Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 27 tháng 12 năm 2024,
Quy định giá trần, khống chế mặt bằng giá sách giáo khoa, tránh tác động tiêu cực
N.L - 31/05/2023 18:12
 
Để thích ứng với điều kiện kinh tế - xã hội, sách giáo khoa được xếp vào loại hàng hóa thuộc lĩnh vực độc quyền do Nhà nước sản xuất kinh doanh và giao cho nhà xuất bản thực hiện.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã đề xuất đưa sách giáo khoa vào mặt hàng được Nhà nước quản lý giá. Trong dự án Luật Giá (sửa đổi), Bộ Tài chính cũng đã đề nghị bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tối đa, các Nhà xuất bản (NXB) định giá cụ thể.

Mới đây, trong dự thảo Luật Giá sửa đổi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Bộ Tài chính đề xuất Bộ GD&ĐT quy định giá sách giáo khoa tối đa song không đề cập giá tối thiểu. Theo ý kiến của Bộ Tài chính, việc định giá trần mà không có giá sàn là để đảm bảo quyền lợi của người mua sách là học sinh, phụ huynh.

Hiện nay, chỉ có duy nhất NXB Giáo dục có quyền sản xuất, phát hành sách giáo khoa cung ứng ra thị trường theo giá do Nhà nước quy định. Cơ chế độc quyền ấy đã đưa lại những tác dụng tích cực nhất định trong việc cung ứng sách giáo khoa, đáp ứng nhu cầu của thị trường phù hợp với đòi hỏi của bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước ta trong giai đoạn trước đó. 

Tuy nhiên, cơ chế ấy được vận hành trong một thời gian khá dài, không được thay đổi cũng đã bộc lộ nhiều khuyết điểm và không còn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội đã thay đổi, với yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, nhu cầu phát triển giáo dục và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới.

Chính vì vậy, Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội đã có quyết định mang tính đột phá đổi mới cơ chế quản lý sách giáo khoa từ cơ chế độc quyền sang cơ chế thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; thực hiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế. 

Việc áp giá trần đối với sách giáo khoa được kỳ vọng sẽ góp phần đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người dân. (Ảnh minh họa)

Thời điểm các bộ sách giáo khoa mới theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 với cơ chế xã hội hoá được ra đời có giá cao hơn nhiều so với giá sách giáo khoa hiện hành đã tạo nên luồng ý kiến trái chiều. 

Theo lý giải của Bộ GD&ĐT, giá sách giáo khoa mới cao do quy trình biên soạn sách giáo khoa mới đã hoàn toàn thay đổi so với sách giáo khoa cũ. Việc chuyển cơ chế khi sách giáo khoa mới không còn được Nhà nước bao cấp ở một số khâu như sách giáo khoa cũ mà phải thực hiện nguyên tắc tính đúng, tính đủ theo nguyên tắc thị trường.

Cụ thể, chi phí đầu tư tổ chức biên soạn, xây dựng bản thảo sách giáo khoa cũ được bao cấp từ nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn vốn ODA, trong khi sách mới là do các NXB tự bỏ vốn đầu tư. Bên cạnh đó, các chi phí xúc tiến thị trường như tổ chức giới thiệu sách tại các địa phương; tuyên truyền, quảng cáo, tiếp thị sách; bồi dưỡng, tập huấn sử dụng sách, các NXB cũng phải bỏ ra, trong khi đó, sách giáo khoa cũ không phải bỏ ra các khoản chi phí này. 

Ngoài ra, nếu so với sách giáo khoa cũ thì sách giáo khoa mới có khổ lớn hơn, chất lượng in ấn, giấy tốt hơn, màu đẹp hơn. Tuy nhiên, nhiều luồng ý kiến trái chiều cho rằng không thể tùy tiện tăng giá sách giáo khoa mà thiếu sự kiểm soát của Nhà nước bởi sách giáo khoa tăng giá mạnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các đối tượng học sinh, trong khi phần đông dân số có mức thu nhập trung bình trở xuống. 

Sau khi dư luận lên tiếng, Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính đã có đề xuất đưa sách giáo khoa vào mặt hàng được Nhà nước quản lý giá. Đồng tình với đề xuất này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu và giá sách giáo khoa có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, trong đó có người thu nhập thấp. 

Do đó cần phải kiểm soát, khống chế mặt bằng giá để đảm bảo không bị ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng. Để tạo công cụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, nhất là người nghèo, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với đề xuất của dự thảo Luật Giá sửa đổi. 

Theo đó, Nhà nước sẽ quy định giá trần, không ấn định giá để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán. Việc này vừa nhằm tạo tính cạnh tranh của thị trường, vừa góp phần hạ giá bán sách giáo khoa và bảo đảm lợi ích người dân.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc định giá trần mà không có giá sàn là để đảm bảo quyền lợi của người mua sách là học sinh, phụ huynh. Thế nhưng, việc không định giá tối thiểu thì các doanh nghiệp dường như đang có ưu thế chiếm thị trường, nhiều vốn, hoàn toàn có thể đại hạ giá sách một thời gian để chèn ép các doanh nghiệp khác. 

Trước đó, mặt hàng này được Bộ GD&ĐT đề nghị bổ sung vào danh mục do Nhà nước định giá và Nghị quyết kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV cũng đã thống nhất chủ trương này khi sửa đổi Luật Giá. 

Trong thời gian chờ đợi sửa luật, Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan có biện pháp hạ sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá sách giáo khoa với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, miền núi, vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số.

Giá sách giáo khoa: Bộ trưởng đã hứa, nhưng chưa thấy dự thảo phản ánh ý kiến tiếp thu
Tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) trình ra Quốc hội lần này không thấy phản ánh ý kiến tiếp thu của Bộ trưởng, Trưởng Ban soạn thảo về giá...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư