Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 16 tháng 08 năm 2024,
Sửa loạt quy định để vực dậy thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Thùy Liên - 16/08/2024 11:55
 
Các chuyên gia cho rằng, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam quá nhỏ bé, chưa xứng tiềm năng. Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính cho biết đang nghiên cứu sửa đổi loạt quy định liên quan lĩnh vực này.

Thanh khoản thấp, thị trường TPDN thiếu hấp dẫn

Phát biểu tại Hội thảo "Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hướng tới chuyên nghiệp, bền vững" sáng nay (16/8), ông Hoàng Văn Thu, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay, trong 7 tháng đầu năm có 183 đợt phát hành thành công, tổng giá trị huy động 174.000 tỷ đồng, tăng 2,78 lần so với năm 2023. Đối với hoạt động phát hành trái phiếu ra công chúng, trong 7 tháng, UBCK đã cấp phép và phát hành trị giá gần 30.000 tỷ đồng (chưa bao gồm số liệu trái phiếu của CTCK và công ty quản lý quỹ).

Tuy vậy, quy mô thị trường TPDN vẫn còn nhỏ bé (gần 10% GDP) và còn xa mục tiêu đề ra. Theo mục tiêu phát triển TTTP được Chính phủ phê duyệt, quy mô thị trường đến 2025 đạt 20% GDP và đến 2030 đạt 30% GDP.

Theo Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hiện thị trường TPDN hiện vẫn còn nhiều hạn chế.

Cụ thể, một số doanh nghiệp phát hành TPDN có tình hình tài chính không ổn định, thiếu minh bạch về thông tin tài chính. Điều này dẫn đến nguy cơ không trả được nợ khi đến hạn, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư.

Các vụ việc doanh nghiệp vỡ nợ hoặc chậm trả lãi đã làm giảm niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường. Mặc dù đã có những dấu hiệu cải thiện nhưng sự tăng trưởng của thị trường vẫn còn chậm, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về dòng tiền và sản xuất kinh doanh nên tình hình chậm trả nợ gốc, lãi trái phiếu vẫn còn xảy ra.

Trong năm 2023, theo báo cáo của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, có 139 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi TPDN với tổng giá trị khoảng 83.600 nghìn tỷ đồng.  

Năng lực của các tổ chức trung gian còn hạn chế. Chất lượng cung cấp dịch vụ của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường còn chưa cao: như có hiện tượng lách quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không cung cấp đầy đủ thông tin về TPDN, mời chào nhà đầu tư chuyển tiền gửi tiết kiệm sang mua TPDN, sản phẩm tiết kiệm linh hoạt…

Mặc dù, cơ quan chức năng đã tăng cường công tác quản lý, giám sát trên thị trường, xử lý nghiêm minh những sai phạm như vụ việc Ngân hàng SCB và Vạn Thịnh Phát, Tập đoàn Tân Hoàng Minh, tuy nhiên thị trường vẫn chưa thật sự hồi phục, thanh khoản chưa cải thiện nhiều, niềm tin nhà đầu tư vẫn còn suy giảm.

Thiếu các tổ chức trung gian, độc lập đủ uy tín tham gia vào quá trình xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, định giá trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc một số TPDN thanh khoản thấp, điều này gây khó khăn cho nhà đầu tư khi cần bán trái phiếu trước hạn để thu hồi vốn.

Tính thanh khoản thấp làm giảm tính hấp dẫn của TPDN, đặc biệt đối với các nhà đầu tư tổ chức. Mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể, nhưng vẫn tồn tại nhiều vấn đề cần được giải quyết để đảm bảo sự phát triển bền vững và ổn định.

Việc cải thiện tính minh bạch, tăng cường quản lý và giám sát, cũng như nâng cao chất lượng tổ chức phát hành là những giải pháp cần thiết để khắc phục các tồn tại này. Chỉ khi đó, thị trường TPDN mới thực sự trở thành kênh huy động vốn hiệu quả và đáng tin cậy cho các doanh nghiệp Việt Nam, là kênh đầu tư hấp dẫn cho công chúng đầu tư.

Hiện quy mô thị trường TPDN Việt Nam hiện nay còn quá nhỏ (mới đạt gần 10% GDP) nếu so sánh với ASEAN (khoảng 26-54% GDP), Hàn Quốc (97% GDP)…

Mặc dù thị trường TPDN đang dần phục hồi, song theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, vẫn còn rất nhiều rủi ro.

Thứ nhất, rủi ro TPDN đáo hạn và quá hạn thanh toán còn cao. Theo FiinRatings, hiện 21% trái phiếu phát hành chậm nghĩa vụ trả nợ, chưa kể trái phiếu đã được gia hạn.

Thứ hai, rủi ro lan truyền và liên thông giữa thị trường ngân hàng - chứng khoán - bất động sản vẫn luôn tiềm ẩn.

Thứ ba, dựa chủ yếu vào TPDN phát hành riêng lẻ trong khi TPDN phát hành ra công chúng còn chiếm tỷ lệ nhỏ. Theo Hiệp hội thị trường trái phiếu, tỷ lệ phát hành riêng lẻ trên thị trường trong 7 tháng đầu năm 2024 vào khoảng 92%.

Thứ tư, cơ cấu nhà đầu tư TPDN còn nhiều bất cập. Ngân hàng thương mại đang là bên mua chính trong các đợt phát hành TPDN, trong khi các nhà đầu tư tổ chức khác như công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán… còn chiếm tỷ trọng nhỏ.

Thứ năm, nhận thức và mức độ hiểu biết của nhà đầu tư chứng khoán nói chung và TPDN nói riêng còn hạn chế, dẫn đến dễ xảy ra tâm lý đám đông, đầu tư chỉ quan tâm đến lãi suất, bất chấp rủi ro...

Thứ sáu, hạ tầng công nghệ thông tin, dữ liệu còn bất cập, một số thông tin về quy mô phát hành, cơ cấu nhà đầu tư… chưa được cập nhật đầy đủ, kịp thời; hệ thống giao dịch TPDN tập trung mới đưa vào vận hành được hơn 1 năm..., cũng có ảnh hưởng đến công tác quản lý và tính thanh khoản của thị trường.

Thứ bảy, việc áp dụng Nghị định 65/2022/NĐ-CP với những quy định cao hơn, liệu có còn là rào cản đối với phát hành TPDN riêng lẻ hay không là chưa rõ do chưa có rà soát, khảo sát hay đánh giá cụ thể kể từ khi quay lại áp dụng từ đầu năm 2024 đến nay…

Sẽ sửa nhiều quy định để vực dậy thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Để thị trường TPDN trở thành kênh đầu tư hấp dẫn và là kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp, ông Tô Trần Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, cần tập trung thúc đẩy việc chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng gắn với niêm yết.

Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp phát hành đa dạng các loại trái phiếu phù hợp với nhu cầu huy động vốn; phát triển các sản phẩm TPDN cho mục tiêu thực hiện dự án, dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) nhằm thúc đẩy huy động vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng; vận hành thị trường thứ cấp TPDN riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm tăng tính thanh khoản, tính minh bạch của thị trường.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cần tăng cường vai trò và trách nhiệm của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tiến tới yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải được xếp hạng tín nhiệm, hình thành thói quen và thông lệ sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm khi phát hành, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Quan trọng nhất, phải tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan như các quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ theo hướng khuyến khích doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ chỉ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức, rà soát quy trình, thủ tục và pháp lý để khuyến khích các doanh nghiệp chào bán trái phiếu ra công chúng.

Ông Hoàng Văn Thu cho biết, sắp tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ trình sửa Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán. Mới đây, Quốc hội đã cho phép và Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu xây dựng dự án một luật sửa 7 luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, trong đó có Luật Chứng khoán.

Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ nghiên cứu và thiết kế để phát triển thị trường TPDN một cách chuyên nghiệp, bền vững, tăng cường các nội dung về xếp hạng tín nhiệm trong các nghiệp vụ phát hành; sự hiện diện của đơn vị tư vấn trong quá trình lập hồ sơ, đánh giá hồ sơ; tăng cường tính tự chịu trách nhiệm của chủ thể tham gia như đơn vị tư vấn, xếp hạng tín nhiệm.  

Nhìn từ góc độ chuyên gia, TS. Cấn Văn lực cho rằng, ngoài nâng cao chất lượng hệ thống các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, thị trường thứ cấp tập trung, cơ sở thông tin - dữ liệu về thị trường trái phiếu, về nhà đầu tư, tài sản đảm bảo... thì phải nâng cao chất lượng nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp, tổ chức phát hành cũng cần đa dạng hóa nguồn vốn; quan tâm quản lý rủi ro; chủ động xếp hạng tín nhiệm, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, tăng cường công khai minh bạch, quan tâm tăng trưởng xanh, tài chính xanh.  

Ngân hàng “một mình một chợ” trái phiếu doanh nghiệp
Trong tháng 5/2024, lượng trái phiếu do ngân hàng phát hành chiếm tới 87% tổng giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư