh quan thiên nhiên của Quảng Ninh cũng mang những giá trị đặc sắc nổi trội, tiêu biểu là vịnh Hạ Long 3 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên và Di sản về địa chất của thế giới.

Trong quá trình phát triển, Quảng Ninh đã nhận ra, việc tận dụng, khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế sẽ tạo ra áp lực lớn đối với môi trường sinh thái. Năm 2011, tỉnh bắt đầu xây dựng và thực hiện lộ trình “xanh hóa”, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”.

Nhờ nhận diện rõ những thách thức từ sớm, cùng với quyết tâm đổi mới, đột phá, sau hơn 10 năm nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, Quảng Ninh thể hiện rõ quyết tâm “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng nóng”, phát triển luôn gắn liền giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường.

Quảng Ninh đã ban hành nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội xanh, bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường.

Năm 2023, Quảng Ninh có Chỉ số Xanh cấp tỉnh cao nhất cả nước với tổng điểm của 4 chỉ số thành phần là 26 điểm. Trong đó, chỉ số giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đạt 7,41 điểm; chỉ số đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu đạt 6,18 điểm; chỉ số vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh đạt 6,68 điểm; chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường đạt 5,73 điểm. Đáng chú ý, 4/4 chỉ số thành phần đều tăng điểm so với năm 2022.

Vì sự phát triển bền vững

Quảng Ninh đang chuyển đổi từ quy hoạch phát triển khu công nghiệp truyền thống sang phát triển “hệ sinh thái công nghiệp” với yêu cầu gắn giữa công nghiệp hóa với dịch vụ hóa và đô thị hóa; giữa công nghiệp hóa với bảo vệ môi trường theo nguyên lý kinh tế tuần hoàn; giữa công nghiệp hóa, đô thị hóa với nâng cao chất lượng sống của người dân.

Địa phương đã chủ trương tập trung thu hút dự án vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để hình thành hệ sinh thái trên cơ sở thuận lợi về khoảng cách địa lý; tập trung xúc tiến đầu tư đối với các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới có khả năng kéo theo nhiều doanh nghiệp sản xuất vệ tinh, tạo thành chuỗi giá trị toàn cầu.

Đối với lĩnh vực du lịch, tỉnh đã đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch cũng như đa dạng hóa các sản phẩm du lịch một cách đồng bộ, hiện đại, hấp dẫn để tạo ra những bước phát triển đột phá mang bản sắc riêng. Có thể kể đến các công trình như Bảo tàng - Thư viện tỉnh, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh, Công viên hoa Hạ Long... Cùng với đó, tỉnh còn thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược có uy tín, có thương hiệu, có tiềm lực kinh tế lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ, như Sun Group, Vingroup..., với nhiều sản phẩm du lịch đẳng cấp quốc tế, giúp nâng tầm du lịch Quảng Ninh.

Song song với việc phát triển kinh tế, Quảng Ninh đã và đang làm tốt công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tỉnh rất quyết liệt trong việc di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, huy động các nguồn lực đầu tư cho thu gom, xử lý rác thải bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Được áp dụng công nghệ hiện đại, đốt rác triệt để, Nhà máy rác Khe Giang là đơn vị duy nhất xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại thị xã Quảng Yên, TP. Uông Bí, phía Tây TP. Hạ Long và thị xã Đông Triều, giúp các địa phương đảm bảo vệ sinh môi trường.

Quảng Ninh đang khuyến khích các doanh nghiệp tham gia mô hình kinh tế tuần hoàn góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, đồng thời giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ chấm dứt khai thác, đóng cửa toàn bộ mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường để hoàn nguyên môi trường.

Trong nuôi trồng thủy sản, Quảng Ninh cơ bản hoàn thành mục tiêu thay thế phao xốp bằng phao nhựa HDPE thân thiện với môi trường. Các chuẩn kỹ thuật liên quan đến hoạt động nuôi trồng thủy sản lồng, bè, giàn có sử dụng phao nổi cũng đã được ban hành.

Việc triển khai đồng bộ các giải pháp đã và đang giúp Quảng Ninh có bước chuyển mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế hướng tới mô hình tăng trưởng xanh, bền vững. Qua đó, giúp Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về các chỉ tiêu bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế theo mô hình tăng trưởng xanh.

Quảng Trị thiết kế Dự án phát triển đô thị ven biển hướng đến tăng trưởng xanh, vốn 1.153 tỷ đồng
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến vừa chủ trì buổi làm việc liên quan đến phương án thiết kế dự án Phát triển đô thị ven biển...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư