Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Sức nóng của dòng tiền
P.V - 26/11/2013 11:55
 
173 triệu. Đó là số đơn vị cổ phiếu được giao dịch trên sàn HOSE trong phiên 21/11 và chính thức đi vào lịch sử của TTCK Việt Nam kể từ ngày thành lập đến nay. 

Thị trường đang có sự hỗ trợ từ hai nhóm cổ phiếu: cơ bản và vốn hóa lớn

Thị trường đang có sự hỗ trợ từ hai nhóm cổ phiếu: cơ bản và vốn hóa lớn

Thực ra, điều này cũng không quá bất ngờ, chỉ là xảy ra sớm hơn so với dự tính. Bởi sau phiên chốt lời mạnh hôm 12/11, thị trường vẫn tiếp tục đà tăng và rất “khéo léo” để khiến dòng tiền quay trở lại.

Kết hợp với những diễn biến tương tự trong quá khứ, chúng tôi cho rằng, thị trường sẽ sớm có một phiên tạo đỉnh về khối lượng.

Tuy nhiên, khi VN-Index vượt qua ngưỡng 505 điểm, chúng tôi đã dự kiến chỉ số này sẽ được đẩy mạnh, vượt qua 513 điểm trước khi có diễn biến giao dịch kỷ lục ngày 21/11.

Thị trường sẽ diễn biến như thế nào trong thời gian tới và NĐT cần hành động ra sao là câu hỏi nóng nhất vào lúc này. Bất luận ra sao, sau phiên 21/11 vừa qua, nhiều NĐT cảm thấy lo cho số cổ phiếu sắp về đến tài khoản. Đây sẽ là yếu tố ảnh hưởng tới đà tăng tiếp theo của thị trường.

Nhìn lại những gì đã từng xảy ra trong quá khứ, thì những phiên đạt đỉnh về khối lượng như vậy thường là một cảnh báo đối với thị trường.

Diễn biến của thị trường năm nay khá chậm, nhưng nhìn chung, không khác nhiều những năm trước đó. Năm 2012, thị trường cũng chứng kiến một phiên đạt đỉnh về khối lượng giao dịch. Thị trường khi đó khiến NĐT giật mình, nhưng nhịp điều chỉnh không nhiều, chỉ số tiếp tục tăng, giao dịch sôi động trong khoảng thời gian khá dài trước khi chính thức bước vào đợt suy giảm.

Diễn biến này có thể sẽ tái diễn, do những kỳ vọng cũng như sự tự tin nhất định của NĐT. Họ kỳ vọng vào những chính sách sắp tới cho thị trường như nới room, tăng trưởng tín dụng, hay sự ổn định của kinh tế vĩ mô...

Mặc dù có những lo lắng về một đợt sụt giảm sẽ xảy ra, nhưng thị trường đang có sự hỗ trợ đến từ hai nhóm cổ phiếu. Một là nhóm cổ phiếu cơ bản như DRC, CSM, HSG, HPG... Hai là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như MSN, BVH, VIC, GAS, VNM...

Nhóm cổ phiếu thứ nhất sẽ thu hút được dòng tiền dịch chuyển sang khi những lo ngại xuất hiện. Lý do là bởi sau một thời gian tăng giá mạnh, nhóm cổ phiếu này hiện nay đang có diễn biến đi ngang và co hẹp về giao dịch, tạo ra sự yên tâm cho NĐT.

Nhóm cổ phiếu thứ hai sẽ tiếp tục là công cụ hỗ trợ VN-Index đi ngang quanh mức 500 điểm. Nhưng để nhóm cổ phiếu này bứt phá thì những yếu tố như hiện nay là chưa đủ lực.

Theo chúng tôi, trong thời gian tới, “sức nóng” nhiều khả năng sẽ rơi vào những cổ phiếu tăng “nóng” giai đoạn vừa qua, kể cả đó là cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt. Tuy nhiên, điều này sẽ không diễn ra ngay như trong quá khứ, bởi tâm lý NĐT hiện nay khá vững vàng.

Mặc dù vậy, sau khoảng thời gian đủ dài thì thị trường sẽ để lại những hậu quả. Nói như NĐT huyền thoại Warrent Buffet: “chỉ khi thủy triều rút thì mới biết ai không mặc đồ bơi”. Những NĐT mải mê “lướt sóng” hàng ngày có nguy cơ thua thiệt cao hơn trong những giai đoạn như vậy.

Do đó, sự cẩn trọng là điều cần phải được đặt lên hàng đầu và tránh những thông tin không chính thống gây tác động. Thị trường tới đây dự báo sẽ có nhiều diễn biến bất ngờ và khó lường. Ở một chừng mực nào đó, NĐT cần lưu ý đến một số yếu tố không thuận lợi với thị trường sau.

Thứ nhất là khả năng cắt giảm gói kích thích kinh tế của Mỹ đang ngày một lớn dần. TTCK Mỹ đang xuất hiện tình trạng “bong bóng”, những NĐT hàng đầu như Warrent Buffet, Marc Faber và gần nhất là Carl Icahn đã lên tiếng cảnh báo.

Thứ hai là TTCK Việt Nam giai đoạn vừa qua chứng kiến sự bứt phá của dòng tiền đầu cơ, mà dẫn đầu lại là nhóm cổ phiếu nhỏ (penny).

Thứ ba là xu hướng giao dịch của khối ngoại đang chậm lại và nghiêng về bán ròng.

Thứ tư là diễn biến của VN-Index bị tác động mạnh bởi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (largecap). Nếu NĐT chỉ căn cứ vào chỉ số này để đầu tư thì đây sẽ là sai lầm về chiến lược.

Thứ năm là báo cáo kết quả kinh doanh gần đây của các doanh nghiệp niêm yết không còn có sự đột biến.

Cuối cùng chính là phiên giao dịch lịch sử vừa qua.

Tuần mới này sẽ đón nhận những thông tin về tình hình kinh tế tháng 11. Theo những dự báo trước đó, nhiều khả năng sẽ không có thông tin quá đột biến. Điều quan tâm nhất và được chờ đợi nhất từ cuộc họp báo Chính phủ tháng 11 có lẽ sẽ là thông tin về dự thảo nới room cho NĐT nước ngoài.

Dòng tiền đầu cơ chưa thực sự nhập cuộc
Khả năng biến động mạnh của thị trường trong giai đoạn này là không cao do dòng tiền đầu cơ vẫn chưa thực sự nhập cuộc. Thị trường...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư