Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Các start-up gọi vốn không chỉ vì tiền
Hồng Phúc - 28/10/2020 09:51
 
Mỗi start-up sẽ có lộ trình và giá trị gọi vốn khác nhau, song đôi khi, giá trị lớn nhất mà start-up nhận được từ các nhà đầu tư không chỉ là số tiền thỏa thuận rót vốn.
.
Thực tế cho thấy, mối quan hệ, kinh nghiệm thương trường... từ nhà đầu tư có giá trị không kém so với số tiền đầu tư vào các start-up.

Giá trị thực sự của nhà đầu tư

Sau 6 năm thành lập, Beta Corporation - đơn vị sở hữu chuỗi rạp phim giá rẻ Beta Cinemas vừa hoàn tất thỏa thuận và nhận vốn đầu tư 8 triệu USD từ Quỹ đầu tư Daiwa PI Partner (Nhật Bản). Trước đó, Beta đã gọi vốn thành công từ Vietnam Investment Group - VIG và Tập đoàn Tài chính Blue Hồng Kông.

Bà Nguyễn Hoàng Minh Thủy, Giám đốc tài chính Beta Corporation cho biết, việc xác định thời điểm, quy mô gọi vốn và nhà đầu tư… phụ thuộc vào mô hình kinh doanh của start-up. Mô hình rõ ràng, lĩnh vực hoạt động có thị trường phát triển là điểm cộng cho start-up tiếp cận nhà đầu tư kỳ vọng.

Kế hoạch gọi vốn luôn được đội ngũ Beta chuẩn bị trước ít nhất 1 năm. Các vòng gọi vốn sau thường có quá trình chuẩn bị dài hơn, thời gian từ khi bắt đầu tiếp cận nhà đầu tư đến khi chốt thương vụ cũng lâu hơn các vòng đầu, vì số tiền gọi vốn và tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư cao hơn. Hơn nữa, các vòng gọi vốn sau mang tính chiến lược nhiều hơn, không đơn thuần vì mục tiêu “nuôi sống” doanh nghiệp, mà để chiếm thị trường, dẫn đầu một mảng cố định.

Gọi vốn dù không còn là chủ đề mới với cộng đồng khởi nghiệp, nhưng chưa bao giờ là đơn giản. Cần bao nhiêu vốn, định giá doanh nghiệp ra sao, có cần sự hỗ trợ, tư vấn từ các hãng luật hay không… luôn là những câu hỏi không dễ trả lời đối với đội ngũ sáng lập, song nó sẽ bớt phức tạp nếu họ xác định rõ mục tiêu, biết nguồn lực nội bộ đang ở mức nào.

Là nền tảng trực tuyến kết nối không gian làm việc, phòng họp, phòng hội thảo…, sau hơn 1 năm ra mắt, SpaceShare đã thực hiện 2 lần gọi vốn từ quỹ đầu tư Nhật Bản.

Chu Dương Hải Anh, đồng sáng lập SpaceShare tiết lộ, từ khi nền tảng này chuẩn bị ra mắt, đội ngũ đã đặt ra lộ trình phát triển cụ thể, từng giai đoạn cần gọi bao nhiêu vốn, nhắm đến nhà đầu tư nào... Thời gian từ khi chuẩn bị đến khi chốt thương vụ khoảng 1 - 1,5 năm và SpaceShare thường tiếp xúc khoảng 10 nhà đầu tư trước khi tìm được đối tác phù hợp nhất. SpaceShare đã nhận được nhiều chia sẻ về cải tiến sản phẩm, nhu cầu thị trường… từ các nhà đầu tư này, kể cả khi không chốt được thương vụ.

“Nhà đầu tư ở vòng gọi vốn ban đầu có thể không tham gia điều hành, nhưng start-up có thể tận dụng các mối quan hệ của họ. SpaceShare tiếp cận được đối tác đầu tư thứ hai từ sự giới thiệu của nhà đầu tư đầu tiên. Họ bảo chứng cho những điều chúng tôi đang làm được và sẽ làm được trong tương lai”, Hải Anh chia sẻ.

Thực tế cho thấy, mối quan hệ, kinh nghiệm thương trường... từ nhà đầu tư có giá trị không kém so với số tiền đầu tư vào các start-up. Các nhà sáng lập, vận hành Beta Corporation SpaceShare cũng khẳng định, họ tìm đến nhà đầu tư không chỉ vì tiền, dù đây là giá trị đầu tiên có thể nhận được.

Hải Anh cho biết, SpaceShare nhận được nhiều lời đề nghị rót vốn lớn hơn, nhưng họ vẫn lựa chọn nhà đầu tư đang hợp tác, vì muốn nhận được sự hỗ trợ cả về mối quan hệ và chiến lược phát triển…

Còn với Beta Corporation, ngay từ khi đàm phán khi gọi vốn, các nhà sáng lập đã xác định rõ vai trò của nhà đầu tư, ví dụ: chỉ là cổ đông hay có thể tham gia vào ban giám đốc…

“Đến lúc này, nhà đầu tư có tầm ảnh hưởng lớn nhất đối với Beta là VIG, nhưng sắp tới, chúng tôi cần một nhà đầu tư để đưa Beta lên một tầm phát triển mới”, Giám đốc tài chính Beta Corporation tiết lộ về lần gọi vốn kế tiếp, với giá trị gọi vốn có thể không quá khác biệt so với các vòng trước, nhưng mục tiêu là để dẫn đầu một mảng như đội ngũ này kỳ vọng.

Lưu ý thủ tục pháp lý

Từng hỗ trợ nhiều start-up trong quá trình gọi vốn, luật sư Lê Văn Dương (Indochine Counsel) lưu ý, các start-up cần dự trù thời gian hoàn thành thủ tục pháp lý để không rơi vào bị động, đảm bảo sự hoạt động của doanh nghiệp khi chưa nhận được vốn đầu tư.

Cụ thể, nếu gọi vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, theo lý thuyết, từ khi 2 bên ký kết đến khi giải ngân có thể là 20 - 30 ngày, nhưng thực tế vẫn có thể kéo dài 3 - 4 tháng (hoặc lâu hơn), phụ thuộc ngành nghề kinh doanh của start-up có thuộc danh mục có điều kiện hay không, có trong cam kết WTO hay không… cùng nhiều thủ tục hành chính khác.

Dù vậy, theo kinh nghiệm từ đại diện Beta, quá trình đàm phán với nhà đầu tư khiến start-up này mất nhiều thời gian nhất, chứ không phải các thủ tục hành chính.

Đại diện Beta phân tích, nhà đầu tư và start-up thường ký kết hợp đồng vay chuyển đổi, trong đó, start-up vay một khoản vốn từ nhà đầu tư và thỏa thuận rằng khoản vay có thể được hoàn trả cùng với lãi suất hoặc chuyển đổi thành cổ phần vào một thời điểm trong tương lai. Trước khi nợ được chuyển đổi, nhà đầu tư không nắm giữ cổ phần của doanh nghiệp, nên không có quyền can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp nếu không có thỏa thuận khác.

Hình thức huy động qua nợ chuyển đổi thường được sử dụng khi start-up chưa có cơ sở để định giá, hoặc khi họ tin rằng, giá trị của mình sẽ tăng mạnh trong tương lai gần. Với hình thức này, start-up có thể bảo vệ được giá trị cổ phần, nhà đầu tư cũng gặp ít rủi ro hơn.

Từ kinh nghiệm thực tế, bà Minh Thủy chia sẻ, nhiều người nghĩ rằng, với dạng hợp đồng này, vốn đầu tư cho start-up sẽ được giải ngân nhanh hơn để chi cho các khoản cấp bách, nhưng thực tế, hợp đồng này có nhiều nhược điểm.

“Tiền về chậm không phải quá tệ. Nếu tiền về nhanh mà quá trình kinh doanh sau đó biến đổi không theo đàm phán trên hợp đồng, sẽ gây khó cho cả 2 bên và lại cần nhiều thời gian hơn để xử lý”, bà Thuỷ lưu ý. Giám đốc tài chính Beta Corporation cho biết, start-up này đã thuê luật sư tư vấn ngay từ khi bắt đầu thực hiện gọi vốn nhằm hạn chế đến mức tối đa các rủi ro liên quan.

Thực tế cho thấy, mối quan hệ, kinh nghiệm thương trường... từ nhà đầu tư có giá trị không kém so với số tiền đầu tư vào các start-up.

Start-up Lê Ngọc Thảo: Pháp có pho mát, Nhật Bản có Miso... thì Việt Nam có mắm
Khởi nghiệp với sản phẩm mắm xứ Gò truyền thống, Lê Ngọc Thảo chỉ mong mọi người nhớ đến Việt Nam, sẽ nhớ đến xứ của các loại mắm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư