Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Sóc Trăng tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư
Hữu Phúc - 18/06/2018 11:46
 
Ngày mai (19/6), tại TP. Sóc Trăng sẽ diễn ra Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng năm 2018 và phát động khởi nghiệp. Nhân dịp này, ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về lợi thế, tiềm năng, cũng như việc cải thiện môi trường đầu tư của địa phương theo hướng thông thoáng, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đến kinh doanh, đầu tư tại tỉnh Sóc Trăng.

Thưa ông, vì sao tỉnh Sóc Trăng chọn thời điểm này để tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư khi mà trước đó không lâu, nhiều địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã tổ chức hội nghị tương tự?

Công tác quảng bá, mời gọi đầu tư vào địa phương đã được tỉnh Sóc Trăng thực hiện liên tục trong nhiều năm qua với nhiều hình thức khác nhau, trong đó có việc tham gia các sự kiện xúc tiến đầu tư của vùng, của các bộ, ngành, quốc gia... và đã đạt được những kết quả quan trọng. Việc tổ chức một hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn đã được lãnh đạo tỉnh dự kiến từ lâu, chuẩn bị chu đáo và đến nay các điều kiện xem như đã “chín muồi” khi đáp ứng sẵn sàng cả hai yếu tố “cần và đủ”. 

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng tiếp đại diện Tập đoàn Mitsubishi tới tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh. Ảnh: Nguyễn Trung
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng tiếp đại diện Tập đoàn Mitsubishi tới tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh. Ảnh: Nguyễn Trung

Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng năm 2018 và phát động khởi nghiệp nhằm tuyên truyền, giới thiệu thành tựu kinh tế - xã hội, tiềm năng, thế mạnh và chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh; huy động các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để phát triển nhanh, bền vững. Đồng thời, đây cũng là dịp gặp gỡ, trao đổi trực tiếp giữa lãnh đạo Trung ương và lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp, nhà đầu tư có ý định tìm hiểu và đầu tư trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Trong khuôn khổ hội nghị này, lãnh đạo tỉnh sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư một số dự án, trao văn bản cam kết đầu tư và tín dụng, kết hợp khởi công một số dự án đầu tư trọng điểm, đồng thời phát động khởi nghiệp và ra mắt cộng đồng khởi nghiệp tỉnh Sóc Trăng. 

Dự kiến có khoảng 500 đại biểu gồm: đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, các tổ chức quốc tế, các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức tài chính - tín dụng, các tổ chức xúc tiến thương mại - đầu tư; các hiệp hội, tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước... tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng năm 2018 và phát động khởi nghiệp. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. 

Cùng là địa phương nằm trong vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước, nhưng theo ông, đâu là lợi thế so sánh của tỉnh Sóc Trăng so với các địa phương khác?

Nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Sóc Trăng có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp, nhờ thuận lợi về thời tiết và thổ nhưỡng thích hợp cho nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, lợi thế khác biệt của Sóc Trăng so với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long là tiềm năng về phát triển tổng hợp kinh tế biển, với các ngành như: năng lượng sạch, cảng biển, dịch vụ vận tải biển… 

.
Ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng

Trong đó, tiềm năng điện gió của Sóc Trăng rất lớn. Khu vực bãi bồi ven biển tỉnh Sóc Trăng chạy dài 72 km có tiềm năng gió rất lớn, với tốc độ gió trung bình hàng năm hơn 6m/giây. Hơn nữa, Sóc Trăng là địa phương ít bị ảnh hưởng của các cơn bão nên là lựa chọn rất tuyệt vời cho các nhà đầu tư điện gió.

Trở ngại lớn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Đồng bằng sông Cửu Long là không có cảng biển nước sâu để tiếp nhận tàu có trọng tải lớn. Nhằm khắc phục hạn chế đó, nhiều năm qua, tỉnh Sóc Trăng đã đề xuất xây dựng cảng biển nước sâu tại cửa biển Trần Đề. Đề xuất này dựa trên cơ sở nào, thưa ông?

Với chiều dài bờ biển 72 km, có 3 cửa sông lớn ra biển, trong đó Định An và Trần Đề là 2 cửa ngõ quan trọng ra vào biển Đông của các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã tạo lợi thế cho Sóc Trăng phát triển hệ thống cảng biển, vận tải biển. 

Qua nhiều năm khảo sát, các chuyên gia về hàng hải cho rằng, vị trí xây dựng cảng biển nước sâu nên đặt ngoài cửa biển Trần Đề (Sóc Trăng), do nơi đây ít bị bồi lấp, không phải nạo vét. Hơn nữa, với vị trí nằm ở trung tâm vùng hạ lưu sông Hậu, cảng nước sâu xây dựng tại đây sẽ thu hút được hàng hóa đi và đến các nơi trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long thuận tiện và ngắn nhất.

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương bổ sung Cảng biển Trần Đề vào Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, đồng thời chỉ đạo ưu tiên vận động vốn ODA và vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài để thực hiện Dự án. Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông - Vận tải cũng đã ủng hộ, nhất trí trình Thủ tướng bổ sung quy hoạch Cảng biển Trần Đề thành cảng biển loại đặc biệt, có vai trò là cảng biển cửa ngõ quốc tế, phục vụ làm hàng xuất nhập khẩu trực tiếp cho Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, những lĩnh vực nào đang được tỉnh Sóc Trăng ưu tiên thu hút đầu tư, thưa ông ?

Ba lĩnh vực ưu tiên mà Sóc Trăng đang hướng đến kêu gọi đầu tư là: nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch. Bên cạnh đó, Sóc Trăng cũng đang kêu gọi, tìm kiếm các nhà đầu tư trên các lĩnh vực: kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp; trung tâm thương mại, siêu thị, chợ; cảng biển, vận tải biển. 

Toàn tỉnh quy hoạch 6 khu công nghiệp nằm ở các vị trí rất thuận lợi về giao thông. Trong đó, Khu công nghiệp An Nghiệp (huyện Châu Thành) đã lấp đầy trên 90% diện tích. Các khu còn lại đang được tiếp tục kêu gọi đầu tư như Khu công nghiệp Trần Đề, Khu công nghiệp Sông Hậu, Khu công nghiệp Đại Ngãi... 

Sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương đối với doanh nghiệp ra sao khi họ triển khai các hoạt động kinh doanh, đầu tư trên địa bàn tỉnh, thưa ông?

Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế mà nhà đầu tư có thể khai thác ở địa phương, khi đến với Sóc Trăng, doanh nghiệp sẽ nhận được sự hỗ trợ trong suốt quá trình kể từ khi tìm hiểu dự án cho đến khi hoạt động sản xuất - kinh doanh. Trong đó, thủ tục hành chính là vấn đề đầu tiên mà tỉnh cam kết thực hiện một cách thông thoáng và thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. 

Hiện nay, Sóc Trăng có một bộ phận đầu mối (Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp) tư vấn, hỗ trợ nhà đầu tư chuẩn bị, hoàn thiện các hồ sơ thủ tục. Lãnh đạo Tỉnh đã chỉ đạo, quán triệt cán bộ, công chức trong toàn hệ thống cơ quan nhà nước giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho doanh nghiệp một cách linh hoạt, cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; phương châm giải quyết thủ tục là “hết việc chứ không hết giờ”. Để tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, tỉnh đang khẩn trương chuẩn bị thành lập và sẽ đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công trong quý II năm nay.

Bên cạnh việc tạo thông thoáng về thủ tục hành chính, tỉnh sẽ hỗ trợ tạo quỹ đất sạch để các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận và triển khai thực hiện các dự án; đồng thời bảo đảm đầu tư đồng bộ về hạ tầng đến chân hàng rào dự án. Ngoài ra, tỉnh sẽ giúp kết nối, đào tạo và tuyển dụng lao động theo nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Trong quá trình đầu tư và hoạt động sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp có thể liên hệ gặp trực tiếp Chủ tịch, Bí thư Tỉnh ủy để phản ánh, trao đổi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh. Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng khẳng định và cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư triển khai nhanh chóng các dự án trên địa bàn.

Đề xuất nâng cảng Sóc Trăng thành cảng biển cửa ngõ quốc tế
Cảng biển Sóc Trăng được đề xuất nâng quy hoạch thành cảng biển đặc biệt (loại IA) với vai trò cảng cửa ngõ quốc tế phục vụ phát triển...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư