Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 12 tháng 10 năm 2024,
Sóng ngầm sau gói kích thích kinh tế của Trump
Bất đồng giữa Trump và Fed, Nhà Trắng với Quốc hội, thậm chí nội bộ Nhà Trắng khiến Mỹ khó thống nhất chính sách xoa dịu tác động của Covid-19.

Vì Covid-19 ảnh hưởng đến hầu hết khía cạnh của hoạt động kinh doanh, các quan chức trong chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm cách gạt bỏ những mâu thuẫn để hợp tác hành động, làm dịu ảnh hưởng của dịch bệnh đến kinh tế. Tuy nhiên, quá trình này không hề đơn giản.

Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và cố vấn cấp cao Nhà Trắng Larry Kudlow chịu trách nhiệm các chính sách thúc đẩy kinh tế. Tuy nhiên, Mnuchin phải đối mặt với những bất đồng từ ngay bên trong Nhà Trắng. Tổng thống Trump liên tục chỉ trích Fed, kêu gọi cơ quan này cắt giảm thêm lãi suất. Trong khi đó, các nhân viên cấp cao của tổng thống bày tỏ quan điểm khác nhau về cách tốt nhất để bảo vệ tăng trưởng kinh tế.

Việc lập phương án hỗ trợ nền kinh tế trước dịch bệnh được Nhà Trắng bắt đầu vào cuối tuần trước. Khi Trump tiếp Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, các trợ lý của Bộ Tài chính đã hối hả hoàn thiện gói chính sách gồm 12-15 đề xuất để trình lên Tổng thống.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, Phó Tổng thống Mike Pence và Bộ trưởng tài chính Steven Mnuchin gặp các nghị sĩ đảng Cộng hòa hôm 10/3. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Donald Trump, Phó Tổng thống Mike Pence và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin gặp các nghị sĩ đảng Cộng hòa hôm 10/3. Ảnh: AP

Đến thứ hai (9/3), thị trường chứng khoán lao dốc buộc Trump hành động. Trong một cuộc họp căng thẳng tại Phòng Bầu dục, cố vấn thương mại Peter Navarro cho rằng nên cắt giảm thuế lương ngay lập tức nhằm thúc đẩy nhu cầu và hỗ trợ tăng trưởng. Cố vấn cấp cao Jared Kushner và Giám đốc các vấn đề lập pháp Eric Ueland ủng hộ. 

Tuy nhiên, Mnuchin và Kudlow cho rằng việc này không ổn và nên tập trung vào biện pháp hẹp hơn, như chính sách nghỉ ốm kéo dài cho công nhân. Dù vậy, Tổng thống vẫn chốt quan điểm kêu gọi giảm thuế lương. 

Hôm sau (10/3), cả đảng Dân chủ và Cộng hòa dội gáo nước lạnh vào Trump khi bác bỏ ý tưởng này trong cuộc họp với Tổng thống. Vài quan chức Nhà Trắng sau đó thừa nhận ý tưởng giảm thuế lương khó có tác dụng.

"Chúng tôi từng thấy Tổng thống làm vậy trước đây. Tức là chính sách được công bố trước cả khi nó được quyết định chính thức", Cornerstone Macro, Nguyên cố vấn chính sách của Nhà Trắng bình luận.

Sáng ngày 11/3, Mnuchin nói chuyện với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và ông Trump. Sau đó, Nhà Trắng kêu gọi các nhà lập pháp phê duyệt một gói khiêm tốn hơn, bao gồm cứu trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

"Gói này không bao gồm tất cả mọi thứ", ông Mnuchin nói với các phóng viên sau một phiên điều trần trước Ủy ban Thẩm định Nhà ở. "Đây mới là vòng một", bộ trưởng này cho biết, nhấn mạnh sẽ còn những biện pháp tiếp theo.

Chính quyền đang nghiên cứu các biện pháp rộng hơn, bao gồm hỗ trợ cho công nhân và các ngành công nghiệp bị virus tấn công, chẳng hạn như các hãng hàng không, Mnuchin nói. Bộ Tài chính cũng đang lên kế hoạch gia hạn thời hạn nộp thuế cho hầu hết tất cả người Mỹ, trừ những người siêu giàu. Ông ước tính việc gia hạn sẽ bơm thêm khoảng 200 tỷ USD vào nền kinh tế.

"Tôi đảm bảo với công chúng Mỹ rằng chúng ta sẽ có một kế hoạch kinh tế đầy đủ để đối phó. Và tôi tin rằng sẽ có sự hỗ trợ của lưỡng đảng", Mnuchin nói.

Tối hôm đó, từ Phòng Bầu dục, Trump ban bố lệnh cấm bay 30 ngày từ châu Âu đến Mỹ. Ông cũng nhắc lại lời kêu gọi giảm thuế lương và cho biết sẽ tìm thêm 50 tỷ USD phục vụ hoạt động cho vay lãi suất thấp.

Tại Hạ viện, đảng Dân chủ đã lên kế hoạch công bố chính sách  xét nghiệm miễn phí bắt buộc đối với Covid-19, gia hạn bảo hiểm thất nghiệp và trả tiền nghỉ ốm cho những cá nhân nhiễm virus hay cần phải cách ly. Một số trong những ý tưởng đó có sự hỗ trợ của Nhà Trắng.

Để làm việc trơn tru hơn, giới quan sát cho biết giờ Mnuchin đã được giao nhiệm vụ đưa ra một biện pháp thỏa hiệp mà cả Tổng thống, nghị sĩ Dân chủ ở Hạ viện và nghị sĩ Cộng hòa ở Thượng viện có thể chấp thuận.

Wall Street Journal bình luận rằng, những nỗ lực của Trump cho đến nay trái ngược với cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Khi ấy, Tổng thống George W. Bush công bố gói giảm thuế trị giá 145 tỷ USD sau khi tham khảo ý kiến các lãnh đạo hai đảng. Hạ viện thông qua phiên bản riêng của gói kích thích chưa đầy hai tuần sau đó. Cả Hạ viện và Thượng viện cũng đồng ý về một thỏa thuận chỉ sau một tuần.

Thời điểm đó, Fed cắt giảm lãi suất hai lần, với tổng 1,25%. Trong những tháng tiếp theo, khi nền kinh tế tiếp tục lao dốc, Bộ Tài chính và Fed đứng chung mặt trận. Sự bất đồng giữa Fed và Nhà Trắng không bao giờ xuất hiện trước công chúng.

Ngược lại, ông Trump hôm thứ ba (10/4) tiếp tục chỉ trích Fed, gọi họ là  "thảm hại" và phản ứng chậm chạp sau khi cắt giảm lãi suất khẩn cấp. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell - mục tiêu chỉ trích thường xuyên trên truyền thông xã hội của ông Trump - vẫn duy trì quan hệ làm việc vững chắc với Mnuchin.

Hai người liên lạc hàng ngày để kiểm soát tình hình thị trường tài chính gần đây. Về phía mình, Powell tránh lên tiếng về các cuộc tranh luận chính sách tài khóa cụ thể. Tuy nhiên, nếu lãi suất được hạ xuống 0, Fed có thể sẽ tìm đến Quốc hội và Nhà Trắng để thúc đẩy nền kinh tế theo cách khác. 

"Dịch bệnh lây lan thì cần giải pháp trên nhiều phương diện", Powell nói trong cuộc họp báo tuần trước, "Trong đó bao gồm chính sách tài khóa, nếu phù hợp", ông nhận định.

Việt Nam đã cần gói kích thích kinh tế?
Kinh tế Việt Nam được dự báo là sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch cúm nCoV. Nhưng liệu đã cần thiết để có một gói kích thích kinh tế?
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư