Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 24 tháng 01 năm 2025,
Quy định về chế độ cử tuyển với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số
PV (TTXVN/Vietnam+) - 15/12/2020 07:08
 
Người học là người dân tộc thiểu số được hưởng chế độ cử tuyển gồm người dân tộc thiểu số rất ít người; người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
Quy dinh ve che do cu tuyen voi hoc sinh, sinh vien dan toc thieu so hinh anh 1
Giờ học tin học của học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 141/2020/NĐ-CP quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số, có hiệu lực thi hành từ ngày 23/1/2021.

Nghị định nêu rõ, người học là người dân tộc thiểu số thuộc đối tượng được hưởng chế độ cử tuyển gồm người dân tộc thiểu số rất ít người; người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số.

Nghị định quy định rõ tiêu chuẩn chung của tuyển sinh. Theo đó, người học được cử tuyển phải thường trú từ 5 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; có cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ nuôi (hoặc có một trong hai bên là cha đẻ hoặc mẹ đẻ, cha nuôi hoặc mẹ nuôi), người trực tiếp nuôi dưỡng sống tại vùng này; đạt các tiêu chuẩn sơ tuyển đối với các ngành, nghề có yêu cầu sơ tuyển; không quá 22 tuổi tính đến năm tuyển sinh, có đủ sức khỏe theo quy định hiện hành.

Ngoài tiêu chuẩn chung quy định ở trên, người học được cử tuyển vào đại học phải đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể sau: Tốt nghiệp trung học phổ thông; xếp loại hạnh kiểm các năm học của cấp học trung học phổ thông đạt loại tốt; xếp loại học lực năm cuối cấp đạt loại khá trở lên; có thời gian học đủ 3 năm học và tốt nghiệp trung học phổ thông tại trường thuộc địa bàn tuyển sinh theo quy định hoặc tại trường phổ thông dân tộc nội trú.

[Chung tay gìn giữ bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số]

Ngoài tiêu chuẩn chung, người học được cử tuyển vào cao đẳng phải đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể sau: Tốt nghiệp trung học phổ thông; xếp loại hạnh kiểm các năm học của cấp học trung học phổ thông đạt loại tốt; xếp loại học lực năm cuối cấp đạt loại trung bình trở lên; có thời gian học đủ 3 năm học và tốt nghiệp trung học phổ thông tại trường thuộc địa bàn tuyển sinh theo quy định hoặc tại trường phổ thông dân tộc nội trú.

Ngoài tiêu chuẩn chung, người học được cử tuyển vào trung cấp phải đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể sau: Tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông; xếp loại hạnh kiểm các năm học của cấp học cuối đạt loại khá trở lên; xếp loại học lực năm cuối cấp đạt loại trung bình trở lên; có thời gian học đủ 4 năm học và tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc học đủ 3 năm học và tốt nghiệp trung học phổ thông tại trường thuộc địa bàn tuyển sinh theo quy định hoặc tại trường phổ thông dân tộc nội trú.

Nghị định nêu rõ người học đạt đủ các tiêu chuẩn tuyển sinh cử tuyển ở trên nếu thuộc một trong các trường hợp sau thì được ưu tiên trong cử tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp theo thứ tự: Con liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người có giấy chứng nhận người được hưởng chính sách như thương binh; học tại trường phổ thông dân tộc nội trú; trúng tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp tại năm xét đi học cử tuyển; đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi từ cấp huyện trở lên

Trường hợp người học thuộc đối tượng được hưởng nhiều ưu tiên đồng thời thì chỉ được hưởng một ưu tiên cao nhất trong tuyển sinh cử tuyển./.

Viettel: Mỗi giáo viên, học sinh sẽ có 1 mã số định danh
Ngày 9/12, Viettel và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, giai đoạn 2021 – 2025.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư