Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 11 tháng 10 năm 2024,
SHTP hợp tác với Đại học TuDeft (Hà Lan) đào tạo nhân lực chất lượng cao
Hồng Sơn - 09/02/2018 08:21
 
Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) vừa ký kết hợp tác với Đại học TuDeft (Hà Lan) trong đào tạo lĩnh vực chế tạo, đóng gói, kiểm định và thương mại hóa linh kiện vi cơ điện tử (MEMS).
TIN LIÊN QUAN

Theo nội dung ký kết, hai bên tiếp tục hợp tác trong việc nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm các linh kiện MEMS và hệ thống ứng dụng trong lĩnh vực môi trường; Đại học Tudeft hỗ trợ đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ sư có trình độ cao, cập nhật các kiến thức mới nhất trên thế giới về lĩnh vực MEMS; Tổ chức các hội thảo quốc tế về lĩnh vực MEMS theo kế hoạch chương trình phát triển vi cơ điện tử giai đoạn 2017-2020 của TP.HCM do SHTP chủ trì và Trung tâm Nghiên cứu triển khai là đơn vị thực hiện.

Trước đó, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Chính phủ Hà Lan, SHTP vừa hoàn thành 1 khóa đào tạo lĩnh vực chế tạo, đóng gói, kiểm định và thương mại hóa linh kiện vi cơ điện tử cho 20 học viên đến từ các trường đại học, cán bộ các cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp khởi nghiệp đang hoạt động tại SHTP.

.
.

Qua khóa học, các học viên  nắm vững và thực hành  được toàn bộ quy trình công nghệ đóng gói bằng công nghệ in 3D và chế tạo thử nghiệm cảm biến lưu lượng (flow sensor) tại phòng sạch Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao TP.HCM nhằm hướng tới làm chủ công nghệ MEMS chế tạo cảm biến lưu lượng ứng dụng trong lĩnh vực cảnh báo môi trường.

Bên cạnh đó, khóa đào tạo này  đã giúp các học viên nằm vũng các kiến thức cơ bản về lý thuyết bán dẫn cơ bản về MEMS và thực hành cơ bản trong phòng sạch về các quy trình công nghệ trong chế tạo linh kiện MEMS. Thông quá khoá đào tạo này, các chuyên gia cũng chia sẻ các kinh nghiệm trong việc phân tích thị trường, phương án thương mại hóa và lựa chọn linh kiện MEMS để sản xuất thử nghiệm, tiến tới thương mại hóa linh kiện MEMS của Việt Nam.

Ông Ngô Võ Kế Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu triển khai của Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết, hiện nay đã có 2 sản phẩm MEMS được nghiên cứu thành công và đưa vào ứng dụng. Đó là, chip cảm biến gắn trên thiết bị cảnh báo ngập lụt và chip cảm biến gắn trên thiết bị quan trắc về môi trường (nước thải, chất thải) cho các doanh nghiệp. Hiện đã có hàng chục doanh nghiệp đang đầu tư, hoạt động sản xuất tại SHTP có nhu cầu sử dụng các thiết bị quan trắc nước thải, chất thải. Đây là cơ hội rất tốt để thương mại hóa các sản phẩm MEMS.

Thông tin từ SHTP cũng cho biết, Dự án Công viên Khoa học và Công nghệ TP.HCM (Khu công nghệ cao thứ 2) có  tổng diện tích 197,2 ha  đang được tích cực triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư. Theo kế hoạch, Dự án này có thể thu hút đầu tư trong năm 2019 với 5 lĩnh vực công nghệ ưu tiện hút đầu tư: Công nghệ vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin truyền thông; Công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ vũ trụ cải thiện môi trường sống; Năng lượng tái tạo; Công nghệ sinh học chuyên ngành y sinh, thiết bị y tế; Công nghệ cao tích hợp từ khoa học thông tin, sinh học, công nghệ nano, công nghệ môi trường, y sinh, sức khỏe con người.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư