Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Rốt ráo đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí không dừng
Bảo Như - 25/09/2017 17:05
 
Việc triển khai khai hệ thống thu phí tự động không dừng không chỉ góp phần minh bạch hóa hoạt động tại các dự án BOT mà còn đem lại những lợi ích trực tiếp cho chính nhà đầu tư và người tham gia giao thông.
.
Trạm thu phí BOT Đức Long Gia Lai

Không có chuyện độc quyền

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tính đến ngày 31/8/2017, đã có 27/30 trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ được Bộ GTVT đồng ý đưa vào Dự án thu phí tự động không dừng (ETC) tiến hành triển khai đàm phán hợp đồng với Công ty TNHH Thu phí tự động VETC - nhà đầu tư theo hình thức BOO.

Trong số này có 25/27 trạm đã ký hợp đồng với nhà đầu tư VETC. Hai nhà đầu tư chưa ký hợp đồng là Công ty TNHH BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp (Trạm Cần Thơ Phụng Hiệp) và Công ty TNHH Đầu tư 194 BOT QL1-Cam Ranh (Trạm Cam Thịnh).

Bên cạnh đó, có 5 trạm do nhà đầu tư BOT tư lắp đặt: Trạm Bắc Bình Định, Trạm Nam Bình Định, Trạm Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Thuận, nhà đầu tư BOT đã lắp đặt thiết bị ETC nhưng chưa kết nối với hệ thống Bank – End của VETC.

Căn cứ tiến độ được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các nhà đầu tư BOT phải phối hợp chặt chẽ với VETC lắp đặt xong  22 trạm thu phí trước 30/9/2017. Sau ngày 30/10/2017, đơn vị nào chưa lắp thì Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cho tạm dừng thu phí.

"Nhà đầu tư BOT nào chưa cảm thấy thoả mãn với điều khoản đàm phán thì có quyền tìm một nhà cung cấp khác. Tuy nhiên, nhà cung cấp đó phải được Bộ Giao thông Vận tải thẩm tra, chấp thuận và nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm tự kết nối với hệ thống dữ liệu của Tổng cục", ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định.

Ông Huyện nhấn mạnh, việc nhà đầu tư BOT muốn tự quản lý hệ thống dữ liệu thu phí không dừng là không thể. Để thống nhất một đầu mối quản lý, Chính phủ đã có chủ trương để nhà cung cấp dịch vụ cung cấp công nghệ giám sát, sau đó mọi dữ liệu sẽ truyền về tại Tổng cục đường bộ quản lý, không có chuyện để cho đơn vị thứ 3 quản lý như lo lắng của nhà đầu tư.

Theo lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước về đường bộ, việc lắp đặt thu phí không dừng là “thêm một con mắt” nữa để người dân tin tưởng vào tính công khai, minh bạch của thu phí BOT. Vì vậy, các đơn vị phải đẩy nhanh tiến độ triển khai, không thể lùi nữa.

“Cơ quan quản lý nhà nước sẽ cùng với nhà đầu tư hoàn thiện chế tài thu phí không dừng, đảm bảo cho nhà đầu tư BOT hoàn vốn cũng như tính minh bạch trong thu phí BOT”, ông Huyện khẳng định.

Nhiều ưu việt từ công nghệ RFID

Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện, việc triển khai thu phí đường bộ theo hình thức tự động không dừng là chủ trương bắt buộc phải thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội, hướng tới sự hài lòng và thuận lợi cho người tham giao giao thông, đảm bảo minh bạch trong quá trình thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.

“Cho đến thời điểm hiện nay, các giải pháp thu phí và công nghệ thu phí không dừng của VETC là tối ưu, minh bạch, dễ vận hành nhất ”, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định

Cần phải nói thêm rằng, Dự án thu phí tự động không dừng do VETC là nhà đầu tư đã được cho phép triển khai và được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn một kéo dài từ 2016 - 2019, áp dụng cho QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo hình thức hợp đồng BOO. 28 trạm thu phí trên toàn quốc sẽ áp dụng thu phí tự động trên 01 - 2 làn, giai đoạn sau 2019 sẽ áp dụng trên tất cả các làn.

Trạm thu phí BOT Bắc Hải Vân
Trạm thu phí BOT Bắc Hải Vân

Dịch vụ thu phí tự động VETC được áp dụng công nghệ RFID sử dụng sóng radio để nhận diện tự động phương tiện xe cơ giới. Công nghệ RFID đã được chứng minh có độ chính xác cao, khẳng định được vị thế số 1 trong lĩnh vực thu phí tự động tại các nước có nền giao thông tương tự Việt Nam như Đài Loan, Malaysia và Singapore... Với khả năng tích hợp các tiện ích trên duy nhất 1 chiếc thẻ VETC dán trên phương tiện, trong tương lai, ngoài dịch vụ thu phí tự động tại các Trạm BOT, chủ phương tiện còn có thể dụng để thanh toán phí bãi đỗ, xăng dầu và các tiện ích thu phí giao thông khác.

Được biết, dịch vụ thu phí đường bộ VETC được áp dụng công nghệ RFID sử dụng sóng radio để nhận diện tự động phương tiện xe cơ giới. Công nghệ này đã được chứng minh có độ chính xác cao, khẳng định được vị thế số 1 trong lĩnh vực thu phí tự động tại các nước có nền giao thông tương tự Việt Nam như Đài Loan, Malaysia, Singapore... Thông qua thẻ định danh VETC dán trên phương tiện ,dịch vụ  VETC giúp phương tiện lưu thông qua trạm thu phí giữ được tốc độ lưu thông ổn định, tiết kiệm nhiên liệu và thanh toán dễ dàng.

Hệ thống thu phí tự động đường bộ VETC không sử dụng tiền mặt là điều kiện cần để đảm bảo không có tiêu cực phát sinh trong quá trình thu phí. Ngoài ra hệ thống còn ghi nhận giao dịch theo thời gian thực. Toàn bộ thông tin sẽ được ghi nhận và lưu trữ giúp 3 chủ thể liên quan là Nhà đầu tư BOT, Chủ phương tiện và Cơ quan Quản lý Nhà nước theo dõi trực tiếp các giao dịch ngay lập tức.

“Hệ thống thu phí tự động được lắp đặt tại các Trạm hiện nay đều do VETC đầu tư độc lập. Chi phí rơi vào khoảng 30 tỷ động/1 trạm và không được tính vào chi phí của dự án BOT. VETC sẽ là đơn vị thứ 3 cung cấp dịch vụ thu hộ cho các nhà đầu tư BOT và đảm bảo chủ phương tiện không phải chịu bất cứ một khoản phí nào khác khi lưu thông trên đường”, Vũ Quang Lâm – Tổng giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động VETC khẳng định.

Theo tổng kết của Viện chiến lược Giao thông Vận tải, tổng hiệu quả dự tính mà dự án thu phí tự động đường bộ VETC mang lại có thể tiết kiệm lên tới 3400 tỷ đồng/1 năm.
Thêm 3 trạm thu phí tự nguyện chuyển giao cho công ty thu phí tự động VETC
“Ông trùm” BOT Tasco vừa chính thức bàn giao toàn bộ 3 trạm Tân Đệ, Quốc lộ 39 (Thái Bình) và Mỹ Lộc (Nam Định) cho Đơn vị cung cấp dịch vụ thu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư