Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 12 tháng 12 năm 2024,
“Rủi ro lớn nhất cho tương lai doanh nghiệp là thiếu nhân tài”
Hồng Phúc - 24/11/2019 11:14
 
Nhân tài được đánh giá là biến số tác động mạnh nhất đến thành công của doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tìm nhân tài ở đâu khi kinh doanh tại Việt Nam?

Ông Huỳnh Hữu Khang, giám đốc điều hành FWD Việt Nam cho rằng: Tìm, Tạo môi trường và Phát triển nhân tài sẽ là những việc thách thức nhất cũng như rủi ro nhất tác động đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp trong tương lai. 

“Tôi đã trao đổi với nhiều CEO và tất cả đều thống nhất đưa ra một câu hỏi: Tìm nhân tài ở đâu khi kinh doanh tại Việt Nam. Bởi, hiện có nhiều người giỏi, thông minh nhưng họ không sống ở Việt Nam. Điều này đặt ra vấn đề, phải làm sao hỗ trợ nhân tài, tạo môi trường để họ phát triển. Đây cũng là rủi ro lớn nhất trong kinh doanh”, ông Huỳnh Hữu Khang chia sẻ tại Toạ đàm Vietnam HR Awards Forum 2019 vừa tổ chức tại TP.HCM.

Nhanh, thú vị và khó dự liệu trở thành 3 cụm từ được ông Khang mô tả về một “sân chơi mới”, vốn sẽ định hình lại toàn cảnh thị trường kinh doanh. 

.
Ông Huỳnh Hữu Khang cho rằng, nguồn nhân lực là “biến số” sẽ tác động mạnh đến sự thành công của doanh nghiệp trong thời đại 4.0 (Ảnh: Talentnet).

Bởi, khi chủ trương đổi mới sáng tạo trở thành kim chỉ nam được nhiều doanh nghiệp đưa vào áp dụng thì việc thực thi không thể chỉ đến từ hành động của lãnh đạo cấp cao, mà đó là yêu cầu năng lực khuyến khích mọi nhân viên thay đổi cách thức làm việc hiệu suất hơn. 

Trong ngành bảo hiểm, ông Khang đánh giá, dù các doanh nghiệp đều muốn “nhảy cóc” trong đổi mới sáng tạo khi cung cấp sản phẩm nhưng chắc chắn, trong tương lai, xu hướng cũng như sự thay đổi nào sẽ xuất hiện là điều không thể tiên liệu. 

“Tương lai bất định có thể khác với dự liệu trên bản kế hoạch chiến lược nhưng doanh nghiệp phải chuẩn bị năng lực để thích ứng, trong đó, có nguồn nhân lực. Vai trò của CEO sẽ phải giữ cân bằng, đưa doanh nghiệp đi nhanh trong thông tin, dữ liệu nhiễu loạn”, ông Hữu Khang chia sẻ.

Khi không thể kiểm soát được việc sẽ xảy ra trong tương lai, giám đốc điều hành FWD Việt Nam khẳng định, họ có thể kiểm soát được dịch vụ sản phẩm của mình. 

Thẩm thấu đổi mới sáng tạo đến từng cấp nhân viên

Cũng mường tượng về một sân chơi mới – thị trường mới với nhiều biến động, trong ngành hàng tiêu dùng nhanh, ông Ganesan Ampalavanar, giám đốc điều hành Nestlé Vietnam cho biết, họ sẽ phải tập trung vào đổi mới sáng tạo, giảm tối đa tác động đến môi trường. 

Thách thức của lối sống đổi mới sáng tạo khi chỉ dừng ở lời hô hào của CEO mà cần thẩm thấu vào từng tư duy, hành động ở từng cấp nhân viên. 

.
Ông Ganesan Ampalavanar, giám đốc điều hành Nestlé Vietnam (Ảnh: Talentnet).

Nestlé Vietnam thường phải tự hỏi và tự trả lời rằng, liệu sự đổi mới sáng tạo này có phù hợp hay không, bởi, nhu cầu người tiêu dùng hiện đang đi trước xu hướng sản xuất của doanh nghiệp. 

“Trong 9 tháng qua, tại Việt Nam có hơn 2.000 sản phẩm mới được tung ra thị trường. Là công ty đa quốc gia, chúng tôi nghĩ rằng mình đã thay đổi nhanh nhưng lại không chuyển dịch đủ nhanh bằng thị trường. Không làm gì có lẽ rủi ro hơn là làm gì đó”, ông Ganesan Ampalavanar chia sẻ. 

Đại diện này cũng cho rằng, dù sân chơi có thay đổi thì mọi doanh nghiệp đều phải phụ thuộc vào tín hiệu từ thị trường, khách hàng. Đặc biệt, sẽ là rủi ro nếu không thể phân tách giữa sản phẩm/dịch vụ khách hàng cần và điều họ muốn. 

“Ước muốn bên trong của người dùng chưa chắc đã thể hiện ra bên ngoài. Khách hàng có thể nghĩ là họ cần nhưng thật sự là họ không muốn sản phẩm đó. Đây là thách thức cho Nestlé trong đảm bảo văn phòng làm việc như một ‘sân chơi’ thật sự để đội ngũ nhân viên có thể hiểu được thực sự khách hàng cần và muốn điều gì”, giám đốc điều hành Nestlé nói và nhấn mạnh vào yếu tố cốt lõi của đổi mới sáng tạo phụ thuộc vào năng lực nhân tài cũng như sự gắn kết với doanh nghiệp, chứ không phải “máy móc 4.0”. 

Vai trò của CEO không chỉ là lãnh đạo, mà còn cần có EQ cao

Còn trong lĩnh vực bất động sản, đổi mới sáng tạo theo ông Andy Han Suk Jung, CEO Sơn Kim Land đó là tạo ra trải nghiệm mới với tương tác chiều sâu cùng khách hàng.

“Khi mới đến Việt Nam sống, hàng đêm tôi phải thức dậy khoảng 3 lần, khi thì điều chỉnh máy lạnh, lúc thì giảm ánh sáng đèn. Tôi nghĩ trong 3 năm tới, khi cung cấp một căn hộ cần có sự tương tác để hiểu khó khăn, nhu cầu của khách hàng để việc chuyển đến nơi ở mới của họ trở nên thuận lợi hơn. Các thiết bị thông minh trong thời 4.0 phải đơn giản từ sự hiểu biết tinh tế của con người”, ông Andy Han Suk Jung nói.

.
Ông Andy Han Suk Jung đánh giá, toàn thị trường ở mọi ngành đều thiếu hụt nhân tài, dẫn đến cạnh tranh và tỷ lệ nhảy việc cao (Ảnh: Talentnet).

Để có thể chủ động thích nghi và điều chỉnh “lối chơi” sao cho phù hợp với thời cuộc, theo ông Andy Han Suk Jung, CEO thời nay không chỉ là lãnh đạo, mà còn cần có EQ cao (chỉ số cảm xúc) nhằm tạo cảm hứng, khơi gợi năng lượng cho nhân viên.

“Dù cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hay 5.0 thì sản phẩm/dịch vụ đều cần có tương tác với khách hàng. Nhưng tôi nghĩ, trước hết, tương tác với nhân viên quan trọng hơn. CEO phải phân bổ thời gian tương tác đồng đều với từng phòng ban thay vì chỉ dành nhiều thời gian với đối tác nhưng ít với nhân viên- người mang thương hiệu doanh nghiệp”, CEO Sơn Kim Land chia sẻ.

CEO nhìn ra hướng đi nhưng chỉ tiêu về vận tốc và an toàn lại phụ thuộc vào đội ngũ nhân sự thực thi. 

Đồng quan điểm trên, ông Jeffrey Alan Fielkow, Giám đốc điều hành Tetra Pak Việt Nam chia sẻ, 2 yếu tố tạo nên thành công trong thực thi kinh doanh là sự gắn kết và năng suất. 

Sự gắn kết không chỉ đến với khách hàng khi tiêu dùng sản phẩm mà còn là sự kết nối với nhân viên trong suốt hành trình phát triển của công ty. 

.
“Sẽ có quan điểm giả định rằng, công nghệ sẽ cứu rỗi thế giới nhưng đó chỉ là công cụ. Điều quan trọng hơn nằm ở năng lực của nhân viên có thể vận hành công nghệ”, ông Jeffrey Alan Fielkow chia sẻ (Ảnh: Talentnet).
Kỷ nguyên 4.0 đang thay đổi cách thức quản trị nhân sự thế nào?
Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang tạo ra sự thay đổi nhanh chóng trong cách điều hành cũng như phát triển của doanh nghiệp, tác động trực...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư