Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Quốc hội nóng với thu hồi tài sản tham nhũng
Mạnh Bôn - 25/05/2018 09:38
 
Từ thực tế tham nhũng vẫn diễn biến hết sức phức tạp, ông Nguyễn Ngọc Phương, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, chủ đề phòng, chống tham nhũng sẽ rất nóng khi Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội vào hôm nay và ngày mai (25 và 26/5/2018).

Hàng loạt biệt phủ của các quan chức bị “lộ sáng” thời gian gần đây cho thấy, tham nhũng diễn biến khá phức tạp. Sau 12 năm triển khai Luật Phòng, chống tham nhũng, vì sao quốc nạn tham nhũng vẫn chưa giảm?

Tham nhũng chỉ có thể phát sinh khi hành lang pháp lý để quản lý tài sản nhà nước, tài sản xã hội chưa chặt chẽ, chưa bịt hết lỗ hổng. Việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn không rõ ràng, thiếu minh bạch, trong khi thanh, kiểm tra, giám sát, kiểm soát chưa phù hợp với thực tế. Và việc thu hồi tài sản do tham nhũng mà có của các vụ án bị khởi tố rất ít. 

.
Ông Nguyễn Ngọc Phương, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Hành lang pháp lý lỏng lẻo tạo điều kiện cho người có chức vụ, quyền hạn có cơ hội chiếm đoạt tài sản công. Nhiều người có chức, có quyền giàu lên bất thường, xây villa, biệt phủ hàng chục tỷ đồng bất chấp dư luận vì hàng năm họ đã công khai tài sản, thu nhập và không cơ quan nào phát hiện ra số tài sản hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đồng của họ. Đó là do chế tài quản lý tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn chưa phù hợp với thực tế. Và nếu không may bị phát hiện tham nhũng, bị truy tố trước pháp luật, số tài sản bất minh bị thu hồi rất ít, nên nhiều người sẵn sàng tham nhũng.

Hàng loạt vụ án tham nhũng bị truy tố, nhưng tài sản tham nhũng được thu hồi lại rất ít. Vấn đề này chắc chắn được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội trong kỳ họp Quốc hội này?

Tôi nghĩ đây là một trong những nội dung nóng tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp Quốc hội này vì Quốc hội tiếp tục thảo luận Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi. Quan điểm của Quốc hội là phải thu hồi toàn bộ tài sản do tham nhũng mà có. Vì vậy, có nhiều ý kiến đề nghị, với đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập mà kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý, sẽ thu hồi 45% số tài sản chênh lệch giữa kê khai và thực tế thông qua thuế thu nhập cá nhân hoặc sử phạt vi phạm hành chính.

Có nhiều ý kiến khác nhau về đề xuất này, nhưng tôi đồng tình quan điểm thu hồi ít nhất 45% số tài sản tăng thêm, thu nhập tăng thêm mà đối tượng có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý. Điều này không đồng nghĩa với việc Nhà nước hợp lý hóa số tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được còn lại. 

Trong trường hợp người kê khai không trung thực có liên quan đến vụ án hình sự, sẽ bị tịch thu toàn bộ tài sản còn lại, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm không giải trình một cách hợp lý có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội.

Đối tượng tham nhũng lách việc phải nộp lại tài sản tăng thêm, thu nhập tăng thêm không chứng minh được bằng cách để bố mẹ, vợ chồng, con cái đứng tên sở hữu, thưa ông?

Chính vì vậy, bên cạnh các đối tượng kê khai theo Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành, cần phải mở rộng kê khai tài sản lần đầu đối với mọi cán bộ, công chức bắt đầu được tuyển dụng. Ngoài ra, mọi đối tượng phải kê khai tài sản, ngoài kê khai tài sản của bản thân, còn phải kê khai tài sản của vợ, chồng, con chưa thành niên. Nếu khối tài sản của vợ, chồng, con chưa thành niên tăng lên bất thường mà không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp, cũng sẽ bị xử lý bằng hình thức thu hồi một phần.

Nhiều người cho rằng, phương án thu hồi một phần tài sản tăng thêm không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp không khả thi, vì tài sản của cá nhân hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có việc họ tham gia đầu tư, kinh doanh, hoặc được cho, tặng, thừa kế chẳng hạn. Tôi cho rằng, việc thu hồi hoàn toàn khả thi, vì nếu đầu tư, kinh doanh, thì phải có hóa đơn, chứng từ và phải nộp thuế thu nhập cá nhân. 

Kể cả khai trúng Vietlott, cho dù lúc nhận giải thưởng có đeo mặt lạ thì vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân, cơ quan thuế có đầy đủ về số thuế đã nộp. Nếu kê khai số tài sản tăng thêm là do được cho, tặng, thừa kế trong khi người cho, tặng, thừa kế lại không có tài sản, thu nhập cũng ở mức bình thường, thì nguồn gốc tài sản không minh bạch.

Nếu mở rộng đối tượng kê khai tới tận cán bộ, công chức mới được tuyển dụng, sẽ dẫn tới quá tải trong việc quản lý kê khai tài sản, thu nhập?

Cán bộ, công chức mới được tuyển dụng cũng như hầu hết các đối tượng đang phải kê khai hằng năm chỉ phải kê khai lần đầu và kê khai bổ sung khi có tài sản mới hoặc thu nhập phát sinh trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên. Khi kê khai bổ sung, người có nghĩa vụ kê khai phải chứng minh tài sản tăng thêm, thu nhập tăng thêm có nguồn gốc hợp pháp. 

Theo tôi, tới đây, chỉ có người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên; cán bộ, công chức làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính, tài sản công hoặc trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, cá nhân mới cần kê khai tài sản hằng năm. Ngoài ra, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải kê khai tài sản, thu nhập khi ra ứng cử; đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản lần đầu hoặc hằng năm phải kê khai lại khi được bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, được cử giữ chức vụ khác. 

Với việc vừa mở rộng đối tượng kê khai, vừa thu hẹp đối tượng kê khai hằng năm, nên số lượng người phải kê khai tài sản hằng năm không quá nhiều và chỉ tập trung vào những vị trí có nguy cơ tham nhũng cao, nên việc quản lý, giám sát tài sản của đối tượng phải kê khai hiệu quả hơn, tránh việc kê khai hình thức như hiện nay.

Khi tham nhũng ẩn trong những bộ mặt khó lường
Tham nhũng - một trong những “nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ” vẫn đang diễn biến rất phức tạp và gây nhức nhối. Bởi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư