Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 07 năm 2024,
Tạ Xuân Hiển, Giám đốc điều hành Joolux.com: Về nước khởi nghiệp, tham vọng xây dựng đế chế hàng hiệu secondhand
Anh Hoa - 22/07/2021 08:22
 
Rời lĩnh vực đang nghiên cứu để về nước khởi nghiệp ở mảng hàng hiệu đã qua sử dụng (secondhand), Tạ Xuân Hiển tham vọng xây dựng Joolux.com trở thành sàn giao dịch hàng hiệu secondhand lớn nhất Việt Nam.
.
Tạ Xuân Hiển, sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Joolux.com.

Thoả mãn mọi nhu cầu của tín đồ hàng hiệu

Đối với thị trường hàng hiệu secondhand, đại dịch Covid-19 mang đến nhiều cơ hội hơn là thách thức. Theo thống kê của Statista.com, năm 2020, thị trường hàng hiệu tiêu dùng mới toàn cầu giảm 22% (từ 334 tỷ USD xuống 258 tỷ USD), nhưng thị trường hàng hiệu secondhand lại tăng nhẹ 6,4% (từ 31 tỷ USD lên 33 tỷ USD).

Theo CEO Joolux.com, có 3 lý do chính giúp thị trường này tăng trưởng, đó là: mua sắm trực tuyến nhảy vọt; cộng đồng tiêu dùng đang ủng hộ việc phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; suy giảm và tiết kiệm tiền từ người tiêu dùng.

Niềm tin với khách hàng, nghe thì đơn giản, nhưng để làm trọn vẹn được, thì không hề dễ dàng. Với Joolux, niềm tin đến từ việc đảm bảo tất cả sản phẩm đều chính hãng, rõ ràng, cho đến việc xây dựng chính sách khách hàng, hệ thống vận hành trơn tru, chăm sóc khách hàng tận tình.

- Tạ Xuân Hiển, sáng lập, kiêm CEO Joolux.com

Tại Joolux - nền tảng chia sẻ hàng hiệu secondhand duy nhất tại Việt Nam, có thể thấy rõ cơ hội thị trường qua số liệu thống kê, với sự gia tăng mạnh về số lượng người mua hàng.

Cụ thể, dịch vụ spa và sửa chữa hàng hiệu tại Joolux tăng trên 50%, do nhu cầu sử dụng lại sản phẩm đã để lâu trong tủ đồ. Số lượng sản phẩm ký gửi bán tại Joolux tăng trên 40%...

Sự gián đoạn về nguồn cung hàng mới và đi lại mua sắm, đặc biệt là du lịch mua sắm ở nước ngoài, khiến các tín đồ hàng hiệu chuyển hướng sang hàng đã qua sử dụng nhiều hơn.

“Hàng hiệu secondhand sẽ là xu hướng chính của thị trường hàng hiệu nói chung sau đại dịch”, Hiển khẳng định.

Đối với anh, đại dịch đã lấy đi rất nhiều cơ hội, nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội khác. Theo đó, mọi chiến lược của Joolux thời điểm này đều nhằm nắm bắt được cơ hội mới và cắt đi những phần thừa do cơ hội thị trường đã mất. Chiến lược được điều chỉnh liên tục theo tháng và quý, đi kèm sự theo dõi và phân tích rất kỹ sự thay đổi hành vi của khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh.

Thời điểm này, do tài chính cá nhân bị ảnh hưởng, khách hàng sẽ cân nhắc kỹ hơn khi mua món đồ giá trị cao, tiêu thụ sản phẩm phân khúc giá cao chắc chắn sẽ bị chậm. Do đó, Joolux tập trung vào phân khúc tầm trung. Trong thời gian giãn cách xã hội, Joolux cung cấp dịch vụ tại nhà, mang đến sự tiện lợi cho khách hàng.

Bằng những chiến lược thay đổi nhanh chóng đó, kết quả kinh doanh của Joolux ngày càng tăng trưởng.

“Đánh” vào giá cả và chất lượng kiểm định

Tạ Xuân Hiển năm nay 37 tuổi, không xa lạ đối với cộng đồng khởi nghiệp và giới du học sinh. Anh tốt nghiệp thạc sĩ môi trường tại Hàn Quốc và tiến sĩ xây dựng tại Mỹ, nhưng từ chối cơ hội ở lại làm việc, rời lĩnh vực đang nghiên cứu để về nước khởi nghiệp.

Ý tưởng khởi nghiệp với mô hình sàn giao dịch hàng hiệu secondhand của anh khởi nguồn từ lúc còn ở Mỹ. “Tôi rất mê mô hình đấu giá trực tuyến của eBay và tin rằng, mô hình này rất tiềm năng với thị trường Việt Nam”, Hiển chia sẻ.

Hàng loạt thử nghiệm đã được Hiển thực hiện thành công bằng việc đấu giá những sản phẩm khó định giá và các mặt hàng cao cấp đã qua sử dụng trên Facebook. Giữa năm 2016, nền tảng đấu giá trực tuyến Bidy.vn ra đời và chỉ hơn một năm sau đã trở thành tốp đầu của nền tảng đấu giá trực tuyến tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Hiển nhận thấy, mô hình đấu giá trực tuyến rất khó tăng trưởng và kén khách hàng, ngược lại, thị trường hàng hiệu đã qua sử dụng lại có tiềm năng lớn. Anh và các cộng sự dần thay đổi mô hình sang “chia sẻ để kết nối”, tập trung vào thị trường hàng hiệu secondhand với Joolux.com.

Nguồn hàng chính của Joolux đến từ người tiêu dùng cá nhân trong nước thanh lý, ký gửi sản phẩm. Ngoài ra, Joolux còn có đối tác là những công ty kinh doanh hàng hiệu tại Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Tất cả sản phẩm đưa lên Joolux đều được kiểm duyệt rất chặt chẽ bằng công nghệ kiểm định và đội ngũ chuyên gia.

Joolux đang tập trung vào 4 dòng sản phẩm chính: túi xách, đồng hồ, giày dép, phụ kiện.

Dù Joolux là nền tảng chia sẻ hàng hiệu secondhand duy nhất tại Việt Nam, nhưng Hiển và đội ngũ không coi đó là lợi thế chiến lược của Công ty, mà xác định phải “đánh” vào 2 điểm khác biệt chính về giá cả và chất lượng kiểm định.

Ngoài chuyển nhượng với giá phù hợp, Joolux còn cung cấp các dịch vụ như cho thuê hàng hiệu, mua trả góp, giúp khách hàng tiếp cận, sở hữu hàng hiệu với chi phí thấp nhất.

Joolux coi kiểm định hàng hiệu là yếu tố quan trọng nhất, quyết định thành công. Ngoài đội ngũ kiểm định giàu kinh nghiệm và đã có uy tín trên thị trường, Joolux ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào kiểm định hàng hiệu với độ chính xác lên đến 99,1%. Công ty luôn đảm bảo sản phẩm đến tay khách hàng là hàng thật 100% và có chính sách đền bù rõ ràng nếu có sai sót.

Mục tiêu lớn nhất của Joolux là xây dựng hệ sinh thái dịch vụ xung quanh của người sử dụng hàng hiệu, trở thành sàn giao dịch hàng hiệu lớn nhất Việt Nam và phát triển ra khu vực Đông Nam Á.

Để thực thi tham vọng này, Joolux phải có vốn mạnh. Gần đây, Joolux nhận được sự quan tâm từ các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, một số thương vụ sắp chốt. Joolux sẽ dùng nguồn vốn này để phát triển thương hiệu, đầu tư hệ thống kỹ thuật công nghệ kiểm định và củng cố hệ thống vận hành.

Tuy nhiên, Hiển cho biết, Joolux không gọi vốn bằng mọi giá, mà kỳ vọng sẽ được bắt tay với các nhà đầu tư mang đến cả vốn cùng những cơ hội kinh doanh, kết nối và tư vấn hữu ích cho sự phát triển đường dài.

James Vương, nhà sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Infina: “Mọi người đều có thể đầu tư với số vốn nhỏ”
James Vương đang đặt cược vào lần khởi nghiệp thứ hai với nền tảng đầu tư và tích lũy Infina, khi tin rằng, những nhà đầu tư thế hệ mới...
Bình luận bài viết này
  • Trang Thu 13:32 | 23-07-2021
    Thấy anh này mới lên Shark Tank để kêu gọi 300.000 USD cho 10% cổ phần của công ty. Nhưng thất bại, vì 2 cá mập đòi mua 60% cơ. Quan trọng là các shark không đủ tiền để đầu tư nhưng cứ rao giảng và phán xét startup. Ngược lại hẳn với Shark Tank phiên bản gốc, họ không chỉ trích, không phán xét... chỉ phân tích sâu về cơ hội, cách làm sao phát triển, quản trị rủi ro ra sao giúp startup...
  • Quốc Huy 12:20 | 22-07-2021
    Làm thế nào để người dân có thể tin tưởng vào hàng hóa đắt tiền và có chất lượng cao là bước đầu tiên khuyến khích họ mua đồ cũ.
  • Lý Anh Duy 10:54 | 22-07-2021
    Việt Nam vẫn là một thị trường còn phôi thai. Tuy vậy, nhiều công ty khởi nghiệp và những gã khổng lồ công nghệ đều nhận thấy thị trường tiềm năng ở đây. Nếu không nhầm thì phân khúc này đang được các trang thương mại điện tử của Trung Quốc hoạt động mạnh. Các giao dịch trên Idle Fish của Alibaba, một thị trường trực tuyến đồ đã qua sử dụng cho mọi thứ, từ quần áo đến đồ điện tử, đạt được 100 tỷ nhân dân tệ (14 tỷ USD) vào năm ngoái. Một số các trang bán hàng thời trang khác như Plum và Secoo cũng xuất hiện trong những năm gần đây. Joolux sẽ tìm thấy con đường vươn lên của mình ở thị trường Việt Nam, rồi ra nước ngoài.
  • Lê Yến 10:41 | 22-07-2021
    Ở phương Tây có một số nền tảng thời trang second hand nổi tiếng như: The RealReal, Thred Up, Depop (các cửa hàng thời trang bán lại những nhãn hàng xa xỉ đã qua sử dụng) khá thành công. Nhưng ở những thị trường đó người mua luôn có ý thức về trách nhiệm phải mua sắm giảm lượng khí thải carbon thời trang. Không biết thị trường Việt Nam thế nào? Bởi người tiêu dùng lo ngại hàng giả, do văn hóa chung của xã hội thường gắn liền với đồ mới, thậm chí liên quan đến nhiều vấn đề tâm linh, mê tín vì dùng lại quần áo của người khác…
Xem thêm trên Báo Đầu Tư