Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Startup Rada nhận 1 tỷ đồng từ gói hỗ trợ khởi nghiệp của Facebook
Vân Anh (ICTNews) - 26/09/2016 09:16
 
Rada, ứng dụng kết nối dịch vụ theo yêu cầu vừa được nhận được gói hỗ trợ trị giá 40.000 USD (tương đương khoảng 1 tỷ đồng) từ chương trinh hỗ trợ khởi nghiệp FbStart của Facebook.

Dại diện Công ty cổ phần Rada vừa xác nhận với PV thông tin ứng dụng Rada của công ty đã được Facebook phê duyệt tham gia chương trình hỗ trợ khởi nghiệp FbStart.

Chương trình này được Facebook triển khai bằng cách hợp tác với các đối tác của mình nhằm hỗ trợ các công ty/sản phẩm khởi nghiệp trên nền tảng di động bao gồm các công cụ, dịch vụ miễn phí cùng các quyền lợi kèm theo cũng như các chương trình hướng dẫn.

Cụ thể, các công ty khởi nghiệp được chấp nhận tham gia chương trình Fbstart như Công ty cổ phần Rada sẽ được nhận gói hỗ trợ trị giá 40.000 USD với các công cụ, dịch vụ miễn phí từ Facebook và hơn 30 đối tác của Facebook như Amazon, UserTesting, App Annie, MailChimp... để xây dựng, phát triển và gia tăng khách hàng cho ứng dụng di động của đơn vị mình.

Bên cạnh đó, cũng như khoảng hơn 200 công ty khởi nghiệp khác tại Việt Nam đang tham gia chương trình Fbstart, Rada cũng sẽ có cơ hội kết nối trực tiếp với nhóm Facebook.

Cũng theo đại diện Rada, trong thư thông báo phê duyệt đăng ký tham gia chương trình Fbstart của Rada, Facebook cho biết Rada - ứng dụng kết nối dịch vụ theo yêu cầu của công ty được chọn vì sự phát triển ấn tượng của nó thời gian vừa qua cũng như tiềm năng tăng trưởng trong giai đoạn sắp tới. “Chúng tôi gửi đăng ký tham gia FbStart trên website của chương trình khoảng 2 - 3 tuần trước và quả thật rất bất ngờ khi ứng dụng Rada đã gây được ấn tượng với Facebook để được lựa chọn gia nhập chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp này”, đại diện Rada chia sẻ.

Đại diện công ty Rada cũng “bật mí” sẽ sử dụng gói hỗ trợ của Facebook nhằm tăng cường khả năng quản lý, phát triển sản phẩm, mở rộng hệ thống đồng thời tăng cường chất lượng phục vụ từ phía nhà cung cấp.

Tính đến thời điểm hiện tại, ứng dụng Rada mới chỉ được giới thiệu đến người dùng vẻn vẹn 10 tháng. Được giới thiệu lần đầu vào tháng 12/2015, ứng dụng di động Rada khi đó chỉ tập trung hỗ trợ kết nối nhu cầu về dịch vụ cứu hộ, sửa xe máy. Tuy nhiên, sau 1 thời gian, từ app cứu hộ xe máy, Rada đã được mở rộng thành ứng dụng kết nối dịch vụ theo yêu cầu, hướng tới các dịch vụ mà khách hàng có nhu cầu được cung cấp tận nơi.

Nói về lý do quyết định mở rộng thêm các nhóm dịch vụ cung cấp trên ứng dụng, CEO Công ty cổ phần Rada Mã Hoàng Hải từng chia sẻ: “Ngay từ những ngày đầu thành lập, Rada đã xác định lấy khách hàng làm trung tâm phục vụ. Qua thời gian triển khai, tìm hiểu, lắng nghe ý kiến phản hồi từ khách hàng, người sử dụng..., chúng tôi nhận thấy nhận thấy mảng dịch vụ hỗ trợ cho các gia đình còn rất tiềm năng và đáng quan tâm. Mặt khác, tại Việt Nam hiện vẫn thiếu vắng những ứng dụng thực sự tiện ích mang lại giá trị cho người sử dụng, nhất là các bà, các mẹ, các chị nội trợ, văn phòng công sở luôn bận bịu với công việc trong khi quỹ thời gian dành cho gia đình khá khiêm tốn”.

Đến nay, trên ứng dụng kết nối dịch vụ theo yêu cầu - Rada đã có 10 nhóm dịch vụ với gần 400 nhà cung cấp tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP.HCM, cung cấp các dịch vụ như: Sửa, thuê xe máy; CNTT - Sửa, cài đặt (sửa chữa điện thoại, máy tính bảng, sửa chữa phần dứng máy tính, bảo dưỡng máy tính…) Thực phẩm sạch; Đồ ăn, đồ uống; Xét nghiệm, chuẩn đoán; Sửa thiết bị gia đình; Xây dựng, điện nước; Dịch vụ trong gia đình (gọi giúp việc, gọi thay bình ga, gọi dịch vụ giặt thảm/sofa, phun thuốc muỗi, diệt mối và côn trùng...); Sửa chữa, cứu hộ ô tô; Chăm sóc, làm đẹp…

Hiện tại, ứng dụng Rada đã có hơn 80.000 lượt tải về trên iOS và Android với 25% lượng người dùng đăng ký, gần 50 giao dịch thành công/ngày tập trung vào sửa chữa thiết bị gia đình. “Con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên”, đại diện Rada cho biết.

Một điểm khá đặc biệt cũng là một nét riêng của công ty khởi nghiệp Rada là 3 thành viên sáng lập (anh Mã Hoàng Hải – CEO; anh Hoàng Văn Hậu - CTO và anh Tạ Quang Thái) đều là những người đã có nhiều năm làm việc trong ngành CNTT và chuyển từ mô hình công ty công nghệ truyền thống để khởi nghiệp theo mô hình mới lại từ đầu.

Chia sẻ về chiến lược phát triển, đại diện Công ty Rada cho biết: "Thời gian tới, để triển khai thêm nhiều dịch vụ gần gũi, thân thiện và hữu ích hơn nữa trên hệ thống Rada, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm tòi và giới thiệu dịch vụ tiện ích tới người sử dụng trên cơ sở lắng nghe, phân tích phản hồi từ thị trường; đồng thời mở rộng hợp tác với các đối tác để cùng nhau củng cố và phát triển mạng lưới dịch vụ nhằm tạo nên hệ sinh thái cộng hưởng và hài hòa lợi ích giữa các bên".

Còn trong giai đoạn từ nay đến cuối năm, kế hoạch công ty khởi nghiệp này đặt ra sẽ tập trung vào việc tối ưu hóa ứng dụng, bổ sung cổng thanh toán online. Bên cạnh đó, Rada cũng sẽ tăng cường hợp tác với các đối tác, tiếp tục nâng cấp hệ thống nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của người dùng cũng như giải quyết nhu cầu của các nhà cung cấp dịch vụ trên nền tảng Rada. "Nửa triệu người dùng ứng dụng Rada cùng khoảng 500 nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp tại Hà Nội và TP. HCM là những mục tiêu Rada kỳ vọng sẽ đạt được vào cuối năm 2016", đại diện Công ty Rada chia sẻ.

Adyen - startup giúp xử lý hàng triệu giao dịch cho Grab và Uber
Adyen - startup về tài chính không mấy nổi tiếng ở Hà Lan, nhưng đang giữ trọng trách xử lý hàng triệu giao dịch trị giá tỷ USD cho Grab và Uber.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư