Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 18 tháng 05 năm 2024,
Sớm có giải pháp ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu
Thanh Huyền - 27/04/2023 11:03
 
Để giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Chính phủ cần sớm có chính sách, giải pháp ứng phó hiệu quả.
Việt Nam đang tìm giải pháp để giảm thiểu tác động với nhà đầu tư khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Ảnh: Đức Thanh

Nhà đầu tư nước ngoài “nóng ruột”

Giải pháp thiết thực và kịp thời để bảo đảm đầu tư, bù đắp lợi ích cho doanh nghiệp trong trường hợp ưu đãi thuế bị tác động bởi thuế tối thiểu toàn cầu là vấn đề được gần như tất cả đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đề xuất tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt nhà đầu tư nước ngoài cuối tuần trước.

Vấn đề này cũng được nhiều chuyên gia hàng đầu của các tổ chức tư vấn quốc tế thảo luận, đề xuất giải pháp cho Việt Nam tại hội thảo quốc tế do Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức đầu tuần này.

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk chia sẻ, thuế tối thiểu toàn cầu là một thỏa thuận mới nhằm bảo đảm các doanh nghiệp đa quốc gia phải nộp tỷ lệ thuế công bằng ở nơi hoạt động và tạo lợi nhuận. Thỏa thuận này được ký kết bởi 163 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Bà Carolyn Turk cho biết, thuế tối thiểu toàn cầu không trực tiếp ràng buộc các quốc gia áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu 15%, thay vào đó, quy tắc này cho phép các quốc gia áp thuế bổ sung nếu công ty con của doanh nghiệp nộp thuế với thuế suất thấp hơn tại các quốc gia khác. Do vậy, các quốc gia có động lực nâng thuế thu nhập doanh nghiệp lên tối thiểu mức 15%.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Đặng Ngọc Minh phân tích, nếu Việt Nam áp dụng quy định thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn, sẽ có quyền đánh thuế bổ sung đối với những doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang được hưởng thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu 15%, từ đó sẽ tăng thu ngân sách nhà nước.

Theo ông Minh, trong trường hợp Việt Nam không thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung thì toàn bộ số thuế ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI sẽ được các nước có doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam thu về ngân sách của họ.

Mặt khác, khi Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu đối với những doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu (các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu EUR, hay 800 triệu USD trở lên) và có công ty con ở nước khác có số thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế thấp hơn mức tối thiểu thì sẽ thu thêm được thuế thu nhập doanh nghiệp từ những doanh nghiệp này, từ đó tăng thu ngân sách nhà nước.

Cần sớm có một nghị quyết của Quốc hội

Tại cuộc gặp với các nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu rõ, Chính phủ đã và đang chỉ đạo khẩn trương rà soát, có các giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ khác ngoài thuế trên cơ sở không trái với các quy định và cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giữa các bên, bảo đảm ứng xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp (như hỗ trợ liên quan đến đất đai; chi phí nghiên cứu khoa học và công nghệ; cải cách thủ tục hành chính; phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đào tạo nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng…) để khuyến khích các nhà đầu tư hiện hữu và các nhà đầu tư mới.

Chính phủ đã chỉ đạo khẩn trương rà soát, có các giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ khác ngoài thuế trên cơ sở không trái với các quy định và cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giữa các bên.

Đồng thời, tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định và xây dựng lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và áp dụng phù hợp với Việt Nam, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, đặt ra yêu cầu đến ngày 1/1/2024 có thể sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm nội luật hóa các cam kết về thuế tối thiểu toàn cầu là điều khó khả thi. Do đó, quá trình triển khai của Việt Nam cần chia thành hai giai đoạn, trước mắt cần có nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này.

Nghị quyết của Quốc hội không chỉ để thực hiện thí điểm việc áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu trước khi việc sửa đổi các luật về thuế và các văn bản liên quan hoàn thành, mà nghị quyết cần nhìn nhận tổng thể các vấn đề liên quan đến an ninh kinh tế, cấu trúc các ngành, phân cấp phân quyền trong quản lý FDI…

Để hạn chế tác động tiêu cực của thuế tối thiểu toàn cầu đối với thu hút đầu tư tại Việt Nam, ông Đặng Ngọc Minh hiến kế, cần có các giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp, nhưng phải đảm bảo không vi phạm quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu, phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế, công khai minh bạch, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường đầu tư của Việt Nam.

Theo đó, các giải pháp hỗ trợ có thể bao gồm việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư hạ tầng cơ bản cho sản xuất, đầu tư hình thành tài sản cố định cho sản xuất công nghiệp, bảo vệ môi trường, hỗ trợ nhà ở cho công nhân, hỗ trợ bảo hiểm xã hội, y tế cho người lao động, hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường. Để thực hiện được chương trình hỗ trợ, Nhà nước cần bố trí các nguồn lực tài chính, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực để duy trì sức hấp dẫn và ổn định môi trường đầu tư.

“Việt Nam cũng cần trao đổi ý tưởng và bài học kinh nghiệm với các quốc gia khác, đặc biệt là những cách tiếp cận và kinh nghiệm của các nền kinh tế mới nổi khác trong ASEAN”, GS-TS. Andreas Stoffers, Giám đốc quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) tại Việt Nam khuyến nghị.

Chính phủ yêu cầu làm rõ 5 vấn đề đối với thuế tối thiểu toàn cầu
Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính phân tích, đánh giá thật đầy đủ, toàn diện tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đối...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư