Thứ Tư, Ngày 28 tháng 05 năm 2025,
Sẽ có giải pháp để xóa sổ các tài khoản ngân hàng "chết", “ngủ đông”
T.L - 26/05/2025 12:50
 
Cả nước có hơn 200 triệu tài khoản ngân hàng nhưng mới có 113 triệu hồ sơ được đối chiếu sinh trắc học, những tài khoản không đối chiếu có thể là tài khoản “chết”, tài khoản “ngủ đông”, tài khoản có mục đích lừa đảo…

Ngày 26/5/2025, Vụ Thanh toán (NHNN) và Thời báo ngân hàng tổ chức họp báo công bố sự kiện “Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2025”. 

Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, sau 4 năm triển khai Quyết định 810, hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế

Đáng chú ý, ngành Ngân hàng đã phối hợp với Bộ Công an triển khai có hiệu quả Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030). Ông Đoàn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, NHNN cho biết, triển khai Đề án 06 đã giúp phần giúp ngành Ngân hàng làm sạch được dữ liệu khách hàng và loại bỏ các tài khoản ngân hàng không chính chủ. Tính đến hết ngày 16/5/2025, đã đối chiếu, làm sạch hơn 130,5 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân (113 triệu hồ sơ thông qua CCCD gắn chíp/VneID; 17,5 triệu hồ sơ đối chiếu offline); và hơn 711,3 nghìn hồ sơ khách hàng tổ chức. 

Kết quả lớn nhất của ngành ngân hàng khi triển khai Đề án 06 là làm sạch dữ liệu, ngăn chặn lừa đảo. Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, kể từ khi triển khai xác thực sinh trắc học, số lượng vụ việc khách hàng bị lừa đảo mất tiền giảm mạnh. Đặc biệt, tại một số TCTD đã không có phát sinh vụ việc trong thời gian này.

Mặc dù vậy, trong số hơn 200 triệu tài khoản ngân hàng, vẫn còn hàng chục triệu tài khoản chưa xác thực sinh trắc học. Ông Phạm Anh Tuấn cho rằng, đây có thể là những tài khoản "chết", ngủ đông, có mục đích lừa đảo, gian lận. Theo quy định hiện hành, với các tài khoản "ngủ đông" như hiện nay, ngành ngân hàng chưa thể chấm dứt hoạt động.  Tuy vậy, thời gian tới, NHNN sẽ có hướng dẫn để đóng các tài khoản dạng này. 

Hiện NHNN đang xây dựng dự thảo sửa đổi Thông tư 17/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, dự kiến có hiệu lực từ 1/9 năm nay, trong đó sẽ tăng cường kiểm soát với tài khoản của tổ chức, nhằm ngăn chặn tình trạng tội phạm chuyển hướng sang sử dụng tài khoản của tổ chức để lừa đảo.

Dự thảo quy định, tài khoản tổ chức bắt buộc phải được mở trực tiếp tại quầy của tổ chức tín dụng, không chấp nhận bất kỳ hình thức mở tài khoản qua thư hoặc ủy quyền nào. Ngoài ra, NHNN cũng bổ sung quy định yêu cầu thu thập thông tin sinh trắc học của người đại diện pháp luật tổ chức khi mở tài khoản. 

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định, với tài khoản tổ chức mới thành lập trong vòng 6-9 tháng (thời gian cụ thể sẽ lấy ý kiến góp ý rộng rãi) khi thực hiện giao dịch chuyển tiền sẽ phải đối chiếu thông tin sinh trắc học của người đại diện pháp luật như với tài khoản cá nhân. 

Ông Phạm Anh Tuấn cho biết thêm, NHNN cũng đang phối hợp với Bộ Công an triển khai danh sách các tài khoản có dấu hiệu nghi ngờ rủi ro để cung cấp cho các ngân hàng. BIDV là ngân hàng đầu tiên triển khai thí điểm (từ ngày 1/4/2025). Theo báo cáo của BIDV, đến nay, sau gần 2 tháng áp dụng, đã có trên 100 tỷ đồng là tiền của khách hàng được giữ lại, tránh bị lừa đảo nhờ việc cảnh báo tài khoản nghi ngờ gian lận.

Sau BIDV, sẽ có thêm một số ngân hàng triển khai: Vietcombank (ngày 30/6), VietinBank (ngày 4/7), MB (ngày 14/7), Agribank (ngày 24/7). Sau khi các ngân hàng này hoàn thành thí điểm, NHNN sẽ triển khai trong toàn ngành ngân hàng (dự kiến ngay trong năm 2025).

Theo NHNN, hiện nhiều nghiệp vụ cơ bản của các ngân hàng thương mại đã được số hóa hoàn toàn 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền, cho vay...). Nhiều TCTD tại Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số. Đến nay, có hơn 87% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng tích cực.

Số liệu thống kê từ NHNN cho thấy, so với cùng kỳ năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong năm 2024 tăng 56,68% về số lượng và 32,79% về giá trị; qua kênh Internet tăng 49,73% về số lượng và 33,12% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 54,08% về số lượng và 34,03% về giá trị, giao dịch qua QR Code tăng 104,65% về số lượng và 97,14% về giá trị.

Tính đến tháng 3/2025, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt hơn 5,2 tỷ giao dịch, với giá trị đạt hơn 80 triệu tỷ đồng, tăng 44,43% về số lượng và tăng 24,34% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.

Năm nay, chủ đề của sự kiện  “Chuyển đổi số ngành Ngân hàng” là “Hệ sinh thái số thông minh trong kỷ nguyên mới”, thể hiện rõ thông điệp: ngành Ngân hàng lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, thúc đẩy ứng dụng các sản phẩm dịch vụ đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái số thông minh, kết nối liên thông và an toàn, hướng tới mục tiêu chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, toàn trình để tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế số.

Chia sẻ thêm lý do lựa chọn chủ đề “Hệ sinh thái số thông minh trong kỷ nguyên mới”, đại diện Ban Tổ chức cho biết, trước hết, đây là chủ đề phù hợp với mục tiêu trong kỷ nguyên mới, thể hiện quyết tâm của ngành ngân hàng trong việc tiên phong xây dựng một hệ sinh thái tài chính số hiện đại, thông minh, góp phần đưa Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trên trường quốc tế, thực hiện khát vọng dân tộc trong giai đoạn lịch sử mới; cũng như  phản ánh đúng tinh thần Nghị quyết 57 và phù hợp với chủ đề chuyển đổi số quốc gia năm 2025...

Bắt thêm đối tượng trong băng nhóm bán tài khoản ngân hàng cho tội phạm nước ngoài
Băng nhóm này lập nhiều công ty và đứng tên trên giấy phép để mở tài khoản ngân hàng rồi đem bán lại cho các đối tượng ẩn náu tại Campuchia...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư