Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Quốc tế hóa giáo dục tập trung vào 6 nội dung ưu tiên
Hải Hà - 02/08/2019 17:06
 
Quốc tế hóa giáo dục sẽ giúp các trường đại học cải thiện được thứ hạng và nâng chuẩn đào tạo theo hướng toàn cầu. Trong đó, 6 nội dung ưu tiên đã được đưa ra bàn luận tại hội thảo “Quốc tế hóa giáo dục đại học - Xây dựng đại học ưu tú” diễn ra mới đây tại Hà Nội.
.
Quốc tế hóa giáo dục là nhân tố quan trọng giúp các trường đại học Việt Nam tồn tại và phát triển.

Tại hội thảo này, các trường đại học của Úc đã bày tỏ kỳ vọng có thể đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học của Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh, các trường đại học của Việt Nam là đối tác ưu tiên hàng đầu trong hợp tác với các trường của Úc. 

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện rất coi trọng vấn đề hợp tác quốc tế. Thông qua nhiều đề án, chiến lược giáo dục, nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy hợp tác quốc tế đã ra đời.

“Với khung trình độ Quốc gia phù hợp với 70% khung trình độ các nước thế giới, cùng Luật giáo dục Đại học sửa đổi năm 2018 với nội dung trọng tâm tạo điều kiện các cơ sở giáo dục nước ngoài được thành lập phân hiệu tại Việt Nam, hay Nghị định 86 với nội dung mở như cho phép các trường đại học Việt Nam liên kết đào tạo trực tuyến với các trường nước ngoài và tạo nhiều điều kiện đơn giản hóa thủ tục đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, đã tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường quốc tế hóa giáo dục. Đây cũng là nhân tố quan trọng đảm bảo cho các trường của Việt Nam tồn tại và phát triển”, ông Hưng nói.

Theo ông Hưng, quốc tế hóa giáo dục sẽ giúp các trường trong nước có thể nâng cao chất lượng theo hướng đào tạo công dân toàn cầu, từ đó thu hút người học quốc tế đến Việt Nam, thu hút được nhiều nhân tài tới Việt Nam giảng dạy, đồng thời giúp nâng thứ hạng các trường đại học của Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu này, quá trình quốc tế hóa cần đảm bảo thực hiện 6 nội dung, trong đó tập trung ưu tiên nâng cao quản trị đại học, tăng cường liên kết đào tạo, đảm bảo chất lượng, thúc đẩy gắn kết nhà trường với doanh nghiệp, nghiên cứu khoa học chuyển biến mạnh và giúp việc dịch chuyển, trao đổi học sinh, sinh viên diễn ra nhanh hơn.

Trên bình diện hợp tác, Úc hiện là đối tác lớn của Việt Nam với 22.000 sinh viên Việt Nam đang theo học trên tổng số 622.000 sinh viên quốc tế. Đây cũng là nước có nhiều trường đại học nằm trong top 100 trường đại học thế giới.

Tại hội thảo, ông Rongyu Li, Phó hiệu trưởng phụ trách đối ngoại trường Đại học Queensland, trường đứng thứ 47 trong bảng xếp hạng QS (bảng xếp hạng đại học thế giới) khẳng định, trong số 11 đối tác ưu tiên của Queensland, Việt Nam đứng ở vị trí ưu tiên hàng đầu do những tương đồng về địa lý, cùng chiến lược mở cửa giáo dục gần đây của Việt Nam, đã giúp các trường đối tác như chúng tôi nhìn thấy tiềm năng lớn trong việc hợp tác, giúp các trường đại học Việt Nam xây dựng được năng lực thực tế, tiến tới đưa các trường theo kịp chuẩn quốc tế.

Đại diện trường Queensland cũng đề cập tới các nhân tố có thể giúp các trường đại học của Việt Nam có thể thúc đẩy quốc tế hóa, tiến tới xây dựng trường đại học ưu tú, trong đó nhấn mạnh tới các nghiên cứu có sức ảnh hưởng; hợp tác theo hướng thực sự ý nghĩa, hiệu quả; chiến lược xuất bản, công bố các nghiên cứu; đa dạng hóa các nguồn thu nhập; kết hợp văn hóa nghiên cứu và khả năng lãnh đạo nhưng cũng không quên nhân tố truyền thông.

Trả lời câu hỏi liên quan tới nguồn tài chính dành cho đào tạo nghiên cứu, ông Rongyu cho biết, đầu tư vào giảng dạy chất lượng sẽ đem lại nguồn thu lớn, vì ngoài thu hút được sinh viên trong nước thì nguồn ngoại tệ từ sinh viên quốc tế là không nhỏ khi học phí của sinh viên quốc tế do trường tự quyết. Kết quả từ việc đầu tư vào chất lượng sẽ tạo nguồn tài chính đầu tư vào các nghiên cứu mang tính thương mại.

Ông Rongyu cho biết, Queensland có hẳn chiến dịch tới năm 2021 huy động nguồn tài chính khoảng 500 triệu USD từ các nhà tài trợ và tới thời điểm hiện tại đã huy động được trên 400 triệu USD, mục tiêu tiếp theo là sẽ huy động được khoảng 1 tỷ USD. Đây cũng là nguồn tài chính đáp ứng tới 64% hoạt động của trường, còn lại chỉ 36% đến từ nguồn ngân sách của Chính phủ Úc.

Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Latvia ký kết hiệp định hợp tác trong lĩnh vực giáo dục
Chiều 17/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Ngoại giao Latvia Edgars Rinkevics đã ký kết hiệp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư