Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Suất đầu tư cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 được xây dựng như thế nào?
Anh Minh - 06/01/2022 10:15
 
Theo Bộ Giao thông, tổng mức đầu tư tại Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông là cơ sở để ước tính chi phí, chưa phải giá trị thực công trình.
Máy móc lu đường sau khi cấp phối đá dăm trên cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)
Máy móc lu đường sau khi cấp phối đá dăm trên cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Báo cáo số 71/BC - BGTVT gửi Quốc hội việc tiếp thu, giải trình Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về Dự án xây dựng công trình đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

So sánh chỉ là tương đối

Một trong những thông tin đáng chú ý nhất là giải trình của Bộ GTVT về sơ bộ tổng mức đầu tư được đề cập trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng công trình đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể, theo quy định của Luật Xây dựng (Điều 134), trường hợp phải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng thì việc xác định sơ bộ tổng mức đầu tư theo thiết kế sơ bộ là cơ sở để ước tính chi phí đầu tư xây dựng.

Đồng thời, theo quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng được ước tính trên cơ sở quy mô, công suất hoặc năng lực phục vụ theo phương án thiết kế sơ bộ của dự án và suất vốn đầu tư xây dựng hoặc dữ liệu chi phí của các dự án tương tự về loại, cấp công trình, quy mô, công suất hoặc năng lực phục vụ, tính chất dự án đã thực hiện, có sự phân tích, đánh giá để điều chỉnh quy đổi về mặt bằng giá thị trường phù hợp với địa điểm xây dựng, bổ sung những chi phí cần thiết khác của dự án.

Căn cứ phương án thiết kế sơ bộ, Bộ GTVT khẳng định sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án đã được tính toán trên cơ sở suất vốn đầu tư xây dựng, dữ liệu chi phí của các dự án tương tự về loại, cấp công trình, quy mô, công suất hoặc năng lực phục vụ, tính chất dự án đã thực hiện (đặc biệt là các dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông đang triển khai), đồng thời có sự phân tích, đánh giá để điều chỉnh quy đổi về mặt bằng giá thị trường phù hợp với địa điểm xây dựng, bổ sung những chi phí cần thiết khác của dự án, đặc biệt là yếu tố biến động giá của một số vật liệu chủ yếu như vật liệu đắp, thép xây dựng, xăng dầu…

Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt giai đoạn 2017 - 2020, 4 dự án thành phần đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) có suất đầu tư bình quân 190 tỷ đồng/km.

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi giai đoạn 2021 - 2025, 10 dự án thành phần trên đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị) và đoạn Quảng Ngãi - Nha Trang có suất đầu tư bình quân 194 tỷ đồng/km. Theo báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt, đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ có suất đầu tư bình quân 210 tỷ đồng/km. Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi giai đoạn 2021 - 2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau có suất đầu tư bình quân 253 tỷ đồng/km.

Bộ GTVT nhấn mạnh, mặc dù đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ và Cần Thơ - Cà Mau có đặc điểm địa chất tương đồng; tuy nhiên số lượng các công trình cầu trên đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ chỉ chiếm 4,4% chiều dài, thấp hơn nhiều so với 9,2% chiều dài tuyến trên đoạn Cần Thơ - Hậu Giang.

Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật thì sơ bộ tổng mức đầu tư trong bước nghiên cứu tiền khả thi là cơ sở để ước tính chi phí đầu tư xây dựng, xây dựng kế hoạch vốn; tổng mức đầu tư được phê duyệt trong bước nghiên cứu khả thi làm cơ sở để bố trí vốn. Tùy thuộc vào từng giai đoạn, quy định về mức độ chính xác đối với tổng mức đầu tư cũng khác nhau, nên việc so sánh như trên (giữa bước nghiên cứu tiền khả thi so với bước nghiên cứu khả thi) cũng chỉ mang tính chất tương đối.

“Sơ bộ tổng mức đầu tư bước nghiên cứu tiền khả thi luôn mang tính đường bao để bảo đảm tổng mức đầu tư bước nghiên cứu khả thi không bị vượt, không phải điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật. Chính vì vậy, sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án được xác định theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng, đáp ứng độ tin cậy trong bước nghiên cứu tiền khả thi”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Trong bước tiếp theo, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ GTVT tổ chức khảo sát chi tiết về địa hình, địa chất, thủy văn, điều kiện cung cấp vật liệu xây dựng, trên cơ sở khối lượng theo thiết kế cơ sở, đơn giá, định mức, các chính sách của nhà nước, làm cơ sở để xây dựng tổng mức đầu tư bảo đảm chặt chẽ theo quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, làm cơ sở để bố trí vốn đầu tư.

Theo ông Nguyễn Ngọc Long – nguyên Phó Chủ tịch Hội KHKT Cầu Đường Việt Nam, sơ bộ tổng mức đầu tư trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án hạ tầng giao thông chỉ mang tính chất là đường bao để chuẩn bị lo vốn, chưa phải giá trị đầu tư công trình.

“Giá trị công trình chỉ xác định chính thức sau khi chủ đầu tư thực hiện quyết toán A- B. Theo thông lệ, giá trị quyết toán tại các dự án hạ tầng giao thông thường thấp khá nhiều so với tổng mức đầu tư tại bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi”, ông Long cho biết.

Khả thi mốc hoàn thành cuối năm 2025

Theo Bộ GTVT, thực tiễn triển khai cho thấy, các dự án đường bộ cao tốc có quy mô, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, tổng mức đầu tư lớn, thời gian chuẩn bị và hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật để khởi công dự án cần khoảng 3 năm (phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng…), thời gian thi công hoàn thành công trình từ 2 - 3 năm.

Chính vì vậy, phần lớn các dự án đường bộ cao tốc khó có thể hoàn thành trong một kỳ trung hạn.

Thực tế triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư (tháng 11 năm 2017), Bộ GTVT đã nỗ lực triển khai ngay các thủ tục theo quy định, mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành và địa phương liên quan nhưng đến tháng 10/2018 mới phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và đến tháng 9 năm 2019 mới khởi công được gói thầu đầu tiên.

Trên cơ sở đó, Chính phủ dự kiến tiến độ triển khai như sau: chuẩn bị dự án năm 2021 - 2022; thiết kế kỹ thuật, dự toán và thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2022 - 2023; khởi công năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025.

Với tiến độ nêu trên, trường hợp không phát sinh các tình huống phức tạp đến cuối năm 2025 có thể thông xe kỹ thuật toàn bộ các dự án thành phần và đưa vào khai thác một số đoạn tuyến, các đoạn có yêu cầu kỹ thuật phức tạp (như công trình cầu, hầm lớn, nền đường phải xử lý đất yếu…) sẽ hoàn thành đưa vào khai thác năm 2026.

Từ thực tế triển khai các dự án giai đoạn 2017 - 2020 cho thấy, để hoàn thành Dự án đúng theo tiến độ nêu trên là nhiệm vụ hết sức khó khăn, tuy nhiên đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nên phải quyết tâm tổ chức thực hiện thành công.

Để thực hiện thành công dự án, Chính phủ xác định cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; việc tổ chức triển khai phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ; các bộ, ngành và địa phương theo nhiệm vụ được giao cần chủ động chuẩn bị trước các thủ tục, điều kiện để triển khai ngay từ bước nghiên cứu khả thi, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị quỹ đất tái định cư, nguồn cung cấp vật liệu, các thủ tục về lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường, hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng; khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… và các điều kiện cần thiết nhất để bảo đảm thi công đúng tiến độ, chất lượng yêu cầu.

Bộ Giao thông sẽ là đầu mối thực hiện cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025
Đây là phương án tổ chức thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 vừa được Chính phủ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư