Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Rất khó mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Nguyễn Lê - 29/09/2024 18:40
 
Hiện nay, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động, song dù có sửa Luật Việc làm cũng khó có thể mở rộng đối tượng tham gia loại hình bảo hiểm này.
Việc phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp được xem là thách thức lớn.

Nhóm nguy cơ mất việc làm cao lại chưa được bảo hiểm

Chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám, khai mạc vào ngày 21/10 tới, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã được đặt lên bàn Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp thứ 37 vừa qua. Một trong những điểm mới của lần sửa đổi này là mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Tại Tờ trình dự án Luật, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu cơ sở chính trị của đề xuất này là Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, “khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp”.

Về cơ sở thực tiễn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề cập, giai đoạn 2015 - 2023, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng qua các năm (bình quân tăng trên 6%/năm), đến năm 2023, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp chiếm 31,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Do đó, để phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp là một thách thức lớn.

Tờ trình cũng nêu rõ, theo Luật Việc làm hiện nay, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động, chưa quy định người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Trong khi đó, đây là nhóm có nguy cơ mất việc làm cao và thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Mặt khác, Luật cũng chưa bao phủ đối với nhóm người làm việc không trọn thời gian và một số đối tượng có hưởng lương khác chưa thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, nhưng đang thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024.

Từ các cơ sở trên, Chính phủ đề xuất bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (Luật Việc làm hiện hành quy định từ 3 tháng trở lên), người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất, thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024.

Ngoài ra, lần sửa đổi này cũng sẽ linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp nhằm mở rộng diện bao phủ, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động.

“Luật Việc làm hiện hành quy định mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động và người sử dụng lao động cố định là 1% mức tiền lương tháng. Do đó, chưa đảm bảo tính linh hoạt trong điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, nhất là trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, suy thoái hoặc khi Quỹ kết dư lớn”, Chính phủ giải thích.

Đề xuất từ Chính phủ là sửa đổi mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng, người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng, người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng báo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.

Chưa bảo đảm tuân thủ đúng nguyên tắc đóng - hưởng

Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhận xét, một số quy định trong Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) chưa bảo đảm tính khả thi, chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn đặt ra trong quá trình quản lý, hoặc Dự thảo Luật thiếu các quy định mà thực tiễn đòi hỏi.

Đơn cử, quy định thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho các lần tiếp theo (khoản 3, Điều 87 của Dự thảo) chưa bảo đảm tuân thủ đúng nguyên tắc đóng - hưởng.

Dự thảo không đề cập việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động là người khuyết tật, trong khi đây là đối tượng yếu thế, rất cần được hỗ trợ trực tiếp, song lại quy định, người sử dụng lao động là người khuyết tật thì được hỗ trợ, Thường trực cơ quan thẩm tra chỉ rõ.

Đáng chú ý, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, qua hoạt động giám sát, khảo sát của Ủy ban, có thể thấy, việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là rất khó, thậm chí có thể nói là không thể đạt được.

Báo cáo thẩm tra cũng nêu, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi và bổ sung nhóm đối tượng để bao phủ hết nhóm đối tượng là người lao động có hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên với kỳ vọng sẽ làm tăng mạnh số người tham gia, tuy nhiên, từ khi chính sách này có hiệu lực đến nay, số người tham gia không có sự tăng đột biến, mà dường như chỉ tăng cơ học tương ứng với việc phát triển về số doanh nghiệp.

Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội dẫn số liệu cho thấy, trong giai đoạn 2015 - 2022, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp chỉ tăng thêm khoảng 4 triệu người, tăng tương ứng gần 10% (năm 2015 là 21,39% và năm 2022 là 31,18%) lực lượng lao động trong độ tuổi.

Như vậy, đến năm 2030 (còn khoảng 5 năm nữa), khả năng số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng thêm gần 14% lực lượng lao động trong độ tuổi nếu xét trên góc độ xu hướng, tốc độ tăng, thì khả năng đạt 45% là khó khả thi. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) tiếp tục dự báo số lượng mở rộng, bổ sung đánh giá tác động, đồng thời có giải pháp, thể hiện trong Dự thảo để bảo đảm tính khả thi của quy định.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, bà Nguyễn Thúy Anh cũng cho hay, việc linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động và người sử dụng lao động có thể gây ảnh hưởng đến mức đóng không thống nhất, ảnh hưởng các chế độ thụ hưởng và giảm thu đối với Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Nội dung này cũng chưa được đánh giá, dự báo một cách kỹ lưỡng. Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề này, xin ý kiến của các bộ, ngành có liên quan, các đối tượng chịu tác động, đánh giá tác động một cách nghiêm túc, có cơ sở rõ ràng để quy định phù hợp, bảo đảm quyền lợi của người sử dụng lao động, người lao động, bảo toàn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp…

Nêu ý kiến thảo luận, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nói, về quản lý đầu tư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Dự thảo có quy định danh mục đầu tư và phương thức đầu tư thực hiện theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 chỉ quy định danh mục, phương thức đầu tư đối với Quỹ Bảo hiểm xã hội, không quy định đối với Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, Quỹ Bảo hiểm xã hội có tính chất dài hạn, có xu hướng tập trung đầu tư cho trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, trong khi Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là quỹ tài chính ngắn hạn, do các chế độ bảo hiểm thất nghiệp là chế độ ngắn hạn, nên nếu đầu tư dài hạn là không phù hợp.

Do đó, ông Cường đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định danh mục đầu tư và phương thức đầu tư từ quỹ này cho phù hợp với đặc điểm của quỹ là ngắn hạn.

Hồi âm các ý kiến về bảo hiểm thất nghiệp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, bảo hiểm thất nghiệp là bảo hiểm ngắn hạn. Thông thường, các nước chỉ dành khoảng 10% kết dư, còn 90% hỗ trợ cho người lao động rất nhanh, rất kịp thời. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nêu lý do cần sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp vì qua tổng kết chính sách này cho thấy, các chính sách hỗ trợ của bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động rất ít, gần như chỉ thất nghiệp mới chi, còn để duy trì việc đào tạo, bồi dưỡng, chuyển đổi tay nghề thì lại không có, nếu có thì rất thấp.

 

Bỏ Quỹ quốc gia về việc làm là phù hợp

“Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã bỏ Quỹ quốc gia về việc làm, thay vào đó, bổ sung quy định giao Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay chính sách để giải quyết việc làm. Đây là một nội dung mà cách thiết kế của Chính phủ rất phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng cũng như các nghị quyết của Quốc hội, các vấn đề liên quan đến các chỉ đạo gần đây của Ban Bí thư. Cách thiết kế như thế cũng rất đồng bộ với Luật Ngân sách nhà nước, đã thể hiện được đúng hướng Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài nhà nước”.

- Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

 

Có thể chi thêm khoảng 23.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc “chia lửa” trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung .
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư