Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Start-up cần cẩn trọng với các điều khoản hợp đồng khi gọi vốn
Hồng Phúc - 05/11/2020 16:32
 
Nếu bỏ qua các bước tìm hiểu pháp lý, kiểm tra điều khoản hợp đồng, start-up có thể đối mặt nguy cơ mất dần cơ hội điều hành doanh nghiệp do chính mình tạo ra.
Các diễn giả chia sẻ tại Hội thảo Thu hút vốn đầu tư mạo hiểm cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vừa được tổ chức tại TP.HCM.
Các diễn giả chia sẻ tại Hội thảo Thu hút vốn đầu tư mạo hiểm cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vừa được tổ chức tại TP.HCM.

“Mùa đông” gọi vốn

Nguồn vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Đông Nam Á tiếp tục giảm trong quý III/2020 do tác động tiêu cực từ Covid-19. Điều đáng quan tâm là, lượng vốn đầu tư vào start-up tại Việt Nam trong quý III/2020 chỉ chiếm 0,9% tổng giá trị đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp ở  Đông Nam Á, trong khi, Singapore thu hút tới 57,8%, Indonesia thu hút 32,5%.

Bà Hoàng Thị Kim Dung, Trưởng đại diện Genesia Ventures tại Việt Nam cho rằng, con số trên phản ánh mức độ tác động của đại dịch Covid-19 đến hoạt động giao dịch và tâm lý nhà đầu tư.

“Nhiều người ví, năm nay là mùa đông gọi vốn, vì kinh doanh khó khăn, các nhà đầu tư nước ngoài khó gặp gỡ trực tiếp để đàm phán. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có tâm lý hoang mang vì thị trường, nhu cầu tiêu dùng thay đổi…”, bà Dung chia sẻ.

Genesia Ventures tập trung đầu tư vào giai đoạn gọi vốn ban đầu của các start-up tại 3 thị trường chính: Nhật Bản, Indonesia và Việt Nam. Riêng tại Việt Nam, từ tháng 2/2020 đến nay, quỹ ngoại này giải ngân vốn vào 3 dự án khởi nghiệp với tổng giá trị gần 2 triệu USD.

Bà Dung tiết lộ, quyết định đầu tư vào các start-up này đến từ trước khi Covid-19 xuất hiện và cả trong thời điểm đại dịch đang diễn biến phức tạp. Genesia Ventures thực hiện giải ngân, dù vẫn còn đôi chút băn khoăn về hiệu quả từ mô hình kinh doanh của các start-up trong tình hình mới.

“Chúng tôi tin tưởng, đội ngũ sáng lập start-up có khả năng ứng biến trước đại dịch. Trong giai đoạn khó khăn này, các start-up rất cần sự hỗ trợ từ nhà đầu tư”, bà Dung nói.

Trên thực tế, dù vấp phải nhiều trở ngại từ Covid-19, nhưng “nghề” của các quỹ đầu tư vẫn là tìm kiếm start-up tiềm năng để giải ngân. Thế nên, trong bối cảnh khó khăn, vẫn có không ít công ty khởi nghiệp thành công trong việc thuyết phục các quỹ đầu tư.

Vietnam Investments Group (VIGroup) - quỹ đầu tư quản lý 500 triệu USD, đã đầu tư vào nhiều start-up và doanh nghiệp có tên tuổi trên thị trường như Beta, Gemadept, Seedcom… - cũng có 2 thương vụ giải ngân trong 9 tháng đầu năm nay.

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Giám đốc đầu tư VIGroup đánh giá, điểm tích cực của Covid-19 là góp phần sàng lọc các công ty hoạt động không hiệu quả. “Chúng tôi tin rằng, doanh nghiệp nào vượt qua đại dịch sẽ có thể vượt lên, đủ sức cạnh tranh đường dài và chi phối thị trường. Thế nên, VIGroup đã giải ngân vào một start-up vì tin tưởng, họ có thể thành công trong các vòng tiếp theo vào 2 năm tới”, ông Việt chia sẻ.

Nghiên cứu kỹ các vấn đề pháp lý

Với những kinh nghiệm khởi nghiệp thực tế, ông Nguyễn Xuân Đông, đồng sáng lập Ecomobi nhấn mạnh, start-up cần chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận làn sóng đầu tư trong thời gian tới, nhưng không nên gọi vốn bằng mọi giá hay đua theo phong trào. Đặc biệt, ông Đông lưu ý, start-up phải xác định rõ mục tiêu gọi vốn và nghiên cứu kỹ các vấn đề pháp lý để tránh những rắc rối sau khi nhận giải ngân, như mất dần quyền sở hữu, điều hành doanh nghiệp.

Ông Hoàng Minh Đức, luật sư cấp cao tại Duane Morris (công ty luật của Mỹ có 13 năm hoạt động tại Việt Nam) cũng liên tục nhấn mạnh tính pháp lý cũng như chú ý các điều khoản hợp đồng khi gọi vốn.

“Các nhà sáng lập cần tránh tư tưởng chủ quan, cho rằng mình hiểu hết các điều khoản, vì nhiều vấn đề rất phức tạp. Start-up có thể tìm đến các hãng tư vấn luật, tới các sự kiện có luật sư mà mình tin tưởng tham gia để gặp gỡ và hỏi thêm”, ông Đức gợi ý.

Vị luật sư này cũng lưu ý các start-up về “term sheet” (còn gọi là bản về các điều khoản đầu tư). Nội dung chính của bản điều khoản đầu tư này thường gồm số tiền, cách giải ngân, số lượng cổ phần sở hữu, quyền lợi liên quan.

“Term sheet không có tính ràng buộc về pháp lý, nhưng cực kỳ quan trọng, mà một khi đã ký là mở đường cho hàng loạt giao dịch về sau, như hợp đồng mua cổ phần, điều lệ, thỏa thuận cổ đông”, ông Đức chia sẻ thêm.

Hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam còn non trẻ so với nhiều quốc gia trong khu vực như Singapore hay Indonesia. Tuy nhiên, chính sự non trẻ này lại được các nhà đầu tư đánh giá là tiềm năng trong tương lai.

Đội ngũ Genesia Ventures tại Việt Nam cũng nhìn nhận, Việt Nam là thị trường đầu tư tiềm năng tại khu vực Đông Nam Á. Từ kinh nghiệm đầu tư tại 3 thị trường chính của Genesia và một số thương vụ ở Mỹ, Kenya, bà Dung đưa ra một số đề xuất nhằm xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Theo đó,  cần tăng cường nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo chất lượng cao; đơn giản, minh bạch hóa, chuẩn hóa các thủ tục pháp lý cho hoạt động đầu tư.

Theo bà Dung quy trình thủ tục gây tốn kém về thời gian, nhân lực, chi phí phát sinh… có thể khiến quỹ ngoại lo ngại về quyết định đầu tư. Đây cũng là một phần lý do khiến kết quả thu hút vốn đầu tư.

vào lĩnh vực khởi nghiệp tại Việt Nam còn khoảng cách xa so với Singapore. Ngoài ra, chuyên gia  này còn đề xuất xây dựng Luật Bảo hộ nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm tạo động lực thu hút vốn.

Nữ start-up gặp khó khi gọi vốn: Rào cản không phải ở giới tính
Việc huy động vốn vào start-up do nữ sáng lập thường khó khăn hơn so với đồng nghiệp nam. Nhưng, vấn đề không nằm ở... giới tính.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư