Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Sabeco muốn thành công ty nước ngoài
Thanh Hương - 16/11/2018 07:53
 
Điều gì khiến HĐQT Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) ra Nghị quyết số 111A/2018/NQ-HĐQT thông qua việc không hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp?

Sức ép hiệu quả 

Sabeco vừa gửi văn bản tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) công bố thông tin về quyết định không hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp này.

.
.

Trong cơ cấu cổ đông hiện nay của Sabeco, Bộ Công thương đang thay mặt Nhà nước nắm giữ 36% vốn điều lệ, Công ty TNHH Vietnam Beverage nắm 53,59% và các cổ đông khác nắm giữ 10,41%.

Dẫu vậy, ai cũng hiểu, Công ty TNHH Vietnam Beverage chỉ là pháp nhân được thành lập tại Việt Nam để thực hiện hợp pháp việc mua 53,59%% vốn điều lệ của Sabeco trong lần đấu giá hồi cuối năm 2017, còn chủ nhân thật sự là tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi cùng Công ty Bia ThaiBev. Sở dĩ có sự xuất hiện của Công ty TNHH Vietnam Beverage là bởi các cổ đông nước ngoài chưa được phép nắm giữ quá mức 49% vốn điều lệ tại doanh nghiệp bia có thị phần lớn nhất Việt Nam này. 

Cũng không cần giấu giếm vị thế của mình, tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi đã xuất hiện trên văn bản gửi tới Chính phủ Việt Nam hồi tháng 3/2018, bày tỏ sự quan ngại khi chưa được trực tiếp tham gia HĐQT và điều hành Sabeco dù đã bỏ ra gần 5 tỷ USD để mua 53,59% vốn điều lệ doanh nghiệp này vào cuối năm 2017.

Bình luận về động thái trên, một chuyên gia am hiểu quá trình bán cổ phần trước đây của Sabeco cho hay, HĐQT của Sabeco thông qua việc không hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp có thể mở đường cho việc chuyển đổi cổ đông từ Công ty TNHH Vietnam Beverage sang một nhà đầu tư khác, mà có thể chính là ThaiBev. Câu chuyện này là rất có thể, nhằm xử lý việc vay vốn nước ngoài trước đó của Công ty TNHH Vietnam Beverage khi mua Sabeco.

Báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện vay và trả nợ công năm 2017 của Chính phủ hồi giữa năm 2018 cho thấy, cuối năm 2017, dư nợ vay nước ngoài ngắn hạn của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay tự trả tăng đột biến 73% so với năm 2016, cán mốc 21,9 tỷ USD. Trong đó, chủ yếu là khoản vay nước ngoài ngắn hạn của Công ty TNHH Vietnam Beverage, với khoảng 5 tỷ USD để mua cổ phần của Sabeco hồi tháng 12/2017, chiếm khoảng 1/4 tổng số nợ.

Nguồn tin của Báo Đầu tư cũng cho hay, khoản vay trên được Ngân hàng Trung ương Thái Lan bảo lãnh và đi qua Vietcombank thực hiện để Công ty TNHH Vietnam Beverage là người vay.

“Sabeco đấu giá thành công ở mức 320.000 đồng/cổ phiếu, nhưng sau đó, giá đã nhanh chóng giảm và hiện chỉ ở mức quanh 220.000 - 240.000 đồng/cổ phiếu. Điều này khiến việc giải ngân khoản nợ vay có những khó khăn nhất định do những ràng buộc về điều kiện vay tương ứng với giá cổ phiếu. Bởi vậy, rất có thể, cổ đông Công ty TNHH Vietnam Beverage sẽ được tái cơ cấu, để ThaiBev chính danh trong thương vụ này”, nguồn tin trên nhận xét.

Các thông tin công khai cũng cho thấy, ThaiBev đã phải vay ngân hàng gần 5 tỷ USD để lo liệu thương vụ mua vốn Sabeco và phải thanh toán trong vòng 24 tháng. Để có tiền trả nợ, ThaiBev sẽ phát hành 4 đợt trái phiếu dài hạn trong năm 2018 và 2019. 

Vào đầu tháng 10/2018, tại Hội nghị Tầm nhìn 2020 của ThaiBev, ông Neo Gim Siong Bennett, Tổng giám đốc Sabeco cũng đã chia sẻ về việc tái cơ cấu Sabeco. 

“Sẽ tập trung cải cách để tăng hiệu quả đầu tư, giảm chi phí hoạt động, nhằm tăng năng suất so với thời được điều hành bởi Nhà nước”, ông Bennet Neo chia sẻ. 

Cũng theo ông Bennet Neo, Sabeco không thể vội vã thay đổi, mà sẽ theo cách mạnh mẽ và đầy hứng khởi như một bản nhạc rock, nhưng không phải là rock “nặng” mà là một điệu “slow rock” đầy lôi cuốn. 

Cải cách của Sabeco cũng được xem là sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với ThaiBev, trong mục tiêu mở rộng kinh doanh ở nước ngoài lên đạt mức 50% doanh thu vào năm 2020. Hiện con số này là 40% và đang trông chờ sự đột phá từ các thị trường như Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.

Trước đó, thông qua việc mua lại Sabeco, thị phần bia của ThaiBev chiếm 24% trong khu vực ASEAN có mức tiêu thụ khoảng 11 tỷ lít/năm. 

Muốn nới room ngoại

Hồi tháng 7/2018, Công ty TNHH Vietnam Beverage đã gửi văn bản tới Bộ Công thương và bộ phận đại diện phần vốn nhà nước tại Sabeco với đề xuất sửa đổi điều lệ Sabeco theo hướng bỏ một số ngành nghề kinh doanh nhằm nới room ngoại lên 100%. 

Theo đề xuất này, Sabeco muốn bỏ “gạo”, “đường mía”, “đường củ cải” khỏi ngành nghề kinh doanh thuộc mã 4632; bỏ “định giá”, “đấu giá”, “quảng cáo” khỏi ngành nghề kinh doanh thuộc mã 6820; bỏ toàn bộ ngành nghề kinh doanh thuộc mã 6820 (Quảng cáo thương mại); bỏ toàn bộ ngành nghề kinh doanh thuộc mã 7912 (Kinh doanh du lịch lữ hành nội địa, quốc tế).

Cho rằng “các ngành nghề được đề nghị điều chỉnh nêu trên không phải là ngành nghề mà Sabeco đang kinh doanh và cũng sẽ không triển khai các hoạt động này trong tương lai, nên việc loại bỏ không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Sabeco”, lãnh đạo Vietnam Beverage cũng nhận định, các ngành kinh doanh này hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Sabeco. Do vậy, việc loại bỏ/sửa đổi những ngành nghề này sẽ giúp Sabeco không còn hạn chế sở hữu nước ngoài, qua đó tăng tính hấp dẫn của cổ phiếu cũng như dễ dàng thu hút thêm dòng vốn ngoại.

Dĩ nhiên, đề xuất này được tham chiếu rất lớn từ thực tế Vinamilk, nơi mà ThaiBev thông qua các công ty con đang sở hữu gần 20% cổ phần.

Nghị quyết của HĐQT Sabeco về tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài được đưa ra trong bối cảnh Dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán đang được lấy ý kiến rộng rãi. 

Được biết, Bộ Tài chính - cơ quan chủ trì soạn thảo sửa đổi Luật Chứng khoán - đã đề xuất, với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện chưa cam kết về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, hoặc không đưa vào Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO và các điều ước quốc tế khác, thì chỉ nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 100% trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành không hạn chế sở hữu nước ngoài.

Theo ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính, bộ này đã báo cáo Chính phủ và Quốc hội, đưa Dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán trình Quốc hội lấy ý kiến vào kỳ họp đầu tiên và xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 2 năm 2019. 

Hiện tại, tuy không còn dính líu đến gạo, đường mía, đường củ cải, nhưng Sabeco vẫn có ngành nghề kinh doanh sản xuất đồ uống với mã ngành 1101, trong đó có rượu. 

Trong danh mục 23 công ty con và 20 công ty liên doanh, liên kết tính tới ngày 30/6/2018, ngoài sở hữu 93,32% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Rượu Bình Tây (93,32%), Sabeco còn có 10 công ty con và không dưới 5 công ty liên kết liên quan đến sản xuất và kinh doanh rượu. 

Đáng nói là, rượu cũng là mặt hàng thuộc Danh mục 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định hiện hành. 

Hiện tại, theo khoản b, Điều 2a, Nghị định 60/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán) quy định rõ: “Đối với công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài mà chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%”. 

“Nếu nhà đầu tư ngoại muốn nắm quá 49% vốn điều lệ tại Sabeco trước thời điểm Luật Chứng khoán sửa đổi được thông qua sẽ phải cân nhắc tình tiết này. Hiện tại, ở Công ty cổ phần Cồn rượu Hà Nội, nhà đầu tư nước ngoài cũng chỉ được nắm chưa đến 49% vốn điều lệ, dù trước đó, họ cũng mong đợi nhiều hơn”, một chuyên gia ngành sản xuất đồ uống nhấn mạnh.

Sabeco bổ nhiệm người Việt làm tổng giám đốc công ty Thương mại Bia Sài Gòn - SATRACO
Tổng công ty cổ phần Bia, Rượu, Nước giải khát Sài Gòn – Sabeco (mã: SAB) vừa công bố thông tin bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Giang, làm Tổng giám...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư