Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Tài chính xanh cho nền kinh tế trung hòa carbon
Việc Chính phủ Việt Nam khuyến khích phát hành thêm nhiều trái phiếu xanh sẽ là chìa khóa để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh.

Dù Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ để khẳng định vai trò là một trong những trụ cột trong hành trình toàn cầu hướng tới tương lai trung hòa carbon, nhưng vẫn có những ý kiến khác nhau về mức độ sẵn sàng của Việt Nam trong việc dẫn đầu quá trình chuyển đổi này. Để củng cố con đường phía trước của Việt Nam, tôi có một vài đề xuất.

Việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh có thể nâng cao vị thế toàn cầu của Việt Nam

Đảm bảo tài chính và trái phiếu xanh

Điều quan trọng nhất là cần đảm bảo tài chính và trái phiếu xanh có thể phát huy vai trò là nguồn lực chính. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, Việt Nam cần khoảng 360 tỷ USD vào năm 2040 để đáp ứng Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam và thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0”. Cụ thể, ngành năng lượng cần hơn 130 tỷ USD đầu tư cho các nhà máy điện mới và cơ sở hạ tầng lưới điện, như đã nêu trong Quy hoạch Phát triển điện VIII.

Những số liệu trên nêu bật nhu cầu cấp thiết về phát triển thị trường tài chính bền vững để huy động nguồn vốn cần thiết cho quá trình chuyển đổi này, trong đó trái phiếu xanh đóng vai trò chủ chốt.

Kể từ khi xuất hiện vào năm 2007, trái phiếu xanh nổi lên như một công cụ quan trọng để huy động tài chính khí hậu, thu hút sự chú ý trên toàn cầu. Theo dữ liệu của Bloomberg, vào năm 2023, các đợt phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội, trái phiếu bền vững (GSS) toàn cầu đã đạt 939 tỷ USD.

Trong khi đó, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cũng vào năm 2023, tại ASEAN, lượng trái phiếu bền vững được phát hành đạt 19,1 tỷ USD. Malaysia, Indonesia, Singapore và Thái Lan đã ban hành danh mục phân loại xanh và Việt Nam là thị trường mới nhất đang theo sát phía sau.

Trái phiếu xanh có thể cung cấp nguồn vốn cần thiết để giảm thiểu rủi ro khí hậu và hỗ trợ các cam kết của Việt Nam theo Thỏa thuận Paris. Những đợt phát hành trái phiếu xanh đầu tiên của Việt Nam, như đợt phát hành trị giá 75 triệu USD của Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực năm 2022 và đợt phát hành trị giá 100 triệu USD của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam năm 2023, là những tín hiệu đầy hứa hẹn.

Tuy nhiên, những nỗ lực trên mới chỉ là bước đầu và chưa đủ đáp ứng nhu cầu của quá trình chuyển đổi xanh. Việc Chính phủ khuyến khích phát hành thêm nhiều trái phiếu xanh sẽ là chìa khóa để đẩy nhanh tốc độ của quá trình chuyển đổi này.

Các dự án khả thi và hợp tác quốc tế

Bên cạnh đó, cần ưu tiên xây dựng một loạt dự án khả thi và có khả năng huy động vốn. Sự thành công của trái phiếu GSS+ phụ thuộc lớn vào việc phát triển các dự án có thể thu hút các nhà đầu tư cả trong nước và quốc tế. Để tạo niềm tin với nhà đầu tư, các dự án này cần đảm bảo lợi nhuận và đem lại lợi ích rõ ràng về môi trường.

Trên toàn cầu, Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) đã và đang tăng cường hỗ trợ để đẩy nhanh việc áp dụng các công cụ tài chính bền vững tại các nền kinh tế mới nổi. Tại Việt Nam, GGGI đang hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ tài chính nhằm thu hút hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, phát triển chính sách và tăng cường năng lực của các bên liên quan tham gia vào thị trường.

Điều này đòi hỏi nỗ lực hợp tác từ cả khu vực công và khu vực tư nhân. Bước đầu, cần lập một quy trình có hệ thống để xác định các dự án xanh tiềm năng. Tiếp theo là quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng liên quan đến nghiên cứu khả thi, đánh giá tác động môi trường và lập kế hoạch tài chính vững chắc.

Việc xây dựng, nâng cao năng lực của chính quyền trung ương và địa phương, các đơn vị phát triển dự án và các tổ chức tài chính là rất quan trọng. Ngoài ra, khung chính sách chặt chẽ và hỗ trợ pháp lý rất cần thiết, gồm ưu đãi thuế, trợ cấp và bảo lãnh cho dự án xanh.

Những biện pháp trên sẽ giúp giảm thiểu rủi ro đầu tư và tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đảm bảo dòng vốn ổn định vào các sáng kiến bền vững. Cách tiếp cận này sẽ thúc đẩy môi trường thuận lợi cho sự phát triển của tài chính xanh và tài chính bền vững, đồng thời hỗ trợ các mục tiêu lớn hơn về phát triển bền vững và đạt phát thải ròng bằng “0”.

Việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với các tổ chức quốc tế cũng có vai trò lớn trong thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh. Các tổ chức này có thể mang lại đóng góp đáng kể trong việc tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi, thông qua việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực và hỗ trợ tài chính để phát triển thị trường trái phiếu GSS+, đồng thời nâng cao khả năng tiếp cận vốn của các dự án. Đặc biệt, các tổ chức quốc tế có thể phát huy vai trò trung gian trong thu hút các nhà đầu tư quốc tế đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu.

Việt Nam đang đứng trước thời điểm quan trọng. Mặc dù Việt Nam có tiềm năng to lớn về năng lực sản xuất, nhưng quỹ đạo phát triển có thể thay đổi nếu các doanh nghiệp sản xuất toàn cầu ưu tiên các sáng kiến xanh không nhận được sự hỗ trợ đầy đủ từ Chính phủ Việt Nam. Ngược lại, việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh có thể nâng cao vị thế toàn cầu của Việt Nam, không chỉ dừng lại ở ưu thế về năng lực sản xuất của mình, mà định vị Việt Nam là quốc gia dẫn đầu với tư cách là một cường quốc kinh tế không phát thải.

Tín dụng xanh, trái phiếu xanh: Doanh nghiệp, ngân hàng vẫn vướng
Dư nợ cho vay tín dụng xanh mới chiếm 4,1% tổng dư nợ, song có tốc độ tăng trưởng mạnh, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư