Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 23 tháng 01 năm 2025,
Quỹ hưu trí còn chờ... tiếp sức
Đã có công ty quản lý quỹ được cấp phép cung cấp dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, nhưng đến nay các sản phẩm liên quan vẫn chưa được xác định, vì nhiều lý do...
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Đề án hình thành và phát triển chương trình hưu trí tự nguyện tại Việt Nam đặt ra tham vọng đến năm 2020 doanh số tích lũy của các quỹ hưu tự nguyện để đầu tư trở lại nền kinh tế, trong đó có thị trường vốn, thị trường chứng khoán là khoảng 10.000 - 12.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Nguồn: Internet

Mở cửa cho quỹ đầu tiên ra đời

Phải mất 5 năm chuẩn bị kể từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án hình thành và phát triển chương trình hưu trí tự nguyện tại Việt Nam tại Quyết định 144/2014, với sự nỗ lực vào cuộc của cả cơ quan quản lý là Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) và các thành viên thị trường là CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM), quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện đầu tiên lộ diện tại Việt Nam.

Về phía đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản cá nhân, một lãnh đạo của VSD cho biết, sau thời gian khẩn trương triển khai các hạng mục đầu tư, kiểm thử hệ thống, đến nay, hệ thống hạ tầng cung cấp dịch vụ cho hoạt động của quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện đã hoàn tất. VSD đã sẵn sàng ký kết hợp tác với các bên có nhu cầu sử dụng dịch vụ để vận hành hệ thống này theo thông lệ quốc tế.

Về phía tổ chức cung cấp dịch vụ quản lý và đầu tư quỹ hưu trí tự nguyện, đến thời điểm này, VFM là đơn vị đầu tiên được Bộ Tài chính cấp giấy phép cung cấp dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện sau nhiều năm theo đuổi muốn triển khai sản phẩm mới này ở Việt Nam, với không ít khó khăn, trắc trở… Dù vậy, thời điểm chính thức công khai sản phẩm ra thị trường đang được VFM cân nhắc.

Vẫn chờ tiếp sức

Hiện tại, thách thức với đơn vị cung cấp dịch vụ là còn thiếu các hướng dẫn chi tiết về cơ chế thuế, ưu đãi về thuế chưa đủ sức hấp dẫn, cơ chế đầu tư của quỹ hưu trí tự nguyện thiếu linh hoạt cho đơn vị quản lý.

Liên quan đến vướng cơ chế thuế, lãnh đạo một công ty quản lý quỹ cho biết, hiện chưa có hướng dẫn về miễn hoặc giảm thuế suất ưu đãi áp dụng cho kết quả đầu tư của quỹ, cho các khoản chi trả từ quỹ tới người đầu tư trong các trường hợp khác nhau như rút trước khi đến tuổi nghỉ hưu, rút một phần hoặc nhiều lần khi tới tuổi nghỉ hưu, dừng tham gia chương trình, thay đổi nơi làm việc…

Ngoài ra, mức ưu đãi thuế đối với khoản đóng góp vào quỹ tuy đã tăng lên so với trước đây, nhưng chưa hợp lý, thiếu tính hỗ trợ với hoạt động của quỹ trong thời gian ban đầu. Đây đang được xem là nguyên nhân khiến cho loại hình quỹ này khó hình thành, trong khi ưu đãi thuế được coi là yếu tố quan trọng bậc nhất để tạo sức hút cho các doanh nghiệp, người lao động tham gia loại hình quỹ này.

Bộ Tài chính hiện đang chỉ đạo cơ quan thuế rà soát các quy định về thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp, trên cơ sở đó cung cấp thông tin để doanh nghiệp, người lao động nắm bắt và thực hiện, đồng thời tập trung nghiên cứu hướng tháo gỡ đối với những quy định còn khiếm khuyết, bất hợp lý.

Mức đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động tham gia vào quỹ hưu trí tự nguyện được miễn thuế ở mức 3 triệu đồng/người/tháng được coi là thiếu hấp dẫn, chưa tạo được động lực cho các bên mặn mà tham gia. Trong khi đó, kinh nghiệm ở nhiều quốc gia triển khai loại hình quỹ này cho thấy, ban đầu đều sử dụng công cụ ưu đãi thuế để thu hút người lao động, cũng như người sử dụng lao động tham gia vào loại hình quỹ.

Từ thực trạng trên, ý kiến từ thị trường kiến nghị Bộ Tài chính sớm có hướng tháo gỡ các bất cập, vướng mắc để quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện sớm đi vào vận hành. Đại diện cho cơ quan quản lý, ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề xuất, Bộ Tài chính cần xem xét một cơ chế thuế phù hợp nhằm hỗ trợ phát triển loại hình quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện tại Việt Nam trong thời gian tới. 

Không chỉ gặp khó với quy định về thuế, một số quy định tại Nghị định 88/2016/NÐ-CP về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện cũng được các thành viên thị trường kiến nghị sửa đổi sao cho linh hoạt hơn, nhất là quy định về hoạt động đầu tư. Được biết, quy định hiện hành khống chế quỹ hưu trí phải đầu tư tối thiểu 50% tổng giá trị tài sản vào trái phiếu chính phủ (bao gồm cả đầu tư thông qua chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán). Tỷ lệ này được nhìn nhận là cao, không tạo sự linh hoạt, hấp dẫn cho quỹ hưu trí hoạt động, nên ý kiến từ thị trường đang trông đợi nhà quản lý sẽ xem xét sửa đổi.

Mặt khác, đề án hình thành và phát triển chương trình hưu trí tự nguyện tại Việt Nam đặt ra tham vọng đến năm 2020 có khoảng 400 - 500 doanh nghiệp, với khoảng 150.000 người tham gia mua sản phẩm bảo hiểm hưu trí, hoặc đóng góp vào các quỹ hưu trí tự nguyện theo hình thức ủy thác đầu tư, doanh số tích lũy của các quỹ hưu tự nguyện để đầu tư trở lại nền kinh tế, trong đó có thị trường vốn, thị trường chứng khoán là khoảng 10.000 - 12.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay cả khi quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện được triển khai ngay trong năm nay thì vẫn bị coi là muộn so với những mục tiêu đề ra.

Thành công trong sớm hình thành hệ thống quỹ hưu trí không chỉ giúp xây dựng hệ thống hưu trí đa trụ cột, giảm áp lực cho hệ thống an sinh xã hội hiện đang quá tải do quá trông chờ vào trụ cột Nhà nước, mà còn mở rộng cơ sở nhà đầu tư, với dòng vốn đầu tư dài hạn trên thị trường vốn.

Quỹ hưu trí tự nguyện mãi nằm… trên giấy, Bộ Tài chính nói gì?
5 năm trôi qua kể từ khi “viên gạch” pháp lý đầu tiên cho sự ra đời và hoạt động của quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện tại Ðề án hình thành và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư