Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 16 tháng 09 năm 2024,
Quỹ ngoại săn start-up kỳ lân
Anh Hoa - 06/02/2018 08:21
 
Nếu nhìn vào quy mô sản phẩm, thị trường, đội ngũ cộng sự của các start-up lộ diện, thì không có nhiều cơ hội để biến start-up thành kỳ lân. Tuy nhiên, các quỹ đầu tư mạo hiểm ngoại vẫn kỳ vọng, với sự bùng bổ kỳ lân ở Đông Nam Á, sau VNG, Việt Nam sẽ có thêm vài kỳ lân mới.

Bùng nổ kỳ lân ở Đông Nam Á

“Chúng tôi đến đây để khám phá bất cứ cơ hội nào từ Việt Nam, vì vậy, không có giới hạn về các lĩnh vực mà chúng tôi đang tìm kiếm”, bà Retno Dewati, Giám đốc Chi nhánh Đông Nam Á của Quỹ đầu tư Fenox Venture Capital phát biểu khi đến Hà Nội tham gia Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest) mới đây. Quỹ này có trụ sở tại Thung lũng Silicon (Mỹ) và có các thương vụ đầu tư lớn ở Indonesia trong vài năm qua.

Tập đoàn VNG là start-up đầu tiên ở Việt Nam tuyên bố đạt vị thế kỳ lân. Ảnh: Đức Thanh
Tập đoàn VNG là start-up đầu tiên ở Việt Nam tuyên bố đạt vị thế kỳ lân. Ảnh: Đức Thanh

“Khi chúng tôi nhìn về quy mô thị trường và các cơ hội, Việt Nam hiện là địa điểm thích hợp để đầu tư. Các lãnh đạo cấp cao của Quỹ cảm thấy cuốn hút bởi môi trường khởi nghiệp sôi động của Việt Nam. Chúng tôi dự kiến có thương vụ đầu tư đầu tiên vào Việt Nam trong năm nay”, bà Retno Dewati cho biết.

Được biết, Fenox Venture Capital đã đầu tư vào 25 công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á. Gần đây, Quỹ đã thoái vốn khỏi một công ty fintech ở Indonesia.

Đông Nam Á, với dân số hơn 600 triệu người, hiện có 3 kỳ lân (những công ty khởi nghiệp chưa niêm yết trị giá trên 1 tỷ USD). Đó là Grab (có trụ sở tại Malaysia, thị trường chính là Singapore), Go-Jek (có trụ sở tại Indonesia) và Traveloka Holding (có trụ sở tại Indonesia, điều hành một cổng thông tin du lịch trực tuyến). Khu vực này từng nổi tiếng với 4 kỳ lân, cho đến khi Công ty Garena (Singapore) niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ vào tháng 10/2017.

Năm 2017, đây là khu vực thu hút nhiều thương vụ đầu tư start-up thành công nhất, với 7,86 tỷ USD cho 335 thương vụ. Con số này tăng 75% so với năm 2016 và là mức cao nhất kể từ năm 2013. Trong số các quốc gia, Singapore và Indonesia thu hút nhiều nhà đầu tư nhất. Những lĩnh vực nhận nhiều vốn nhất chủ yếu là fintech (3,18 tỷ USD), thương mại điện tử (2,87 tỷ USD) và sản xuất trò chơi (553 triệu USD). Các thương vụ đầu tư đình đám nhất năm qua thuộc về start-up như Grab (nhận 2 tỷ USD từ Didi, SoftBank) và sàn thương mại điện tử Tokopedia (nhận 1,1 tỷ USD từ Alibaba). Ngoài ra còn có Lazada, Traveloka, AirTrunk và Iflix.

Thomas Tsao, đồng sáng lập Quỹ Gobi Partners (một trong những nhà đầu tư lớn) nhận định, Đông Nam Á là thị trường mới nổi, có khả năng phát triển thị trường lớn giống Trung Quốc trong tương lai gần. Nhiều công ty khởi nghiệp am hiểu lĩnh vực Internet xuất hiện, nhưng không có vốn để phát triển. Các nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm kỳ vọng có thể biến start-up bất kỳ thành những chú kỳ lân (những công ty khởi nghiệp chưa niêm yết trị giá trên 1 tỷ USD). Hiện ASEAN, Hồng Kông và Đài Loan chiếm 70% danh mục đầu tư của Tập đoàn Alibaba và trở thành địa bàn hoạt động chính của “ông trùm” này.

Tại Việt Nam, cho tới thời điểm này, vẫn chỉ có Tập đoàn VNG là start-up đầu tiên ở Đông Nam Á tuyên bố đạt vị thế kỳ lân. VNG đã ký bản ghi nhớ để niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ) hồi tháng 5/2017. Ngoài ra, ở Việt Nam, một vài ứng viên sáng giá lên kế hoạch trở thành start-up kỳ lân như Topica, Tiki, Vật Giá, Appota... Họ đã và đang tạo cảm hứng cho các doanh nhân khác dấn thân vào start-up, tạo dựng các doanh nghiệp lớn.

Thị trường đủ lớn nuôi dưỡng “kỳ lân”?

Trần Việt Hùng, sáng lập Gotit! ở Silicon Valley được 6 năm, hiện có văn phòng ở Mỹ và Việt Nam. Gotit! mang trong mình nền tảng tốt để trở thành một start-up kỳ lân. Hai năm trước, Gotit! thường xuyên ở trong top 10 ứng dụng giáo dục tại Apple App Store và đã từng đứng thứ 2, chỉ sau iTunesU. Đó là lý do để anh kỳ vọng, trong tương lai gần, Gotit! có thể trở thành một start-up kỳ lân.

Tuy nhiên, với anh, mọi thứ ở Gotit! lúc nào cũng tốt, nhưng luôn đứng trước đe dọa. “Tốc độ phát triển quá nhanh, nên lúc nào cũng như nhà xây móng không đủ chắc, rung rinh, rung rinh và có thể sập bất kỳ lúc nào”, anh thừa nhận. Giờ đây, anh cũng không biết đến bao giờ, Gotit! sẽ thành kỳ lân. “Có thể rất sớm, nhưng cũng có thể cần có thời gian nữa. Có rất nhiều thay đổi vào lúc này. Làm start-up thú vị ở chỗ đó”, Hùng nói.

Thường thì ở Silicon Valley, các công ty trở thành công ty quan trọng và có giá trị cần một khoảng thời gian gần 10 năm. Các ví dụ điển hình là Facebook, Dropbox, AirBNB, Uber… Các nhà đầu tư đang rót khoảng 15 triệu USD vào Gotit! và họ không ấn định thời gian nào thì start-up này phải thành kỳ lân.

“Các nhà đầu tư chuyên nghiệp khá kiên nhẫn. Một khi tôi thể hiện được sự tăng trưởng thì họ vẫn hỗ trợ. Một số nhà đầu tư chính thường có ghế trong Hội đồng Quản trị của công ty để được quyền quyết định mọi chiến lược”, Hùng nói.

Hiện nay, các nhà đầu tư mạo hiểm, tập đoàn lớn (chủ yếu đến từ Trung Quốc) đang nhắm đến ASEAN để biến các start-up thành kỳ lân. Họ cần làm những gì?

Mỗi nhà đầu tư sẽ có chiến lược riêng. Tuy nhiên, có 3 yếu tố họ quan tâm: sản phẩm, thị trường và đội ngũ cộng sự. Thị trường ASEAN giờ rất năng động, với tỷ lệ người dùng smartphone cao. Riêng thị trường Việt Nam, với hơn 93 triệu dân, tỷ lệ người dùng smartphone năm 2017 là 84%, tăng 6% so với năm 2016 (78%), chủ yếu ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang, Cần Thơ… (theo Nielsen). Thêm vào đó, ASEAN đã có một số start-up kỳ lân, điển hình như Grab hay Gojek. Thế nên, thị trường này sẽ không chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư từ Trung Quốc.

Theo Trần Việt Hùng, tại Việt Nam hiện có nhiều start-up đang ẩn mình. Mặc dù vậy, với những start-up đã lộ diện và nhìn vào quy mô sản phẩm, thị trường, đội ngũ cộng sự, thì không có nhiều cơ hội để biến start-up thành kỳ lân. “Các start-up tôi biết chủ yếu là khai thác thị trường Việt Nam. Điều đó rất khó để có thể trở thành kỳ lân”, Hùng nhận định.

Muốn thành kỳ lân, điểm mấu chốt là thị trường mà start-up đó phục vụ phải đủ lớn và có tiềm năng. Dân số Việt Nam đông, nhưng địa bàn hoạt động tốt chỉ tập trung vào một số thành phố như Hà Nội, TP.HCM…, nên rất khó để có thể có được doanh thu lớn từ các sản phẩm/dịch vụ từ công nghệ. Trong khi đó, tôn chỉ bất thành văn của start-up là tận dụng công nghệ để có thể có sự tăng trưởng bùng nổ. Thậm chí, người ta đầu tư rất nhiều vào xây dựng công nghệ để có sự tăng trưởng bứt phá, để tiến nhanh và đè bẹp các đối thủ, như Uber và Grab…

Tuy nhiên, với start-up, mọi thứ có thể thay đổi rất nhanh. Phần lớn kỳ lân châu Á tập trung ở lĩnh vực thương mại điện tử, phần mềm và các ngành công nghiệp truyền thông, bán lẻ. Đáng chú ý là, các kỳ lân thường thực hiện các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) với các start-up mới khác, nhằm củng cố mô hình kinh doanh hiện tại hoặc mở rộng sang ngành khác.

Điển hình là trường hợp start-up Adsota Việt Nam (thuộc Appota Group), cung cấp các dịch vụ quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam. Hai năm trước, Adsota là một dự án độc lập của Appota Group, gần đây mới tách ra thành công ty riêng, khi có khoản đầu tư chiến lược gần 2 triệu USD từ đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tương tự tại Hàn Quốc là Công ty TNK Factory (thuộc Kakao Group). Với thương vụ này, Adsota nhận được sự hỗ trợ từ đối tác về tài chính, kinh nghiệm quản lý, công nghệ quảng cáo, khả năng tiếp cận khách hàng tại Hàn Quốc và thị trường Đông Á.

Theo CEO Trần Quốc Toản, năm 2017, tốc độ tăng trưởng của Adsota khoảng 200%, năm nay, dự kiến tăng 300%.

Tuy vậy, quá trình thâm nhập thị trường quốc tế đối với start-up Việt không đơn giản. Năm 2018, start-up WisePass của cựu nhân viên Google, CEO Lâm Trần lên kế hoạch mở rộng kinh doanh, chinh phục thêm nhiều thị trường như Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Hồng Kông. Ý tưởng kết nối người tiêu dùng trên nền tảng ứng dụng với những nhà hàng, khách sạn tại nhiều điểm đến trên thế giới của start-up này đã nhận được 400.000 USD tiền đầu tư từ Quỹ Expara Ventures năm 2017. Tuy vậy, nhà sáng lập WisePass thừa nhận, quá trình thâm nhập thị trường quốc tế đối với start-up Việt là không dễ bởi một số lý do.

Thứ nhất, nhiều nhà đầu tư có xu hướng yêu cầu các start-up tiềm năng hoặc ít nhất là các mô hình kinh doanh mà họ để mắt tới phải thành lập công ty ở Singapore hoặc Hồng Kông. Hiện tiền đầu tư quốc tế vẫn chủ yếu “quá cảnh” ở Singapore và các start-up Việt Nam phải thường xuyên qua đó để ký hợp đồng nhận vốn.

Thứ hai, sự thiếu hụt của những quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế thật sự trong cuộc chơi là vấn đề trọng tâm cho phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Việc Việt Nam vẫn chưa ban hành các quy định pháp lý rõ ràng dành riêng cho hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm, khiến việc thoái vốn đối mặt nhiều rủi ro, gây tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư. Đây cũng là rào cản ngăn các start-up vươn thành kỳ lân của khu vực.

Bức tranh hoàn hảo khi gọi vốn của start-up
Từ những thương vụ đầu tư và M&A mà start-up người Việt đã thành công như Misfit, Got It, Foody, Appota hay Toong Co-working Space, chúng ta có thể tự tin...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư