Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Sản xuất, kinh doanh ô tô: Đua nhau giành chỗ
Thanh Hương - 09/06/2017 06:39
 
Hàng loạt nhãn hiệu ô tô đã tung ra các chương trình khuyến mại, giảm giá xe nhằm duy trì vị thế của mình.

Cạnh tranh quyết liệt

Trong đầu tháng 6, Công ty Ô tô Trường Hải đã công bố giảm giá cho mẫu Mazda CX5 thêm 30 - 40 triệu đồng/xe. Cụ thể, giá bán Mazda CX5 hiện giờ dao động từ 849 triệu đồng tới 950 triệu đồng, tùy phiên bản.

Cũng ngay lập tức, Toyota Việt Nam công bố chương trình “khuyến mãi khủng”, tặng gói bảo dưỡng định kỳ 3 năm, hoặc 60.000 km cho khách hàng mua xe lắp ráp trong nước do mình cung cấp trong tháng 6. Trên thị trường, giá tất cả các mẫu xe do Toyota Việt Nam lắp ráp trong nước đều giảm mạnh. Camry giảm từ 95-120 triệu đồng, Altis giảm 55-70 triệu đồng, Innova giảm từ 65-70 triệu đồng, tùy từng phiên bản.

Lắp ráp ô tô tại Công ty Hyundai - Thành Công.
Lắp ráp ô tô tại Công ty Hyundai - Thành Công.

Còn thương hiệu Hyundai do Hyundai Thành Công cung cấp cũng tiếp tục kéo dài mức khuyến mãi được áp dụng trong tháng 5 sang tháng 6. Theo đó, Hyundai Elantra và Santa Fe có mức ưu đãi đến 70 triệu đồng tiền mặt.

Dĩ nhiên, việc 3 doanh nghiệp đang có doanh số bán hàng tốt nhất trên thị trường là  Trường Hải, Toyota hay Hyundai Thành Công đưa ra các chương trình hấp dẫn giành cho khách hàng khiến các thương hiệu khác cũng nhấp nhổm không yên.

Theo báo cáo của Bộ Công thương về ngành ô tô, tính đến hết năm 2016, trong nước có 173 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, trong đó có 56 doanh nghiệp sản xuất xe từ linh kiện rời, 117 doanh nghiệp sản xuất từ xe cơ sở.

Trường Hải, Toyota hay Hyundai Thành Công đưa ra các chương trình hấp dẫn khiến các thương hiệu khác cũng nhấp nhổm không yên để giành khách hàng.

Tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 500.000 xe/năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 47%, doanh nghiệp trong nước khoảng 53%.

Bởi vậy, việc tìm ra phương thức bán hàng để đạt có được doanh số cao được các doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam triển khai mạnh mẽ, nhất là thông qua các chiến dịch tiếp thị.

Cũng tham gia cạnh tranh quyết liệt trên thị trường còn có xe nhập khẩu nguyên chiếc. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ ngồi từ đầu năm tới ngày 15/5/2017 đã đạt 20.857 xe với trị giá 329 triệu USD. Cùng kỳ năm 2016 đã có 14.290 xe ô tô dưới 9 chỗ được nhập khẩu với trị giá 229 triệu USD. Như vậy, tốc độ tăng trưởng của xe nhập khẩu vào thị trường Việt Nam là khá lớn.

Xuất khẩu hay nhập khẩu?

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng xe nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam từ khu vực ASEAN thực chất chỉ đến từ Thái Lan và Indonesia, với xu hướng tăng dần từ năm 2014 đến nay, cả về số lượng và giá trị.

Về số lượng, năm 2014, xe nhập khẩu chiếm tỷ trọng 22,7% tổng lượng xe được tiêu thụ tại Việt Nam và tăng lên 22,8% năm 2015, rồi đạt 33,7% năm 2016. Con con số tương ứng về giá trị là 16,4% - 15,9% và 29,4%.

Theo Bộ Công thương, hiện có 5 nước trong ASEAN có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam.

Số liệu thống kê của Hiệp hội ô tô ASEAN (AAF) cho thấy, công nghiệp ô tô phát triển chủ yếu ở Thái Lan và Indonesia. Sản lượng ô tô của Thái Lan đã lớn gấp đôi quy mô thị trường trong nước. Năm 2014 tuy số bán giảm so với năm 2013, nhưng từ đó đến nay đã tăng trở lại mặc dù lượng xe tiêu thụ trong nước mỗi năm một giảm. Đối với Indonesia, từ năm 2014 trở đi, sản lượng đã vượt quy mô thị trường trong nước để tiến tới xuất khẩu.

Đáng nói là xu thế xuất khẩu của hai nước này cũng trùng với xu thế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc của Việt Nam từ hai nước này từ năm 2014 trở lại đây.

Bởi vậy, sự tham gia của Việt Nam vào dây chuyền sản xuất ô tô thế giới được xem là không dễ dàng.

Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Hyundai - Thành Công cho hay, khi  thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về 0% vào năm 2018, những thương hiệu chưa có trung tâm sản xuất ở khu vực phải đưa ra quyết định tiếp tục sản xuất tại Việt Nam hay chuyển sang những nước ASEAN khác cũng đang có cơ sở sản xuất của họ.

Với thực tế Việt Nam là thị trường được đánh giá là tiềm năng nhất trong ASEAN khi thị trường ô tô tại Thái Lan và Malaysia đã bão hoà, việc có đối sách cho thị trường này cũng được các thương hiệu nổi tiếng thế giới tính tới.

“Thành Công và Trường Hải có chiến lược đầu tư tương đồng tại Việt Nam bởi đều là người Việt Nam, có niềm tự hào dân tộc, có khát khao mong muốn duy trì ngành công nghiệp ô tô trong nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động trong nước đồng thời giảm nhập siêu, dù không dễ.

Cách tiếp cận thị trường của chúng tôi có điểm tương đồng với mục tiêu tạo dựng thị trường, thị phần để làm tiền đề đàm phán, mời chào các nhà sản xuất ô tô chưa có trung tâm sản xuất tại khu vực, để từ công nghệ chuyển giao của họ bước từng bước, phân phối, lắp ráp, sản xuất.

Thực tế chúng tôi đã tạo dựng được niềm tin của thị trường và đối tác để cùng sát cánh đầu tư, chuyển giao công nghệ để mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, cần phải nhìn thẳng vào thực tế, công nghiệp ô tô chỉ phát triển được khi có sự ủng hộ của Chính phủ, thông qua các chính sách cụ thể. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, nhiều quốc gia đang tìm cách bảo hộ cho sản xuất trong nước bằng nhiều cách” ông Đức nói.

Tìm giải pháp phát triển ngành công nghiệp ô tô, xe máy Việt Nam
Triển lãm Quốc tế lần thứ 13 về Ô tô, Xe máy, Xe đạp điện và Công nghiệp phụ trợ - Saigon Autotech & Accessories 2017 sẽ được tổ chức từ ngày 25...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư