Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Sữa Việt đầu tư xây cứ điểm tại thị trường quốc tế
Anh Hoa - 30/05/2019 09:10
 
Không chỉ giữ vững “thế trận” trong nước, các tên tuổi trong ngành sữa Việt Nam đã vươn tầm thế giới, góp phần đưa sản phẩm thương hiệu Việt tới gần hơn với người tiêu dùng toàn cầu.
Chăm sóc bò sữa tại Tổ hợp “Resort” bò sữa organic của Vinamilk ở Xiêng Khoảng (Lào).
Chăm sóc bò sữa tại Tổ hợp “Resort” bò sữa organic của Vinamilk ở Xiêng Khoảng (Lào).

Những “quả đấm thép”

Dấu ấn hợp tác của Việt Nam, Lào và Nhật Bản trong ngành sữa vừa được thiết lập tại tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) với việc Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) ra mắt Công ty Lao-Jagro Development Xiengkhouang Co., Ltd và khởi công xây dựng Giai đoạn 1 của Tổ hợp “Resort” bò sữa organic với quy mô 5.000 ha.

Trong giai đoạn tiếp theo, Vinamilk sẽ mở rộng quy mô các cụm trang trại bò sữa công nghệ cao, xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến các sản phẩm sữa tại Lào, hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng toàn diện. Tổng mức đầu tư cho cả 2 giai đoạn dự kiến là 500 triệu USD.

Vinamilk là tên tuổi trong ngành sữa đầu tư khá mạnh ở thị trường quốc tế. Ngoài 13 nhà máy trong nước, Vinamilk còn nắm 22,8% cổ phần Nhà máy Miraka tại New Zealand; sở hữu 100% cổ phần Nhà máy Driftwood tại Mỹ và 100% cổ phần Nhà máy Angkor Milk tại Campuchia; đặt văn phòng giao dịch tại Thái Lan và mở công ty con Vinamilk Europe tại Ba Lan làm cửa ngõ giao thương các hoạt động thương mại của Tập đoàn tại châu Âu.

Các nhà máy, công ty con của Vinamilk tại nước ngoài đều hoạt động hiệu quả. Năm 2018, Angkor Milk ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng với tổng doanh thu đạt 39,8 triệu USD (tương đương 915 tỷ đồng), tăng 98,4% so với năm 2017. Trong khi đó, bất chấp các biến động lớn tại thị trường Mỹ, tổng doanh thu năm 2018 của Driftwood đạt tới hơn 116,2 triệu USD (tương đương 2.674 tỷ đồng). Còn Vinamilk Europe, ngoài nhiệm vụ chính là thu mua và xuất khẩu 21.000 tấn nguyên vật liệu cho Vinamilk và các công ty con khác, cũng đạt doanh số gần 30,9 triệu USD (tương đương 711 tỷ đồng).

Những kết quả này là động lực để Vinamilk tiếp tục tìm kiếm thị trường mới, trước mắt là Trung Quốc, Malaysia, Indonesia...

Nối tiếp Vinamilk trong chiến lược đầu tư ra nước ngoài, Tập đoàn TH cũng tạo ra “quả đấm thép” của ngành sữa Việt khi chi 2,7 tỷ USD đầu tư cho Tổ hợp Chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa công nghệ cao và một số dự án về thực phẩm tại Liên bang Nga.

Mọi động thái triển khai nhanh chóng của TH tại Liên bang Nga cho thấy độ quyết liệt trong việc đón đầu dư địa thị trường Nga của bà Thái Hương, nhà sáng lập Tập đoàn TH. 

Nga là nước nhập khẩu sữa lớn thứ hai thế giới, chiếm 12 - 15% thương mại sữa toàn cầu. Dự án của TH không chỉ góp phần bù đắp sự thiếu hụt sữa tại Nga, mà còn hướng tới các sản phẩm chất lượng cao không biến đổi gien, theo hướng sạch, hữu cơ; đáp ứng nhu cầu của thị trường Nga và mở rộng ra quốc tế.

Nếu Vinamilk, TH là những thương hiệu hàng đầu ở địa hạt sữa tươi, thì Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood lại khẳng định vị thế ở phân khúc sữa công thức dinh dưỡng. NutiFood vừa hoàn thành mục tiêu xuất khẩu năm 2018 tại thị trường Mỹ, chỉ sau một năm dòng sữa cho trẻ biếng ăn Pedia Plus xuất hiện tại thị trường này.

Đối với bác sĩ Trần Thị Lệ, Tổng giám đốc NutiFood, những ngày đầu tiên tìm “visa” cho sữa Việt vào Mỹ là khoảng thời gian không thể quên. NutiFood gần như đã huy động mọi nguồn lực tốt nhất, tâm huyết nhất cho dự án, bởi các sản phẩm Việt Nam vào Mỹ chưa bao giờ dễ dàng, đặc biệt là dòng sữa đặc trị, vì đây chính là nơi khai sinh các công ty sữa dinh dưỡng hàng đầu thế giới.

Sau nhiều nỗ lực, NutiFood đã có “giấy thông hành” phân phối sữa vào Mỹ. Hơn 1 năm trước, NutiFood ký hợp đồng với Delori để đưa dòng sữa bột pha sẵn dành cho trẻ biếng ăn Pedia Plus vào hơn 300 siêu thị tại bang California thuộc hệ thống phân phối của Tập đoàn Delori. NutiFood đang hướng tới mục tiêu doanh thu xuất khẩu tại Mỹ đạt 100 triệu USD trong 5 năm tới.

Chiến lược phát triển trong thời gian tới của Nutifood là đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường có lượng tiêu thụ lớn ở châu Âu, châu Á.

Tiếp nối hành trình mang sản phẩm xuất ngoại, NutiFood đã hợp tác với Tập đoàn Backahill của Thụy Điển, thành lập liên doanh sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm làm từ sữa đến thị trường châu Âu và châu Á. Đầu năm nay, NutiFood liên doanh với Asahi Group Foods (Nhật Bản) để đưa các sản phẩm dinh dưỡng trẻ em chuẩn Nhật Bản vào Việt Nam.

Chuyển động nhanh, tạo bứt phá

Thời điểm Vinamilk, TH khởi động đầu tư ra nước ngoài, không ít người tỏ ra hoài nghi, nhất là khi, những dự án này có vốn đầu tư lên tới vài tỷ USD.

Bởi, số tiền đó quá lớn và cũng bởi, theo tư duy xưa cũ, người ta rất khó hình dung chuyện một doanh nghiệp Việt Nam “đi ngược” sang các thị trường là cái nôi của ngành sữa thế giới, mà chỉ quen với việc các hãng sữa ngoại thâm nhập thị trường trong nước.

Đến nay, mọi thứ đã thay đổi. Những “trái ngọt” mà các tên tuổi trong ngành sữa Việt đạt được đã quá rõ ràng. Đây cũng chính là lúc “lật lại” để tìm hiểu, đằng sau động thái táo bạo đầu tư ra thị trường quốc tế của những tên tuổi này là gì?

Vinamilk đang theo đuổi định hướng chiến lược 5 năm 2017 - 2021, đó là mở rộng thị trường xuất khẩu có trọng tâm; phát triển sản phẩm phân khúc cao cấp; hoàn tất hệ thống nhà máy sản xuất và hệ thống trang trại cho giai đoạn mới; thực hiện các thương vụ M&A và tăng vốn sở hữu ở các công ty con nhằm tăng sức mạnh của chuỗi giá trị.

Mục tiêu cao nhất của Vinamilk là trở thành công ty sữa tạo ra nhiều giá trị nhất tại Đông Nam Á, tiếp tục duy trì vị trí số 1 tại thị trường Việt Nam và tiến tới mục tiêu trở thành 1 trong 30 công ty sữa lớn nhất thế giới về doanh thu.

“Muốn cạnh tranh quốc tế, các công ty sữa phải ngồi lại với nhau, tạo thành bó đũa không thể bẻ gãy được”, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk lý giải về động thái quyết tâm chào mua công khai Công ty GTN, đơn vị sở hữu thương hiệu sữa Mộc Châu.

Hiện các nhà máy ở nước ngoài đang giúp Vinamilk cạnh tranh tốt tại 50 thị trường xuất khẩu cũng cạnh tranh trực tiếp với các hãng sữa ngoại tại thị trường nội địa. 

Trong khi đó, với Tập đoàn TH, mục tiêu đặt ra khi quyết định chi hàng tỷ USD tại Nga là trở thành doanh nghiệp có diện tích trang trại lớn nhất Nga và đứng trong top đầu các doanh nghiệp sữa của nước này. Thậm chí, bà Thái Hương còn kỳ vọng, TH được người tiêu dùng Nga tin yêu và đón nhận như là sản phẩm mang thương hiệu quốc gia của nước Nga.

Theo bà Hương, muốn đất nước phát triển thịnh vượng, việc mang thế giới đến Việt Nam là chưa đủ, mà cần mang Việt Nam ra thế giới.

Tương tự, với Nutifood, việc đầu tư vào Thụy Điển cũng là cơ hội tốt để từng bước hoàn thành chiến lược vươn ra thế giới của mình.

Theo ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, ngành sữa đang tăng trưởng khá nhanh với mức 15 - 17%/năm. Đây cũng là mặt hàng được kỳ vọng xuất khẩu ổn định, dù mục tiêu ngành đặt ra còn khiêm tốn, chỉ với 150 - 200 triệu USD/năm. Trong khi đó, năm 2018, nhập khẩu sữa và sản phẩm từ sữa của Việt Nam lên tới 963 triệu USD, tăng 3% so với năm 2017.

Giới đầu tư nhận định, các doanh nghiệp Việt đầu tư mạnh ra thị trường thế giới là để đón đầu cơ hội từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và chủ động ứng phó với những thách thức do hiệp định này mang lại. CPTPP có hiệu lực từ ngày 14/1/2019 và sẽ khiến ngành sữa trong nước phải cạnh tranh gay gắt hơn. Cụ thể, thuế nhập khẩu sản phẩm sữa từ New Zealand, Singapore, Nhật Bản giảm xuống 0%, khiến các thương hiệu sữa Việt bị cạnh tranh về giá với các đối thủ ngoại ngay trên chính sân nhà.

Các doanh nghiệp ngành sữa Việt Nam đang chuyển động nhanh và tạo bứt phá trong chiến lược kinh doanh để thích ứng với những đòi hỏi của thị trường cạnh tranh ngày một khốc liệt, đặc biệt, khi thị trường xuất hiện những tên tuổi “ngoại đạo” gia nhập ngành như Coca Cola, Masan.

Trong bối cảnh đó, việc đầu tư ra nước ngoài với những dự án tỷ USD, bắt tay chiến lược với các tên tuổi hàng đầu trong ngành sữa của thế giới được cho là bước đi “đón lõng” để giữ vững vị thế trong nước và vươn tầm thế giới khi đủ lực.

Sáu xu hướng chi phối thị trường sữa toàn cầu

Theo tổng hợp của Tổ chức Markus Agency, có 6 xu hướng đang chi phối thị trường sữa toàn cầu, đó là:

- Nhãn hiệu sạch, không chứa chất phụ gia, chất bảo quản, hoặc các loại hóa chất gây nguy hiểm cho người sử dụng

- Sữa hữu cơ, không biến đổi gen (organic, non-GMO)

- Minh bạch thông tin

- Hương vị mới độc đáo

- Giảm bớt lượng đường, chất béo, lượng calo, cholesterol…; gia tăng canxi, protein, omega3, vitamin và khoáng chất, thậm chí collagen… để nhắm đến những đối tượng riêng sử dụng sữa cho mục đích khác nhau.

- Sữa thực vật (sữa đậu nành, sữa gạo, sữa hạnh nhân, sữa dừa…)

Trong khi đó, tại Việt Nam, 3 xu hướng cạnh tranh chính trên thị trường sữa là: uy tín thương hiệu, hương vị lành mạnh và tìm kiếm sự đa dạng.

TH “mở đường” đưa sữa Việt sang thị trường Trung Quốc
Tập đoàn TH và đơn vị sở hữu trung tâm đầu mối hàng hóa lớn nhất Trung Quốc - Wuxi Jinqiao International Food City - vừa ký biên bản ghi nhớ hợp tác...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư