Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 24 tháng 12 năm 2024,
Sắp ban hành thông tư hướng dẫn đầu tư gián tiếp ra nước ngoài
 
Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị định 135/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rốt ráo lấy ý kiến hoàn thiện.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cùng với Nghị định 135, Dự thảo Thông tư hướng dẫn ra đời được kỳ vọng sẽ tạo khung pháp lý đồng bộ, minh bạch cho việc thực hiện của nhà đầu tư và các đối tượng liên quan, đồng thời tăng cường vai trò quản lý giám sát của cơ quan quản lý, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước đối với dòng vốn đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.

Theo Vụ Quản lý Ngoại hối (thuộc Ngân hàng Nhà nước), Dự thảo Thông tư tập trung hướng đến việc điều chỉnh và hướng dẫn thực hiện các nội dung liên quan đến phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước, cũng là lĩnh vực được NĐT quan tâm nhất. Đó là việc mở và sử dụng tài khoản để thực hiện hoạt động tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, hoạt động nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, tiêu chí lựa chọn công cụ đầu tư gián tiếp ra nước ngoài và đặc biệt là hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài cho tổ chức tự doanh là công ty tài chính tổng hợp và ngân hàng thương mại, giấy chứng nhận đăng ký nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài cho tổ chức nhận ủy thác làngân hàng thương mại.

Ngoài ra, Dự thảo Thông tư giúp hướng dẫn việc xác định tỷ lệ đầu tư an toàn của các tổ chức tự doanh, quy trình xây dựng tổng hạn mức đầu tư gián tiếp ra nước ngoài hàng năm, nguyên tắc xác định hạn mức tự doanh, hạn mức nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài…, vốn là những vấn đề khá “nóng” trong quản lý an toàn đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.

Đặc biệt, nội dung được các NĐT quan tâm liên quan đến thưởng cổ phiếu phát hành ở nước ngoài dành cho cá nhân người lao động có quốc tịch Việt Nam làm việc trong các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, cũng được quy định chi tiết tại Dự thảo Thông tư.

Cụ thể, về công cụ đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, trước mắt, Dự thảo Thông tư chỉ cho phép đầu tư vào một số loại sản phẩm tài chính cơ bản, thông dụng và có tính an toàn cao như cổ phiếu phổ thông, trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán và chứng chỉ tiền gửi. Tiêu chí lựa chọn các công cụ này dựa trên các yêu cầu: phải được niêm yết công khai trên thị trường chứng khoán nước ngoài, phải đạt mức xếp hạng tín nhiệm tối thiểu bởi các tổ chức xếp hạng quốc tế.

“Hiện nay, do trên thị trường tài chính quốc tế, các công cụ tài chính sản phẩm đầu tư chứng khoán và các giấy tờ có giá rất đa dạng, biến đổi liên tục về chủng loại, kết cấu và xếp hạng tín nhiệm. Đáng lưu ý, nhiều loại công cụ, sản phẩm có cấu trúc và đặc điểm phức tạp, lại thường xuyên thay đổi, do đó, căn cứ tình hình kinh tế tài chính trong nước và quốc tế, cũng như năng lực quản lý và quản trị rủi ro của các chủ thể tham gia, Dự thảo Thông tư quy định về công cụ và tiêu chí lựa chọn công cụ được phép đầu tư gián tiếp ra nước ngoài trên nguyên tắc từng thời kỳ xác định để đảm bảo quản lý an toàn hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài”, đại diện Vụ Quản lý Ngoại hối cho hay. Đại diện này cũng cho biết thêm, đối với các loại công cụ và tiêu chí lựa chọn khác sẽ do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng thời kỳ cụ thể để đảm bảo tính linh hoạt và hiệu quả.

Liên quan quy định về tỷ lệ đầu tư an toàn của tổ chức tự doanh, Ngân hàng Nhà nước cho biết, dựa trên cơ sở số lượng các tổ chức tự doanh là ngân hàng thương mại và công ty tài chính tổng hợp, đặc biệt là tình hình cán cân thanh toán quốc tế hiện đại, giai đoạn đầu dự kiến tỷ lệ an toàn được xác dịnh bằng 1% vốn tự có của chính các tổ chức tự doanh. Hạn mức tự doanh và nhận ủy thác đầu tư hàng năm của các ngân hàng thương mại và công ty tài chính tổng hợp được Ngân hàng Nhà nước xem xét từng thời kỳ, nhưng trong mọi thời điểm sẽ không vượt quá tỷ lệ an toàn này.

Lý giải nguyên nhân quy định trần hạn mức bắt buộc dựa trên vốn tự có này, Vụ Quản lý Ngoại hối cho rằng, chỉ tiêu vốn tự có luôn là căn cứ quan trọng để xác định các giới hạn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh Ngân hàng Nhà nước. Bản thân quy mô vốn của TCTD bao gồm rất nhiều loại như vốn tự có riêng lẻ của từng TCTD và vốn tự có hợp nhất áp dụng đối với các TCTD có các công ty con, vốn chủ sở hữu… Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường hợp vốn chủ sở hữu tuy còn hiện hữu trên bảng cân đối kế toán, song khả năng tài chính thực không còn ở mức an toàn khi xác định vốn tự có theo quy định của pháp luật đối với TCTD. Do đó, việc xác định trần hạn mức an toàn dựa trên căn cứ vốn tự có riêng lẻ của chính tổ chức tự doanh là căn cứ có tính cơ sở tương đối xác thực nhất.

Cũng theo Dự thảo Thông tư, các tổ chức tự doanh, nhận ủy thác và các trường hợp đầu tư gián tiếp ra nước ngoài theo quy định tại Nghị định 135 cần gửi báo cáo tổng hợp định kỳ hàng quý, hàng năm và dự kiến nhu cầu đầu tư năm sau cho Ngân hàng Nhà nước về tình hình tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài và nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài để Ngân hàng Nhà nước nắm bắt và giám sát được dòng vốn chuyển tiền ra nước ngoài.

Chính thức ban hành Nghị định quy định chi tiết về đầu tư ra nước ngoài
Nghị định quy định về đầu tư ra nước ngoài vừa được Chính phủ ban hành quy định chi tiết về hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm mục...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư