Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Sẽ ban hành sổ tay về tín chỉ carbon rừng
Nhung Bùi - 12/11/2024 14:34
 
Tín chỉ carbon, trong đó có tín chỉ carbon rừng, vẫn là vấn đề mới tại Việt Nam, đòi hỏi phải có những văn bản chính thức để thông tin rộng rãi.

Lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng trong giảm nhẹ phát thải khí và thích ứng với biến đổi khí hậu, là lĩnh vực duy nhất có phát thải ròng âm. Với hơn 14 triệu ha rừng, lâm nghiệp Việt Nam có vai trò quan trọng trong giảm phát thải khí nhà kính và tham gia thị trường carbon.

Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng, triển khai một số chương trình thí điểm nhằm trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng tại một số vùng sinh thái của Việt Nam.

Ví dụ tại khu vực Bắc Trung Bộ, dựa trên thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính (ERPA) vùng Bắc Trung Bộ giữa Bộ Nông Nghiệp và ngân hàng thế giới, năm 2023, Việt Nam đã hoàn thành chuyển nhượng lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon rừng khu vực Bắc Trung Bộ cho Ngân hàng Thế giới với mức giá 5 USD/tấn, và đã nhận về đủ 51,5 triệu USD.

Hiện với ERPA vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang xây dựng cơ chế thí điểm riêng, trình Chính phủ phê duyệt.

Mặc dù bước đầu đã thu được tiền từ hoạt động giảm phát thải carbon của rừng, song theo ông Triệu Văn Lực, Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp, tín chỉ carbon là vấn đề mới, và còn nhiều vướng mắc ở khâu tuyên truyền.

Ông nói rằng với dự án thí điểm tại 6 tỉnh duyên hải miền Trung và 5 tỉnh Tây Nguyên, trước hết cần xây dựng đường tham chiếu (đường carbon cơ sở) tại mỗi tỉnh để làm mốc so sánh về lượng giảm phát thải. Ngoài ra, còn phải tổng hợp lượng phát thải carbon trong hoạt động sản xuất lâm nghiệp của tỉnh đó để so với lượng giảm phát thải carbon từ rừng, có khi “phải mua thêm quyền phát thải chứ chưa chắc đã bán được”.

“Sắp tới sẽ có một quyển sổ tay về vấn đề hỏi đáp tín chỉ carbon, đặc biệt là tín chỉ carbon trong lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp. Đây là vấn đề cấp thiết”, Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp khẳng định.

Dưới sự hỗ trợ của Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), trước đó, Cục Lâm nghiệp đã chủ trì, biên soạn dự thảo “Các câu hỏi thường gặp về tín chỉ carbon rừng”.

Theo tài liệu này, tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí carbon (CO2) hoặc một tấn khí carbon tương đương (CO2tđ).

Bể hấp thụ carbon trong rừng.

Rừng có khả năng tạo ra tín chỉ carbon do rừng cô lập khí carbon trong khí quyển thông qua quá trình quang hợp và lưu giữ dưới dạng carbon trong 5 bể carbon gồm: Sinh khối trên mặt đất của thực vật sống; Sinh khối dưới mặt đất của thực vật sống; Gỗ chết; Thảm mục và vật rơi rụng; Carbon hữu cơ trong đất.

Hai bể carbon chính thường được xem xét tính toán là carbon trong sinh khối trên mặt đất và dưới mặt đất của cây gỗ sống, vì tỷ lệ carbon trong hai bể này chiếm hơn 90% tổng lượng carbon của hệ sinh thái rừng và là bể chứa biến động lớn do tác động của con người.

“Mỏ vàng” tín chỉ carbon trong ngành nông nghiệp
Nông nghiệp Việt Nam dần bắt kịp với xu hướng trao đổi tín chỉ carbon của thế giới, khi nhiều thương vụ trị giá hàng trăm triệu USD được...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư