Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Tài chính tiêu dùng tìm hướng phát triển mới
Trần Mạnh - 22/05/2020 08:41
 
Hoạt động cho vay tiêu dùng sẽ hồi phục trở lại từ tháng 5/2020, tiềm năng dài hạn của thị trường cũng được dự báo rất khả quan. Song bối cảnh kinh tế và thói quen của người tiêu dùng đang dần thay đổi, đòi hỏi các công ty tài chính tiêu dùng cũng phải chuyển đổi mạnh mẽ.
.
Đẩy mạnh tái cơ cấu, chuyển đổi số là đòi hỏi thiết yếu với các công ty tài chính thời điểm hiện nay.

Thị trường dần hồi phục, tiềm năng còn rất lớn

Phát biểu tại Tọa đàm Tái khởi động nền kinh tế - Cơ hội cho tài chính tiêu dùng do Báo Đầu tư tổ chức vừa qua, bà Trần Thanh Nữ Tường Vy, Phó tổng giám đốc Công ty tài chính SHB (SHB Finance) cho rằng, dịch Covid-19 tác động mạnh đến lĩnh vực cho vay tiêu dùng, nhất là các doanh nghiệp mới thành lập. Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn tiêu dùng sẽ tăng trở lại từ tháng 5/2020 và tăng tốc vào những quý cuối năm.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính đến tháng 3/2020, dư nợ tín dụng tiêu dùng của cả nước khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, chiếm 20,44% tổng dư nợ cả nền kinh tế. Nếu bóc tách tín dụng vay mua nhà, sửa nhà, thì tín dụng tiêu dùng mới chiếm hơn 12% tổng dư nợ, thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Trong 3 tháng đầu năm, tín dụng tiêu dùng chỉ tăng 0,26%, thấp hơn nhiều năm trước. 

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho rằng, nếu có biện pháp kích cầu trong nước, bao gồm cả tiêu dùng nội địa, thì khả năng lĩnh vực cho vay tiêu dùng sẽ tăng trưởng nhanh hơn. “Với Việt Nam, điều quan trọng số một là kiểm soát tốt dịch bệnh, từ đó khôi phục dần các hoạt động xã hội và nhu cầu vay vốn sẽ tự bật tăng lên. Trước mắt, Chính phủ cũng cần tiếp tục các biện pháp kích cầu như giải ngân gói an sinh 62.000 tỷ đồng, đẩy mạnh đầu tư công…”, TS. Lực nói. 

Hiện tại, trong tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, dư nợ của các công ty tài chính chỉ chiếm 7,7%. Tuy nhiên, khối công ty này có sản phẩm - dịch vụ tài chính tiêu dùng tương đối đa dạng, bao phủ phần lớn nhu cầu tiêu dùng, từ cho vay tiền mặt, cho vay mua đồ gia dụng, thiết bị điện tử, cho vay mua xe máy đến cho vay mua thẻ tập thể dục, học ngoại ngữ, tiệc cưới, hay du lịch, thậm chí phát hành thẻ tín dụng…

Chuyển đổi là đòi hỏi thiết yếu

Mặc dù dư địa thị trường còn rất lớn, song khó khăn trước mắt của các công ty tài chính tiêu dùng không nhỏ. Chính vì vậy, đẩy mạnh tái cơ cấu, chuyển đổi số là đòi hỏi thiết yếu với các công ty tài chính thời điểm hiện nay.

Bà Tường Vy khẳng định, hậu Covid-19 sẽ mở ra nhiều định hướng mới trong phát triển kinh doanh của các công ty tài chính. Dịch bệnh cũng là dịp để các công ty mới cấu trúc lại mô hình hoạt động kinh doanh phù hợp và nhanh chóng ứng dụng công nghệ số để tiết giảm chi phí và đáp ứng xu hướng cho vay tiêu dùng mới.

“Ngay từ năm đầu hoạt động, SHB Finance đã xây dựng tương đối hoàn chỉnh bộ máy vận hành khung khá vững và hoạt động đúng định hướng của SHB đề ra. Trong giai đoạn dịch bệnh, Công ty luôn bám sát thông tin thị trường, phân tích và tìm giải pháp tốt nhất cho các kịch bản, với mục tiêu hoạt động an toàn trong thời gian dịch bệnh hơn là tìm kiếm lợi nhuận. Sau khi ổn định để vượt qua giai đoạn dịch bệnh, doanh nghiệp sẽ đủ đề kháng để tăng tốc vào quý III - quý IV/2020”, bà Vy cho biết.

Trong khi đó, lãnh đạo một công ty tài chính lớn khẳng định, công ty không chủ trương đẩy mạnh cho vay trong bối cảnh hiện nay, thay vào đó là tập trung thu hồi nợ, tập trung vào khách hàng hiện hữu, nỗ lực tái cấu trúc và đẩy mạnh  chuyển đổi số.

Theo các chuyên gia kinh tế, đã đến lúc, các công ty tài chính phải rà soát lại chiến lược kinh doanh để chuyển đổi cho phù hợp với thị trường, đặc biệt là chuyển đổi số. Thực tế, các mô hình cho vay trực tuyến, mô hình P2P xuất hiện rất nhiều thời gian qua cũng là những cảnh báo, buộc cho vay tiêu dùng phải phải chuyển đổi.

Các chuyên gia cho rằng, công nghệ phát triển mang lại cho các công ty tài chính nhiều cơ hội để mở rộng tệp khách hàng, tận dụng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro khách hàng tốt hơn. Tuy nhiên, công nghệ cũng khiến thị trường cạnh tranh khốc liệt hơn.

Vì vậy, trong bối cảnh mới, các công ty tài chính tiêu dùng cần tăng cường nền tảng công nghệ phục vụ cho vay tiêu dùng, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh, hoạt động an toàn, hiệu quả hơn. Được biết, thời gian qua, rất nhiều công ty tài chính đã đẩy mạnh chuyển đổi theo hướng này.

“Chúng ta đang trong một xu thế quan trọng: kinh tế số, các mô hình kinh doanh số có đà phát triển cực mạnh sau đại dịch. Các công ty tài chính phải quan tâm hơn đến phát triển nền tảng công nghệ”, TS. Cấn Văn Lực khuyến cáo.

Tài chính tiêu dùng bắt tay hỗ trợ cá nhân vay vốn
Thu nhập sụt giảm, nhiều cá nhân vay tiêu dùng mất khả năng thanh toán và đứng trước nguy cơ rơi vào nợ xấu. Các công ty tài chính tiêu dùng đã tung...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư